CHÚA NHẬT LỂ CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG (Ga 20, 19 – 23)

Những du khách khi chiêm ngưỡng bức tượng Moses (Môsê) của Michelangelo ( 1475 – 1564) đều thắc mắc vì sao bức tượng lại bị nứt một chỗ ở đầu gối ?. Người ta kể về việc này như sau : ngày kia Michelangelo gặp một khối đá, nhìn kỹ các đường gân xong, ông quyết định tạc tượng ông Môsê. Búa đục trong tay, ông cần cù làm việc, khi  hòan thành bức tượng, chính ông như gặp một Môsê vừa trên núi Sinai xuống với đầy đủ dáng vẻ uy nghi. Ông nói với bức tượng : “ nói đi ”. Tượng vẫn im lặng, ông lại nói : “ nói đi ”, tượng vẫn im. Quá tức tối, ông ta không cầm được lòng giận dữ nên đã lấy búa bổ một nhát vào đầu gối của bức tượng để cho bức tượng đau mà la lên !!!. Lẽ dĩ nhiên, bức tượng vẫn im lặng. Vì thế mà ngày nay các du khách khi tham quan thấy bức tượng bị nứt một chỗ ở đầu gối.

             Câu chuyện đưa chúng ta về một nhà điêu khắc gia siêu đại tài trong sách sáng thế ký, khi Chúa Trời tạo nên con người đầu tiên (St 2, 7) : khi ấy Thiên Chúa lấy đất nặn ra con người và hình dạng người ấy thật sự sinh động khi Ngài thổi sinh khí cho nó. Tương tự như thế, bài Tin mừng hôm nay, Đức Giêsu đã thổi hơi ban Thánh Thần cho các tông đồ, sau khi Người trỗi dậy từ cõi chết (Ga 20,22 ).

            Trong ba năm công khai loan báo Tin mừng, Đức Giêsu đã hình thành một Giáo hội như thân thể mầu nhiệm của Ngài. Mọi cơ quan đã có nơi hạt nhân là 11 tông đồ. Nhưng thân thể ấy vẫn còn thiếu một cái gì đó nên nó chưa thể họat động độc lập, vẫn còn phải dựa vào sự hiện diện của chính Ngài nơi trần thế. Có Ngài là có sự bình an. Vắng bóng Ngài là run sợ , là đóng cửa và lẩn trốn. Thân thể đã có đủ các chi thể nhưng thiếu mất linh hồn. Thở hơi ban Thánh Thần, Đức Giêsu đã phú linh hồn cho thân thể mầu nhiệm của Ngài là Giáo hội để Giáo hội thực sự sống động.

            Giáo hội đã có được một mẻ lưới tuyệt vời với khỏang 3000 người theo đạo (Cv 2, 41 ). Một thành quả truyền giáo mà bao nhiêu nhà truyền giáo sau này hằng ngưỡng mộ và không ngừng mơ ước.

            Giáo hội sống động bằng chính sự sống Thiên Chúa trao ban, như khi tạo dựng con người Thiên Chúa đã thổi hơi và ban Thần khí cho cái thân thể hình thành từ “xác đất vật hèn”. Nhưng lòai người đã phạm tội. Giáo hội cũng yếu đuối. Được trao ban Thần Khí sự sống, Đức Giêsu cũng trao ban ơn tha tội cho cái thân thể vốn yếu đuối, bị thử thách được gọi là Giáo hội chiến đấu của Ngài.

Trước lúc về Trời, Đức Giêsu đã truyền cho các tông đồ rao giảng sự thống hối và làm phép rửa cho muôn dân để được tha tội và được ơn cứu độ. Chính vì thế, sứ vụ chính yếu của người tông đồ là rao giảng sự thống hối và cầu ơn tha thứ cho mọi người. Thánh Phaolô trong thư gửi tín hữu Conrintô đã quả quyết : “ Mọi sự ấy đều do bởi Thiên Chúa là Đấng đã nhờ Đức Kitô mà cho chúng ta được hòa giải với Người, và trao cho chúng tôi chức vụ hòa giải” (2Cr 5,18 ). Viết tới đây tôi bỗng nhớ đến bài hát Tình Yêu của Linh mục Kim Long có câu : “ Lời con, ôi uy linh một lời con tuyên phán, là thứ tha muôn tội phàm trần, là Chúa ban ân lộc đầy tràn…” Vì sao một người bất tòan lại có quyền tha tội cho những người khác nếu không phải là họ được Thiên Chúa trao ban chức vụ cho người ấy. Dưới con mắt đức tin chúng ta xác tín rằng chính Thiên Chúa mới là Đấng tha tội cho chúng ta nhưng sự tha thứ ấy được tỏ hiện qua thừa tác viên của người là các Linh mục. Chính trong sức mạnh của Thánh Thần , các Linh mục mới đảm đương được sứ vụ cao cả ấy. Có một lần vì có việc cần gặp Cha X. gấp, tôi được phép vào nhà nguyện Đại chủng viện đang giờ các Linh mục xưng tội trong tuần tĩnh tâm. Một hình ảnh tạo ấn tượng cho tôi là một dãy các Cha đang xếp hàng chờ xưng tội. Chúng ta thường thấy các Cha ngồi tòa, mấy khi thấy các Cha xếp hàng xưng tội như thế này ! Điều đó càng khẳng định hơn trong tôi niềm xác tín rằng Giáo hội này do Thiên Chúa thành lập và giữ gìn, những con người bất tòan được Chúa chọn cũng chỉ là cánh tay nối dài của Người. Họ chỉ là cánh tay không phải là con người. Chính vì thế, chúng ta có thể thất vọng vì những người đại diện Giáo hội, nhưng không được mất niềm hy vọng vào Giáo hội của Chúa Giêsu Kitô.

Nguyện xin Chúa Thánh Thần là Đấng Thánh Hóa xuống tràn ngập cõi lòng mỗi người, để chúng ta cảm nhận là chính mình được tha thứ, và rồi đến lượt mình chúng ta cũng sẵn lòng tha thứ cho anh em. Không có Thánh Thần con người sẽ mãi cố chấp và luôn mãi cứng cỏi với Thiên Chúa, với chính mình và với tha nhân.