Thứ Bảy trong tuần thứ Hai Mươi-Năm Mùa Quanh Năm
Gv 11:9-12; Tv 90:3-4,5-6,12-13,14,17; Lc 9:43-45
BÁO TRƯỚC CÁI CHẾT
Có thể nói tất cả các vấn nạn của con người đều được gắn liền với khổ đau. Và cũng vì không chấp nhận khổ đau mà con người gây ra bao tội ác khác: vì không muốn đối diện với thực tại khổ đau mà người ta tìm quên trong men rượu, ma túy và mọi thứ kích thích khác; vì không muốn chấp nhận những hệ luỵ của việc sinh ra một người con mà người ta đang tâm huỷ diệt những bào thai vô tội; vì không chấp nhận những đau khổ của tuổi già, bệnh tật mà người ta tìm đến giải pháp an tử… Không chấp nhận đau khổ, không đón nhận với lòng mến thì hậu quả là thế đấy. Các môn đệ Đức Giêsu cũng đã không muốn chấp nhận một Đức Kitô chịu đóng đinh thập giá mặc dù Ngài đã hé lộ cho họ thấy niềm hy vọng Phục sinh đằng sau cái chết trên thập giá đó.
Sống trên cuộc hồng trần này, mầu nhiệm về khổ đau luôn là điều bí nhiệm. Các nhà hiền triết, các bậc thánh nhân, các nhà tiên tri và tri thức thần bí… từ ngàn đời đã trăn trở tìm kiếm để cho đau khổ một ý nghĩa. Sách sáng thế cho thấy đau khổ là hậu quả tất nhiên của tội lỗi, của việc con người không vâng phục những lời dạy bảo của Thiên Chúa, hay nói khác đi đầu mối của nó chính là sự kiêu ngạo, bất tuân đường lối, thánh ý Người.
Đối với niềm tin Ki-tô của chúng ta, đau khổ còn luôn có một giá trị trong việc tìm kiếm và thi hành thánh ý Chúa – thánh ý đã muốn cho con người được hạnh phúc nhờ sống yêu thương như chính Thiên Chúa là tình yêu. “Đang lúc mọi người còn bỡ ngỡ về tất cả các việc Chúa Giêsu làm, thì Người phán cùng các mộn đệ rằng: “Phần các con, các con hãy ghi vào lòng những lời này là: Con Người sẽ phải bị nộp vào tay người đời”” (c. 43b – 44).
Người ta bỡ ngỡ, kinh ngạc về điều gì? Chúng ta hãy đọc lại những trình thuật bên trên của cùng chương 9: Sau lời tuyên tín của thánh Phê-rô: “Ngài là Đấng Ki-tô của Thiên Chúa” (Lc 9, 20b), Đức Ki-tô “tiên báo cuộc thương khó lần nhất”; Khoảng tám ngày sau, Ngài hiển dung trên núi cao (Ta-bo) (x. Lc 9, 28 – 36); rồi hôm sau, Đức Giê-su chữa lành bệnh đứa trẻ bị bệnh kinh phong khiến mọi người đều kinh ngạc trước quyền năng cao cả của Thiên Chúa (x. Lc 9, 37 – 43) – và chính lúc này đây, Đức Giê-su “tiên báo cuộc thương khó lần hai” cho các môn đệ, nhưng “các ông vẫn không hiểu.” Tin mừng nói “các ông không hiểu, vì nó còn bị che khuất” (mắt các ông còn bị ngăn cản).
