Thứ Hai Tuần XXV Thường Niên : NGỌN ĐÈN ĐỨC TIN

Thứ Hai Tuần XXV Thường Niên

Thánh An-rê Kim Te-gon, Phaolô Chong Ha-sang và các bạn Tử đạo tại Triều Tiên, lễ nhớ

Thánh Gio-an Sác-lơ Cô-nây Tân (Jean Charles Cornay), Linh mục (U1837), Tử đạo.

Er 1,1-6; Lc 8,16-18

NGỌN ĐÈN ĐỨC TIN

 

“Vậy hãy để ý tới cách thức anh em nghe.
Vì ai đã có, thì được cho thêm;
còn ai không có, thì ngay cái họ tưởng là có,
cũng sẽ bị lấy mất.” (Lc 8, 18)

 

          Anrê Kim Taegon và Phaolô Chong Hasang được phong thánh cùng với một trăm mười một vị tử đạo khác do Đức Gioan Phaolô II, năm 1984, nhân dịp Đức giáo hoàng tới Triều Tiên. Lễ kỷ niệm được ghi vào lịch năm 1985, định vào ngày giữa 16 tháng 9, kỷ niệm thánh Anrê Kim tử đạo, bị chặt đầu ở Séonl, và 22 tháng 9, ngày tử đạo của thánh Phaolô Chong, cũng bị hành quyết năm 1846.

          Việc truyền giáo cho Triều Tiên bắt đầu từ thế kỷ XVII, nhờ lòng can đảm của một số giáo dân; họ đã lập nên một cộng đoàn sốt sáng tồn tại cho tới khi các thừa sai người Pháp tới. Các vị tử đạo tôn kính hôm nay đều thuộc cộng đoàn đó, tất cả đều là người Triều Tiên, trừ ba vị giám mục và bảy linh mục thuộc Hội truyền giáo hải ngoài Paris, đều bị hành quyết trong các cuộc bách hại 1839, 1846. Trong số đó có thánh Laurent Imbert, sinh tại Aix-en-Provence, thụ phong giám mục tại Triều Tiên, tử đạo năm 1839, thánh Pierre Maubant và Jacques Chastan.

          Anrê Kim Taegon sinh trong một gia đình quyền quí ở Triều Tiên. Thân phụ là ông Ignace cũng tử đạo, năm 1821. Ngày nay chúng ta còn lưu giữ được hai bức thư của cha Kim: một lá viết từ trong tù gửi cho giám mục Ferréol, người đã truyền chức linh mục cho cha tại Macao, Trung Quốc; lá thư thứ hai gửi các đồng đạo Triều Tiên khác. Thánh Anrê Kim Taegon là linh mục tử đạo thứ nhất người Triều Tiên.

           Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II trong” Bước qua ngưỡng cửa hy vọng “,có đoạn đã viết:” .Khi đưa ra cho lũ đông xem con người Nagiarét,thân mình bị đánh đòn,đầu đội mũ gai,Philatô đã không ngờ rằng khi ông ta nói”Ðây là người “,ông ta đã công bố một chân lý căn bản và đã nói lên cái điều sẽ mãi mãi và khắp nơi là nội dung của việc loan báo Tin Mừng “. Có nơi Ngài viết:” Có một điều nghịch lý căn bản trong Tin Mừng: muốn tìm thấy sự sống,phải bỏ mất nó;muốn sinh ra,thì phải chết;muốn được cứu độ,phải nhận lấy thập giá của mình! Ðó là chân lý nằm ở tâm điểm của Tin Mừng: ở mọi nơi và ở mọi thời,chân lý này sẽ bị người ta phản đối”.
          Thánh Anrê Kim Têgon,Phaolô Chung Hasan và các bạn tử đạo đã chấp nhận chân lý này và đã luôn sống cái nghịch lý của Tin Mừng.Các Ngài đã chết,nhưng các Ngài vẫn sống mãi mãi.

