Thứ sáu trong tuần thứ XXIX -TN : Trả lẽ về thái độ sống của chính mình

Thứ Sáu trong tuần thứ Hai Mươi-Chín Mùa Quanh Năm

Ep 4:1-6; Tv 24:1-2,3-4,5-6; Lc 12:54-59

TRẢ LẼ VỀ THÁI ĐỘ SỐNG CỦA CHÍNH MÌNH

Khi tiên báo về ngày giờ của Chúa sẽ đến, một người trong đám đông dân chúng tiến lại đặt câu hỏi với Chúa Giêsu để biết khi nào thì các sự ấy xảy ra. Chúa Giêsu liền nhắc họ cách đoán biết thời tiết để nhận ra những dấu chỉ. “Khi các ngươi thấy mây kéo lên ở phía tây, các ngươi nói ngay: “Mưa đến nơi rồi”, và xảy ra đúng như vậy. Khi thấy gió nồm thổi, các ngươi nói: “Trời sẽ oi bức”. Và xảy ra đúng như vậy. Những kẻ đạo đức giả kia, cảnh sắc đất trời, thì các ngươi biết nhận xét, còn thời đại này, sao các ngươi lại không biết nhận xét?”

Trang Tin Mừng hôm nay đang chất vấn lương tâm mỗi người chúng ta về thái độ sống thế nào để khi thời giờ của Chúa đến chúng ta không phải nuối tiếc. Đôi lúc chúng ta giả vờ hay cố tình lãng quên lời dạy của Chúa. Chúng ta mải mê điên cuồng đuổi theo những gì là phù hoa hư ảo, chạy theo cơn cám dỗ của tiền bạc vật chất, đam mê xác thịt mà không sống và tìm kiếm những giá trị Tin Mừng.

Nhìn lại cuộc đời, có khi ta say sưa ngủ yên trên những vinh quang đạt được mà quên rằng cuộc sống này chỉ là tạm bợ, trời đất này sẽ qua đi vì bản chất của nó chỉ là vật chất không thể tồn tại vĩnh viễn. Chúng ta quen sống trong sự giả dối ngu muội, ù lì chìm trong các thói hư tật xấu. Một lần nữa Chúa nhắc nhở chúng ta quan sát những điềm thiêng dấu lạ để nhận biết ngày giờ của Chúa.

Chúa Giêsu lên tiếng khen người Do Thái, họ rất giỏi về thiên văn, đoán biết được các hiện tượng tự nhiên, các điềm lạ dựa vào sự xuất hiện của tinh tú, sự thay đổi của thời tiết, mưa nắng…Thế nhưng họ lại là những kẻ giả hình vì không nhận ra ngày giờ của Chúa. Họ suy nghĩ có lý luận chặt chẽ và thường kiểm chứng bằng khoa học nhưng tiếc thay họ lại thiếu niềm tin.

Chúa Giêsu cũng đã khen ngợi họ về sự lanh lợi, sự hiểu biết và mau lẹ ứng dụng kinh nghiệm sống của mình trong đời sống hàng ngày. Và Chúa Giêsu cũng mong muốn họ áp dụng, thích ứng những kinh nghiệm dân gian đó vào đời sống đức tin, đọc ra được những dấu chỉ của thời cuộc.

Tuy nhiên, kinh nghiệm sống, giỏi thiên văn của người Do thái dường như đã và đang chôn vùi họ trong sự tự tôn, trong sự ích kỷ, trong sự thiển cận của mình. Chúa Giêsu đã mời gọi họ đi xa hơn những kinh nghiệm thường ngày mà họ đang cảm nhận. Ngài gọi mời họ khám phá, đi ra khỏi sự hạn hẹp và dám tin tưởng vào sự quan phòng của Thiên Chúa. Thế nhưng, mặc cho sự gọi mời, mặc cho chân lý vẫy gọi, người Do thái, những kinh sư, những luật sĩ, họ vẫn cứng lòng, chai dạ trước sự thật, trước đức tin.

Thật thế, để đoán biết thời tiết để tiên liệu cho công việc là điều cần thiết. Nhưng người khôn ngoan phải biết nhìn xa trông rộng, nghĩa là không chỉ sắp xếp công làm đồng áng mà còn phải thu xếp được hiện tại và hoạch định kế hoạch cho cuộc sống vững bền mai sau. Trong cuộc sống có nhiều người được xem là trí thức học cao hiểu rộng hơn người, họ biết lợi dụng thời thế xã hội mà tiến thân, làm giàu một cách nhanh chóng. Nhưng thực chất đó chỉ là những kẻ khôn ranh, khôn ma, khôn lỏi…. Trái lại có người lại bị liệt vào loại khờ khạo, không biết làm ăn tính toán nên buôn bán thua lỗ, học hành thất bại…Cả hai loại người này đều không có gì đáng bắt chước.

Dấu chỉ thời đại không chỉ là sự thay đổi của thời tiết, các vì tinh tú trăng sao nhưng còn là những vấn đề đang xảy ra trong cuộc sống xã hội hàng ngày. Nạn tham nhũng, bất công, nạn bài thiêng tục hóa, nạn phá thai cùng lối sống hưởng thụ thác loạn của giới trẻ…đang là tiếng chuông cảnh báo về ngày tận cùng của thế giới. Đứng trước những vấn đề nhức nhối ấy, niềm tin như bị tê liệt, chúng ta dường như phải “bó tay”. Hãy để cho ánh sáng Tin Mừng của Chúa soi rọi vào mọi ngóc ngách của cuộc sống và lương tâm con người.

