Thứ Hai Tuần XXXI-TN : BÁC ÁI VÔ VỊ LỢI VÀ KHIÊM NHƯỜNG

Thứ Hai Tuần  Ba Mươi-Nhất Mùa Quanh Năm

Thánh Charles Borromeo, Tiến Sĩ

Pl 2:1-4; Tv 131:1,2,3; Lc 14:12-14

BÁC ÁI VÔ VỊ LỢI VÀ KHIÊM NHƯỜNG

Chúng ta đang sống trong một thế giới mà con người tự cao tự đại, kiêu ngạo, giả hình, háo danh, đề cao quyền lực và lợi nhuận, say mê thống trị và chiếm đoạt, bè phái và chia rẽ, ăn miếng trả miếng và mưu cầu tư lợi. Lòng quảng đại, sự dịu dàng, hiền lành đang dần vắng bóng, thay vào đó là sự cộc cằn, thô lỗ, hay nóng giận và thù hằn. Lòng khiêm nhường lại càng hiếm hoi, khi người ta sống theo chủ nghĩa khoe khoang, thích thể hiện, tự phụ, cậy vào tài năng của mình và đề cao cái tôi. Lịch sử nhân loại đã không có ít bậc vĩ nhân vì chán ghét cảnh tranh chấp quan trường mà cáo quan về ở ẩn. Họ luôn giữ cho lòng mình trong sáng, tinh thần khiêm tốn và thanh cao. Chỉ ai thực thi bác ái, sống vị tha mới có khả năng yêu thương thực sự.

Bằng dụ ngôn khách được mời tới dự tiệc cưới, Chúa Giê-su dạy chúng ta hãy khiêm nhường dành chỗ nhất, chỗ trọng cho người khác: “Đừng tìm kiếm chỗ nhất “. Chúa biết chúng ta thường thích chỗ nhất ở nơi công cộng, trong nhà cũng như ngoài phố, nơi hội họp cũng như bàn ăn… Người biết ý định của chúng ta, nên Người khuyên chúng ta: “Khi anh được mời đi ăn cưới, thì đừng ngồi vào chỗ nhất” (Lc 14,8).

Qua bữa tiệc hôm qua, Đức Giê-su đã dạy thực khách bài học về khiêm nhường (Lc 14,7-11), hôm nay Ngài lại dạy thêm bài học về việc chia sẻ, biết cho đi. Trong đời thường, mấy ai cho đi mà không cần lấy lại: “bánh ít cho đi, bánh quy cho lại”, hay Tây phương cũng có câu: “Do ut des”: tôi cho anh để anh cho lại. Cho đi mà không được lại thì tinh thần dần dần sẽ phai nhạt, vì người ta chỉ đến với nhau khi thấy có lợi cho chính mình. Đàng này, Đức Giê-su lại dạy: thi ân cho người mà không cần đáp trả. Làm ơn cho người không có khả năng đền đáp, cho bất cứ người nào cần, chứ không “lựa mặt”. Chúng ta đã chọn lối sống nào của người đời hay của Đức Giê-su?

Thật sự mà nói, thường thì mọi người chúng ta làm cái gì cho nhau cũng muốn có qua có lại, thậm chí tham lam theo kiểu “thả con tép bắt con tôm”, “thả con săn sắt bắt con cá rô”, hoặc “Có đi có lại mới toại lòng nhau”. Tự bản chất chúng ta cho thấy có một sự phân biệt đối xử bất bình đẳng giữa giàu và nghèo, khi dọn tiệc, chúng ta vẫn ưu tiên mời người giàu, và nếu đang lúc dùng bữa, gặp người giàu chúng ta vẫn dễ dàng mời họ hơn thấy một người ăn mày đi qua…

Nói tóm lại, chúng ta bỏ ra thì muốn thu lại, thậm chí muốn thu lại hơn gấp nhiều lần, chứ ít ai trong chúng ta có được một lòng quảng đại chia sẻ cho những người nghèo khó. Chúng ta vẫn lấy tiêu chuẩn “công bằng kiểu làm ăn kinh tế” để đối xử với nhau, thì điều này chúng ta là Ki-tô hữu cũng chẳng hơn gì, vì người ngoại họ cũng làm được hơn cả chúng ta, bởi làm việc lành mà được đáp lại, nghĩa là được thưởng công rồi, nên chẳng còn công phúc gì trước mặt Thiên Chúa cả

Gương bác ái vô vị lợi có thể tìm thấy trong chính đời sống của Đức Giê-su. Ngài là hiện thân của tình yêu Thiên Chúa và tình yêu này được biểu lộ trong việc nhập thể. Đây là tình yêu vô biên đến gặp con người ở tầm mức nhân loại, bởi vì khiêm nhường là một trong những bộ mặt của tình yêu. Đức Giê-su đã xuống ngang tầm mức những kẻ nhỏ bé, yêu đuối; Ngài không tìm địa vị cao sang nổi bật, nhưng quan tâm đến những kẻ nghèo khó, bệnh tật, những kẻ bị xã hội ruồng bỏ.