          Thánh Anrê Kim Têgon,Phaolô Chung Hasan và các bạn đã anh dũng hy sinh làm cho vườn hoa Giáo Hội Ðại Hàn nẩy sinh tươi tốt. Chính Dòng máu của các Ngài đã làm cho Hội Thánh Triều Tiên lớn mạnh.Và như Mẹ Têrêsa Calcutta nói:” Tôi có làm gì đặc biệt đâu “. Lời nói ấy của Mẹ Têrêsa vẫn vang vọng mãi vì chính cái nói rằng không đặc biệt lại trở thành rất đặc biệt . Thánh Anrê Kim Têgon và các bạn đã làm một hành động đặc biệt, rất anh hùng,chấp nhận cái chết để qui tụ Giáo Hội Triều Tiên. Ðúng chết mới nói lên lời .Ngang qua thập giá, đau khổ,các thánh tử đạo mới gặt hái vinh quang.

          Chủ đề ánh sáng được lồng trong tất cả mặc khải Thánh Kính. Ngay từ tạo thiên lập địa, Thiên Chúa đã dựng nên ánh sáng và chính Ngài là ánh sáng. Đức Kitô còn khẳng định: “Ta là ánh sáng thế gian” (Ga 9, 5) và Ngài yêu cầu người tín hữu hãy trở thánh ánh sáng cho trần gian Mt 5, 14).  Ngài muốn ánh sáng nơi chúng ta hãy chiếu tỏ ra, xoá tan mọi bóng đêm của trần gian này.

          Trong Tin Mừng hôm nay, khi đưa ra hình ảnh chiếc đèn, Chúa Giêsu muốn nối lại truyền thống thực tiễn của Cựu Ước. Cựu Ước không thích những lý luận trừu tượng, uyên bác của Hy Lạp. Khi tuyên xưng Thiên Chúa là Ðấng chân thật, Cựu Ước không lý giải về những phẩm tính trừu tượng của Ngài, nhưng tìm cách đo lường sự trung thành của Ngài trong lịch sử nhân loại. Khi tuyên xưng Thiên Chúa là Ðấng chân thật, Cựu Ước luôn nói đến những can thiệp của Thiên Chúa trong lịch sử con người. Khi Thiên Chúa phán một lời, lời đó không phải là một lời nói suông, mà trở thành thực tế; Thiên Chúa không chỉ nói qua các tiên tri, nhưng cuối cùng Lời của Ngài đã thành xác phàm.

          Khi Chúa Giêsu rao giảng và làm chứng cho Lời Cha, Ngài muốn chúng ta cũng trở thành những người môn đệ của Ngài. Ngài cảnh báo về cách nghe và đón nhận Lời “ hãy để ý tới cách thức anh em nghe” (c.18a). Chúng ta có thể là những mảnh đất sỏi đá, hay vệ đường, hay là một bụi gai um tùm…. mà Lời Chúa không thể nào đâm chồi nẩy mầm được ( x .8, 4-15). Lời Chúa như sương sa, như mưa rơi…nhưng lòng chúng ta lại đóng kín, khô cằn nên Lời Chúa vẫn chỉ ở bên ngoài, không thấm nhập vào tâm hồn chúng ta được. Ấy là cách chúng ta nghe mà không được biến đổi. Chúng ta không muốn Lời Chúa biến đổi tâm hồn mình.

          Kết quả của việc sinh hoa kết quả là do Lời Chúa được mỗi người đón nhận như thế nào. Cùng một loại hạt giống Lời Chúa nhưng mảnh đất tâm hồn của chúng ta được vun xới, cày bừa khác nhau, nên hiệu quả cũng rất khác nhau. “Ai đã có thì được cho thêm; còn ai không có, thì ngay cái họ tưởng là có, cũng bị lấy mất” (18b).