Tại sao mắt các ông lại bị ngăn cản? Thưa, vì những vinh quang đã làm mờ mắt các ông. Dù gì khi theo Đức Giê-su, các môn đệ hiển nhiên vẫn có những tính toán; như Phê-rô đã có lần thưa với Đức Giê-su: “Thưa thầy, chúng con đã bỏ tất cả mọi sự mà theo thầy, chúng con sẽ được gì?” (Mt 19, 27). Cũng thế, khi tuyên xưng Đức Giê-su là “Đấng Ki-tô của Thiên Chúa”, trong lòng các môn đệ vẫn mơ đến một Đấng Ki-tô – Messia của trần thế ‘đầy quyền lực và vinh quang’ sẽ khôi phục và làm cho Israel trở thành tiếng tăm lẫy lừng; và điều hiển nhiên là các ông sẽ có một tương lai huy hoàng với chức tước và bổng lộc vì lý do đó mà “Mắt các ông bị ngăn cản!” Và điều Đức Giê-su nói: “Con Người sẽ phải bị nộp vào tay người đời” (c.44b) khiến các ông không thể hiểu được, “không thể lĩnh hội được”.
Không chỉ với các môn đệ, ngày nay đối với chúng ta, đau khổ, thập giá vẫn luôn là điều khó hiểu. Nhất là chúng ta không thể hiểu nổi tại sao người công chính cứ gặp gian nan, khốn khó, thất bại và bị bách hại, còn phường gian ác lại cứ nhởn nhơ sung sướng.
Hơn nữa, trước mặt người đời, Thập giá luôn là điều khờ dại; vì con người sự thường ai mà không thích thảnh thơi, dễ dãi, ai mà không thích được thành đạt, ca ngợi, tôn vinh, ai mà không thích sung sướng, vui vẻ…. Nhưng Đức Giê-su đã cho thấy một chân lý khác – chân lý của “một hạt lúa mì không thể sinh hoa kết trái nếu không phải chịu mục nát và thối rữa đi” và có “gieo trong lệ sầu mới gặt trong hân hoan vui sướng”.
Chính vì vậy mà khi các môn đệ đang phơi phới hân hoan, và mơ tưởng những ‘vinh quang phù phiếm’ thì Đức Giê-su tuyên bố: “Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời”; Đồng thời người cho biết ai muốn làm môn đệ bước theo dấu chân Người không thể không ôm ẵm, vác thập giá hằng ngày mà đi theo Người. (x.Lc 9, 23). Các môn đệ đã không hiểu không dám hỏi và cũng chẳng muốn đối diện với điều xem ra ‘ngược đời’ ấy. Và chỉ Thần khí của Đấng phục sinh – Thánh Thần của Thiên Chúa mới làm cho các môn đệ hiểu để rồi như Đức Giê-su các ngài đã giơ tay ôm ẵm Thập giá để loan truyền Tin mừng tình yêu của Thiên Chúa.
Như các môn đệ sau biến cố ‘vượt qua và Phục sinh’, chúng ta hãy cầu xin Chúa Thánh Thần mở trí, mở mắt tâm hồn để hiểu được con đường thập giá tình yêu mà Đức Giê-su đã chọn để làm giá cứu chuộc muôn người;
Đồng thời xin Chúa Thánh Thần ban cho chúng ta đủ tình yêu và sức mạnh để đi trọn con đường thử thách gian nan; Bởi vì như thánh Phao-lô, người đã coi cuộc đời này là một trận chiến, một thao trường mà chúng ta phải chiến đấu để dành cho được ngành lá thiên tuế – ngành lá chiến thắng; Do đó mà không có sự dễ dãi, thoải mái hay hưởng thụ ích kỷ cho người môn đệ. Nhưng hạnh phúc đích thực chỉ có cho người biết gieo rắc tình yêu thương, Mà đường yêu thương là con đường hy sinh và dâng hiến.
Người tín hữu hôm nay cũng vậy, chỉ muốn thấy Giáo hội ‘hoành tráng’, chỉ mong ‘Chúa ra tay dẹp tan phường gian ác’, và vì thế mà thập giá của Đức Giê-su lần hồi trở nên xa vời, khó được đón nhận. Nhiều khi bạn và tôi đang phấn khởi vì những niềm vui và những thành công, thì thình lình, đau khổ và thất bại ập đến. Không phải Chúa làm chúng ta ‘mất hứng,’ mà Ngài đang dẫn chúng ta trở lại đúng con đường của mình.
Lm Anton Tuệ Mẫn CSsR