Tình thương của Đức Giê-su không đòi hỏi phải có đi có lại. Ngài đi tìm kẻ nghèo khổ để ban ơn, mà không làm cho họ mặc cảm hay nghĩ ngợi là mình chẳng có gì đền đáp. Ngài mời gọi tất cả, nhất là những người nghèo khó, vì chỉ có họ mới dễ dàng chấp nhận lời mời dự tiệc Thiên Chúa. Về mặt thiêng liêng, những người nghèo là những người không khoe khoang về kiến thức, đức hạnh, hay bất cứ ưu điểm nào của mình; họ ý thức thân phận của mình: nhận ân huệ của Thiên Chúa mà không có gì để dâng lại; họ chỉ biết một điều là sẵn sàng đón nhận vì ý thức rằng Thiên Chúa là Đấng tốt lành và đầy lòng thương xót. Và đó là điều Thiên Chúa chờ mong nơi họ 

Sự khiêm nhường tự hạ của Chúa Con biểu lộ đức ái cao cả, Người ấp ủ trong lòng ơn cứu rỗi các linh hồn và tôn vinh Thiên Chúa Cha trong họ. Khiêm nhường thật để duy trì hạnh phúc phục vụ anh em, “lấy lòng khiêm nhường mà coi người khác hơn mình” (Ph 2, 3). Đối với người yêu mến, thì phục vụ vô vị lợi là phần thưởng của họ: “Khi anh dọn tiệc mời khách, thì hãy mời những người nghèo; và anh sẽ hạnh phúc, vì họ không có gì để trả lại anh“. Anh có thể có bác ái trong sự khiêm nhường, vì người khiêm nhường không qui chiếu về mình nhưng làm phúc vô vị lợi đối với tha nhân trong tình yêu. Thế nên, Tình Yêu vĩnh cửu của Thiên Chúa là khiêm nhường hoàn hảo nhất.

Đức Giê-su là tấm gương sáng chói về tinh thần cho đi cách quảng đại. Ngài đã “trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ” để đến với con người, sống như con người, hiến dâng mạng sống cho con người, mà không đòi hỏi  bất kỳ sự trả ơn, đền đáp nào.

Chúa Giêsu hướng lòng con người về đời sau. Ðang lúc dự tiệc cưới trên trần gian, Ngài đã liên tưởng đến bữa tiệc sẽ được hoàn tất trong vinh quang Nước Chúa, ở đó những người hèn kém được nâng lên và kẻ quyền thế bị hạ xuống; ở đó những người tàn tật, đui mù thực sự là những khách được mời dự tiệc của Chúa.

Gương bác ái vô vị lợi có thể tìm thấy trong chính đời sống của Chúa Giêsu. Ngài là hiện thân của tình yêu Thiên Chúa và tình yêu này được biểu lộ trong việc nhập thể. Ðây là tình yêu vô biên đến gặp con người ở tầm mức nhân loại, bởi vì khiêm nhường là một trong những bộ mặt của tình yêu. Chúa Giêsu đã xuống ngang tầm mức những kẻ nhỏ bé, yếu đuối; Ngài không tìm địa vị cao sang nổi bật, nhưng quan tâm đến những kẻ nghèo khó, bệnh tật, những kẻ bị xã hội ruồng bỏ.

Tình thương của Chúa Giêsu không đòi hỏi phải có qua có lại. Ngài đi tìm kẻ nghèo khổ để ban ơn, mà không làm cho họ mặc cảm hay nghĩ ngợi là mình chẳng có gì đền đáp. Ngài mời gọi tất cả, nhất là những người nghèo khó, vì chỉ có họ mới dễ dàng chấp nhận lời mời dự tiệc Thiên Chúa. Về mặt thiêng liêng, những người nghèo là những người không khoe khoang về kiến thức, đức hạnh, hay bất cứ ưu điểm nào của mình; họ ý thức thân phận của mình: nhận ơn huệ của Thiên Chúa mà không có gì để dâng lại; họ chỉ biết một điều là sẵn sàng đón nhận vì ý thức rằng Thiên Chúa là Ðấng tốt lành và đầy lòng thương xót. Và đó là điều Thiên Chúa chờ mong nơi họ.

Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta noi gương sống bác ái của Chúa. Ngài đã yêu thương chúng ta bằng một tình yêu bao la và nhưng không; do đó, chúng ta cũng có bổn phận phải cho đi một cách rộng rãi và vô vị lợi những ân huệ mà Ngài đã ban cho chúng ta. Ðược như thế chắc chắn chúng ta sẽ sống đẹp lòng Chúa và xứng đáng thông dự bàn tiệc vĩnh cửu trong Nước Chúa.

 

Lm Anton Tuệ Mẫn CSsR