Và rồi ta là những người Kitô hữu chính danh. Chúng tin vào Chúa, chúng ta có Chúa ở trong mình. Thế nhưng chính đời sống của chúng ta lại không phản ánh, chiếu tỏa ánh sáng của Chúa cho anh chị em mình. Là người tin có Chúa, thế nhưng khi gặp những nghịch cảnh trong đời sống như ốm đau, thất bại… chúng ta dễ dàng tìm đến thầy bói toán. Là người mang trong mình dòng máu Kitô hữu, thế nhưng khi phải đối diện với thử thách, với chủ nghĩa trần tục, chúng ta dễ dàng chao đảo và buông xuôi…

Quả thế, chính Chúa Giêsu là thực tại Nước Trời, thiết nghĩ mỗi người phải mang tâm tình của người thương gia đi tìm ngọc qúy. Ông đi tìm, rồi khi tìm thấy và nhìn ra giá trị của viên ngọc, ông sẵn sàng bán hết tất cả tài sản để mua cho được viên ngọc ấy. Hướng về thực tại Nước Trời trong chính Chúa Giêsu, đòi hỏi chúng ta cũng phải biết nhận ra vẻ đẹp, sự giàu sang và những giá trị vĩnh cửu mà Người mang đến. Điều đó chỉ có thể đến từ cái nhìn của con tim qua lời của Người. Thật vậy, những điều cốt yếu thì vô hình với đôi mắt nhưng tỏ rạng với trái tim. Cùng với đó, biết loại bỏ những giá trị trần thế đang ngăn cản ta trong hành trình tìm về bên Chúa là điều cần thiết.

Qua đó để thấy, khi đặt công trình cứu độ của Thiên Chúa bên cạnh cuộc đời, trong chính sự hiện diện của Chúa Giêsu với con người, thì chúng ta thấy tình yêu là biểu hiện cao cả nhất của thực tại Nước Trời giữa lòng đời. Nên, hướng về Nước Trời, con người phải sống tốt với thực tại của mình, mà trong đó, tình yêu phải là cốt lõi. Quả vậy, tình yêu là thực tại của Thiên Chúa, đồng thời cũng là thực tại gắn với con người. Chính trong sự yêu thương, mỗi người chúng ta đang chỉ cho thế gian biết Nước Trời đang hiện diện ở giữa họ.

Đứng trước trào lưu trần tục hóa, người Kitô hữu cảm nhận được tình yêu vĩnh cửu của Chúa dành cho trần gian. Đối diện với sự tha hóa về đạo đức, người Kitô xác tín rằng chỉ nơi Chúa sự thật, công lý mới trường tồn, hằng bất biến. Cuối cùng, người Kitô hữu luôn được gọi mời sống tâm tình tạ ơn, xác tín vào lòng Chúa xót thương. Dám tin và đọc ra những dấu chỉ, sự gọi mời mà Chúa đã và đang gửi đến cho nhân loại chúng ta. Có như thế, cuộc đời người Kitô hữu luôn là một bản trường ca vang xa, tán tụng hồng ân Chúa như lời thánh vịnh đã nói lên rằng: “Ví như Chúa chẳng xây nhà. Thợ nề vất vả cũng là uổng công” (Tv 126).

Chúa Giêsu chỉ cho chúng ta hướng giải quyết đó là phải có thái độ sống công bằng, yêu thương bác ái với mọi người và phải sám hối mỗi ngày. Vì “khi anh đi cùng đối phương ra tòa, thì dọc đường hãy cố gắng giải quyết với người ấy cho xong, kẻo người ấy lôi anh đến quan toà, quan toà lại nộp anh cho thừa phát lại và thừa phát lại tống anh vào ngục. Tôi bảo cho anh biết, anh sẽ không ra khỏi đó trước khi trả hết đồng kẽm cuối cùng”. Mỗi người chúng ta luôn phải trả lẽ trước mặt Chúa về thái độ sống của chính mình.

Gẫm lại trong đời sống hàng ngày của bản thân, tôi đôi khi cũng thường rơi vào thói xấu mà Đức Giêsu nhắc nhở. Có khi tôi chỉ nhìn thấy nơi những người tôi gặp về tính cách, hình thức bên ngoài nhưng tôi đã vội “gắn mác” cho họ theo cái nhìn chủ quan nơi suy nghĩ của tôi; cũng có khi tôi lại là kẻ võ đoán về các sự việc một cách đầy vội vàng. Chính lúc này, tôi đã trở nên kẻ nhận chìm thay vì làm trổ sinh hoa trái Lời Chúa trong đời sống của một người con Chúa. Những lúc như vậy, tôi đã trở nên người khôn ngoan giả, tự cho rằng mình thấu biết mọi sự chứ không phải là khôn ngoan thật theo ý Chúa.

Vậy thế nào là đạo đức thật và khôn ngoan thật theo ý Chúa? Tác giả Thánh Vịnh nhắc chúng ta rằng: “Kính sợ Chúa là đầu mối khôn ngoan, sáng suốt thay kẻ thực hành như vậy” (Tv 111,10). Còn tác giả thư thứ nhất Timôthê lại nhắc chúng ta rằng “người công chính, đạo đức” là người “giàu lòng tin và lòng mến”, “sống nhẫn nại và hiền hòa” 

 

Lm Anton Tuệ Mẫn CSsR