Câu chuyện ngụ ngôn kể rằng : có một cây sậy mọc ở dưới gốc của cây đại thụ. Một hôm, đại thụ nói : Này bé tí ! Tại sao cậu không thọc chân thật sâu xuống lòng đất để giữ thân mình chắc chắn và ngẩng mặt lên trời thật cao như ta ?
Cây sậy trả lời : Tôi bằng lòng với số phận của tôi. Tôi không thể to lớn như anh, nhưng tôi thấy mình thật an tòan
Đại thụ mỉa mai : An tòan ư ? Ngươi xem ta đây mới là an tòan. Ai có thể làm ta lay đổ, rung chuyển được ?
Nhưng chẳng bao lâu sau , một cơn bão nổi lên mạnh đến nỗi bứng cả gốc rễ của cây đại thụ và nó nằm trơ vơ trên mặt đất. Trong khi đó, cây sậy tí hon biết nghiêng mình theo chiều gió và rồi nó đứng thẳng lên khi cơn bão qua đi.
Câu chuyện trên đây cho chúng ta hai thái độ của cuộc đời. Những người kiêu căng tự mãn, luôn cho mình hơn người khác, coi thường người khác vì mình có phần trỗi vượt hơn sẽ phải nhận lấy thất bại vì không biết lường trước sự cố có thể xảy ra. Còn trái lại, những người nhìn nhận sự thật về chính mình, biết chấp nhận chính mình sẽ an tòan khi có biến cố xảy đến.
Bài Tin mừng hôm nay, Đức Giêsu cũng cho chúng ta hai thái độ của sự cầu nguyện, hai thái độ của cuộc đời.
Một người đến cầu nguyện, nhưng anh ta chỉ khoe khoang công trạng, đồng thời còn chỉ trích người khác. Anh ta chỉ nhìn thấy chính mình, thấy những gì mình đã làm được, để rồi tự hào. Ngoài ra anh không nhận thấy những gì mình đã nhận được, cũng không nhìn thấy những thiếu sót, những lỗi lầm của chính mình, mà trái lại chỉ nhìn thấy những điều xấu của người khác. Anh không nhận ra được bên cạnh anh còn biết bao nhiêu người tốt hơn anh, và cũng không muốn nhận ra có người tốt hơn mình.
Anh ta chỉ còn nhìn thấy có chính mình, ngay cả Thiên Chúa mà anh ta đến cầu nguyện, dường như cũng không đáng là gì trước mắt anh, vì những công trạng của anh đã che lấp đi tất cả. Nên người đứng cầu nguyện bên cạnh kia càng không đáng để anh quan tâm, hay đúng hơn là không nên hiện diện trước mắt anh.
Còn người kia đến cầu nguyện, anh không có gì để khoe khoang, anh chỉ có con tim chân thành, nhìn thấy những yếu đuối, nhìn thấy sự sai lỗi của mình. Anh ta chỉ còn trông cậy vào tình thương bao la của Đấng mà anh đang cầu nguyện. Anh không còn nhìn thấy mình nữa, mà trước mắt anh chỉ có Đấng làm cho anh tất cả mọi sự. Anh chỉ biết xin tha thứ. Thế mà, chúng ta nghe Đức Giêsu nói: “Người nầy ra về được khỏi tội, còn người kia thì không”.
Nghe qua câu chuyện, chắc chúng ta cũng đang khó chịu vì thái độ của người kiêu căng, có lẽ chúng ta tự nhủ: mình không giống như hắn. Chính trong giây phút này, chúng ta đang mang tâm trạng của người biệt phái rồi đó. Giống trong thái độ loại trừ, trong thái độ khó chịu với người khác, giống trong thái độ chỉ nhìn thấy cái xấu của người khác. Thử nhìn lại xem: người biệt phái có nhiều điều rất đáng tự hào: anh ta ăn chay, bố thí, anh ta chu toàn lề luật rất tốt. Nhưng vì thái độ so sánh, coi thường người thu thuế, cho nên những công trạng đó không còn giá trị nữa. Còn chúng ta, không thể so sánh được với người biệt phái về công trạng, nhưng coi chừng chúng ta lại hơn hẳn người biệt phái về thái độ coi thường anh em chung quanh chúng ta.
Còn thái độ của người thu thuế, mặc dù là thái độ tốt, nhưng xem ra có vẻ yếm thế quá. Còn chúng ta thì sao ? Chúng ta cũng có chút tài năng, chút công trạng, cũng làm được một vài việc tốt đáng tự hào, đáng biểu dương. Nhưng nếu xét kỹ lại, trước mặt Chúa những công việc đó có đáng là gì, có đáng để tự hào so với những gì mình đã nhận được, hay đem so với những người chung quanh, chúng ta có hơn được ai chưa ? Nếu nhìn sâu hơn nữa, tội lỗi chúng ta chất chồng, nếu đem lên bàn cân, nó sẽ như thế nào? Vậy chúng ta còn dám tự hào trước mặt Chúa được không? Những lần đến trước mặt Chúa cầu nguyện, được bao nhiêu lần chúng ta ra về và được khỏi tội, còn bao nhiêu lần chúng ta ra về với tiếng không mà Đức Giêsu đã chỉ về người biệt phái.
Xin Chúa cho chúng ta biết chọn thái độ sống cho xứng đáng trước mặt Chúa và mọi người. Để mỗi việc làm là những giây phút cầu nguyện phát xuất từ lòng thống hối chân thật. AMEN