          Ở dây. Chúng ta có thể hiểu về đức tin truyền thống đã có nơi người Israel, đức tin này hướng về Đấng Mêsia – Chúa Giêsu, nhưng có người nghe theo Chúa Giêsu thì được cho thêm là sự hiểu biết về Nước Trời, còn những người khác không nghe, không hiểu…thì đức tin truyền thống của họ sẽ bị mai một dần và ngày càng yếu đi. Đây là lời thức tỉnh mạnh mẽ của Chúa Giêsu đối với những người cứng lòng tin. Đó cũng là hậu quả mà họ sẽ đón nhận, cân xứng với hành vi của họ.

          “Chẳng ai đốt đèn rồi lấy hũ che đi hoặc đăt dưới gầm giường, nhưng đặt trên đế, để những ai đi vào thì nhìn thấy ánh sáng” (c. 16). Khi đọc câu này, hẳn chúng ta đều biết đây là điều không thể xảy ra. Chúng ta thường thấp đèn vì muốn thấy sự vật chung quanh, vì quanh chúng ta toàn là một màu đen, một bóng tối. Chúng ta thích ánh sáng vì ánh sáng giúp ta nhìn thấy những vật khác rõ hơn, chính xác hơn.  

          Ở đây Chúa Giêsu lại nói : thấp đèn rồi lấy hũ che đi hay đặt dưới gầm giường, ý nói: khi  chúng ta  được Lời Chúa soi dẫn (Tv 118). Chúng ta đã lấy hũ che đậy bằng cách không sống thể hiện Lời Chúa. Một người khôn ngoan là người biết đặt đèn trên đế, để những ai vào được nhìn thấy ánh sáng lúc này đời sống của họ để Lời Chúa hướng dẫn và họ trở thành ánh sáng cho người khác, cho những ai muốn đi tìm ánh sáng. Họ trở thành chứng nhân cho nguồn sáng vĩnh cửu.

          “Chẳng có gì bí ẩn mà lại không trở nên hiển hiện, chẳng có gì che giấu mà người ta lại không biết và không bị đưa ra ánh sáng” (c. 17). Chúa Giêsu khẳng định về những hành vi được thực hiện trong bóng tối sẽ bị ánh sáng phơi bày. Khi ánh sáng đến, bóng tối sẽ lùi xa.

          Đây cũng được kể như việc Chúa Giêsu đến trần gian. Ngài đến xoá tan mọi ngõ ngách của bóng tối thanh tẩy trần gian bằng ánh sáng. Bóng tối đó là tội lỗi, là ma quỉ, là bệnh tật… đang đè nặng trên đời sống con người. Đức Kitô đến giải thoát họ như lời Ngài đã đọc trong hội đường Nagiarét khởi đầu cho sứ vụ rao giảng để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn, công bố cho kẻ giam cầm biết họ được tha, cho ngưòi mù biết họ được sáng mắt, trả tự do cho người bị áp bức”(Mt 4, 18). Ngài đến rao giảng Lời Cha, và làm cho lời Cha được sống động cụ thể trong hành vi của Ngài, và cái chết là lời chứng hùng hồn nhất  cho bài giảng của Ngài về Tình Yêu Thiên Chúa đối với con người.

          Chiếc đèn được đốt lên phải đặt trên cao để soi cho mọi người trong nhà. Ðây là hình ảnh cuộc sống đức tin của người Kitô hữu: cũng như chiếc đèn, đức tin cần phải được thắp lên và chiếu sáng; nó phải được đốt lên bằng những hành động cụ thể hằng ngày. Thiên Chúa là Ðấng chân thật, bởi vì sự chân thật ấy được thể hiện bằng một chuỗi những yêu thương đối với con người. Người Kitô hữu chỉ thực sự là Kitô hữu khi cuộc sống của họ thể hiện chính cuộc sống của Chúa, là yêu thương và phục vụ.

Bài: Tuệ Mẫn & Video: TGPSagon.net