LỄ GIÁNG SINH Lễ ban ngày (Ga 1, 1-18 )

Chắc hẳn một số các bạn đã xem bô phim Khang Hy Vi Hành. Toàn bộ bộ phim được chia ra thành 6 câu chuyện khác nhau ( trung bình mỗi câu chuyện khoảng 10 tập phim), và Quế Viên Kí là câu chuyện thứ 6. Câu chuyện Quế Viên Kí bắt đầu từ việc Khang Hy bị bệnh. Nghi Phi mời Tiền Thái Y đến chuẩn mạch. Tại ngự dược phòng, thái giám Tam Đức Tử phát hiện ra một sự thật tày trời: Nhân sâm đã bị tráo đổi bằng …củ cải. Hay tin, vua Khang Hy rất tức giận, quyết định đích thân điều tra vụ việc và tiến hành một chuyến vi hành mới hầu khám phá ra những chuyện khuất tất bên trong vụ án.
Cải trang làm người bán thuốc Bắc, Khang Hy đã dần dần khám phá ra “đường dây” làm thuốc giả của tên Tứ Bình Hải và Lý Tri phủ. Được sự giúp đỡ của Nhạc Thanh Nhi, con gái của dược sư Nhạc Tam Phong, Khang Hy thu được đủ bằng chứng kết tội những kẻ vô lương tâm. Qua nhiều lần gặp mặt, Nhạc Thanh Nhi bỗng có tình cảm đặc biệt với Khang Hy. Sau khi biết rằng mình đã yêu “nhầm” đương kim Hoàng Đế, tuy Nhạc Thanh Nhi cảm thấy đau buồn nhưng nàng không chấp nhận theo Khang Hy về cung, trở thành phi tần như mơ ước của nhiều cô gái thời bấy giờ. Trong câu chuyện chúng ta bắt gặp những tình huống éo le khi vua cả một nước phải bị bắt, bị điệu ra công đường để quan xử. Những “công thần” đã không nhận biết vua, những “thần dân” lại càng không biết vua có phải là người bán thuốc bắc hay không ?
 
Bài Tin mừng lễ ban ngày cho chúng ta thấy : Thánh Gioan diễn tả một thực trạng đáng buồn là: “Người ở giữa thế gian và thế gian đã nhờ Người mà có, nhưng lại không nhận biết Người. Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận” (Ga 1, 10-11) Thực trạng này Thánh Gioan không chỉ muốn ám chỉ đến những người Do Thái ngày xưa không nhận biết Chúa là Đấng Cứu Thế, nhưng còn là thực tế cho mọi thời kể cả ngày hôm nay nữa. Thực trạng này cũng gần giống như tình cảnh của vua Khang Hy trong câu chuyện vừa kể trên.
Tiếc rằng nhân loại chỉ mãi lo những chuyện đâu đâu, chỉ lo tìm kiếm những giá trị trần thế chóng qua, tạm bợ mà lơ là với mầu nhiệm cực trọng này “Israel không hay không biết, dân Ta không hiểu không tường” (Is 1,2). Chúa đã đến cách đây hơn 2000 năm, Ngài vẫn đến gõ cửa từng nhà tâm hồn chúng ta, thế mà cánh cửa ấy vẫn im ỉm, chúng ta vẫn không chịu mở cửa đón Người, chúng ta không nhận ra tiếng kêu cửa của Người. Thật buồn cho Chúa, thương thay cho chúng ta.
 
Thế giới ngày nay, không chỉ người ngoài mà ngay cả người trong Giáo Hội cũng đã và đang từ chối Người, Không nhận biết Người. Cách thức con người ngày hôm nay khéo léo hơn người Do Thái xưa nhiều, họ có đủ mọi lý do để chối từ Đức Kitô : nào là công chuyện, nào là phải lo cho đời sống kinh tế, nào là nếu người khác biết tôi là người công giáo sẽ mất sở làm, không được thăng quan tiến chức…..Đây chỉ là phần băng nổi, còn “Tảng băng chìm” thì mới là cái đáng nói đáng quan tâm. Tảng băng chìm này là: chúng ta vẫn đến nhà thờ, vẫn giữ những ngày lễ Giáo Hội quy định nhưng chỉ giữ cho có , giữ cách vô hồn; xem việc đi tham dự Thánh Lễ như là một việc làm cho khỏi phạm tội trọng rồi thôi. Ngay chính trong ngày trọng đại của Mầu Nhiệm Giáng Sinh này, chúng ta chỉ trang trí bên ngoài cốt sao cho đẹp cho rực rỡ, ăn mặc cho đẹp thế nhưng thử hỏi lòng chúng ta có được chuẩn bị, được trang trí thật đẹp, thật xứng đáng để đón mừng Chúa Giáng Sinh như những gì chúng ta bày trí bên ngoài ? Chúng ta chuẩn bị mọi sự nhưng chỉ là những cái phụ tuỳ, trong khi cái chính yếu là dọn tâm hồn cho xứng đáng để đón Chúa thì lại không được chuẩn bị. Sự lệch lạc này đã biến mầu nhiệm Giáng Sinh trở nên một lễ hội vui chơi như bao lễ hội khác không hơn không kém.
 
Hoà cùng niềm vui với toàn thể Giáo Hội hoàn vũ mừng Mầu Nhiệm Con Thiên Chúa xuống thế làm người, ước gì mỗi khi chúng ta khi chuẩn bị lễ, tham dự lễ cũng hãy biết chuẩn bị tâm hồn mình cho xứng đáng để đón Chúa, nhận ra Chúa qua dáng dấp hài nhi bé thơ nằm trong máng cỏ chiên bò, đặc biệt nhận ra Chúa hiện diện nơi anh em đồng loại của chúng ta.