Thứ Bảy trong tuần thứ XXIX – TN : SÁM HỐI

Thứ Bảy trong tuần thứ Hai Mươi-Chín Mùa Quanh Năm

Ep 4:7-16; Tv 122:1-2,3-4,4-5; Lc 13:1-9

SÁM HỐI

 

Nếu các ngươi không ăn năn sám hối, thì tất cả các ngươi cũng sẽ bị huỷ diệt (Lc 13,3). Đó chính là lời mà Chúa Giêsu nhắc nhở chúng ta hãy luôn tỉnh thức và sám hối tội lỗi của mình để được cứu rỗi.

Chúng ta thường nghĩ rằng, bản thân của ta tốt hơn người khác nên sẽ không gặp những tai họa, hay những chuyện không tốt. Đây chính là thái độ tự cho mình là công chính, tự hào cho mình tốt hơn người khác. Nhưng thật sự trước mặt Thiên Chúa ai cũng đều có tội; không ai đạt được sự thánh thiện mà Thiên Chúa đòi hỏi. Vì thế, không ai có thể cho mình quyền miễn trừ sám hối.

Đức Giê-su mời gọi “những người đọc hay xem thời sự” thời xưa cũng như thời nay hướng về chính bản thân mình:

Nếu các ông không sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết như vậy. (c. 3)

Nếu không sám hối, chính chúng ta cũng tự rước tai họa vào mình, hay gây tai họa cho người khác. Không phải vì Thiên Chúa đánh phạt, nhưng những hành vi xấu tự nó có những hệ quả tai hại, mà không cần ai xử phạt. Và như tất cả chúng ta đều có kinh nghiệm hay chứng kiến, một cuộc sống bị sữ dữ chi phối hay làm chủ, tự nó là một tai họa cho mình và cho người khác.

“Nếu các ông không chịu sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết y như vậy.” Lời cảnh báo của Đức Giê-su thật mạnh mẽ và đáng sợ. Tuy nhiên, dụ ngôn về “cây vả trong vườn nho” mà Người kể ngay sau đó, lại làm cho chúng ta bình an hơn. Thật vậy, trong dụ ngôn, ông chủ vườn tỏ ra đòi hỏi và mất kiên nhẫn đối với cây vả chậm ra hoa ra trái: Anh coi, đã ba năm nay tôi ra cây vả này tìm trái, mà không thấy. Vậy anh chặt nó đi, để làm gì cho hại đất? (c. 7)

Nhưng bên cạnh ông, lại có “Người Làm Vườn” lạ lùng; người này lại tỏ ra kiên nhẫn và bày tỏ lòng thương cảm đối với cây vả, vì thế đã tìm cách bảo vệ nó: Thưa ông, xin cứ để nó lại năm nay nữa. Tôi sẽ vun xới chung quanh, và bón phân cho nó. May ra sang năm nó có trái, nếu không thì ông sẽ chặt nó đi. (c. 8-9)

Chúng ta có thể tự hỏi, trong tương quan của chúng ta với Thiên Chúa, “Người Làm Vườn” trong dụ ngôn của Đức Giê-su, muốn nói về là ai vậy?

Khi nào chúng ta cần sám hối? Chúng ta cần sám hối ngay từ bây giờ. Thiên Chúa luôn cho chúng ta cơ hội làm lại cuộc đời. Ngài luôn mở lòng yêu thương mời gọi những ai lỗi phạm và sa ngã chỗi dậy. Thế nhưng, cơ hội thì có hạn và đến ngày chỉ còn một cơ hội cuối cùng. Nếu đời chúng ta chỉ còn một tháng, một tuần hoặc một ngày nữa thôi thì sao? Thật bất hạnh vô cùng khi chúng ta đánh mất cơ hội cuối cùng đó.

Sám hối thế nào? Sám hối không chỉ là thú nhận tội lỗi để đón nhận ơn tha thứ, mà còn là sự đổi mới tâm hồn, quyết tâm từ bỏ con đường cũ mà chọn con đường của Chúa Giêsu, đường dẫn tới sự thật và sự sống.

Chính Chúa Giêsu lưu ý những người đang đối thoại với Ngài rằng hai thảm kịch đã xảy là lời cảnh báo cho chính họ: cần phải sám hối khi thời gian còn cho phép. Dụ ngôn cây vả không bạo tàn như các sự kiện vừa nêu, nhưng không phải vì thế mà người ta có thể trì hoãn, không chịu hoán cải. Người ta thường mau mắn tỉnh ngộ trước những biến cố gây kinh hoàng nhưng hay trì hoãn khi cuộc sống cứ trôi đi êm ả bình an dẫu biết rằng thời gian đi không trở lại; cuộc sống có thể chấm dứt bất kỳ lúc nào.

Sự kiên nhẫn của Thiên Chúa như thế còn là một sự tin cậy không mệt mỏi. Sự kiên nhẫn của Thiên Chúa không phải là dửng dưng. Ngài không chán chường về những hoa trái không chắc chắn mà chúng ta sẽ có thể mang lại; làm như điều đó rất ít quan trọng, đối với ngài. Thiên Chúa không nhìn chúng ta như là chúng ta hiện tại, nhưng như chúng ta phải là, hoặc có thể sẽ là. Ngài không bỏ rơi chúng ta cho sự tầm thường và sự nặng nề của chúng ta. Ngài không ngừng mong muốn chúng ta trổ sinh hoa trái cho Nước Trời. Sự tha thứ của Thiên Chúa làm sống lại trong chúng ta điều tốt nhất nơi con người chúng ta, bởi vì ngài đã tạo dựng nên chúng ta giống hình ảnh ngài.

Thiên Chúa Cha là Đấng công minh, đã tạo dựng muôn loài với mục đích riêng cho từng loại, nhưng tất cả muôn vật đều cùng có một đích chung là tôn vinh Thiên Chúa tùy cách của mỗi vật. Như bụi hoa thì có hoa làm rực rỡ vườn xuân; cây ăn trái thì có trái chín làm vui mắt, làm ngọt miệng; con chim để bay nhảy, để ca hót làm vui làm đẹp cho vũ trụ, con người để yêu thương nhau, giúp nhau nhận ra Thiên Chúa là Cha và cùng nhau kính mến Thiên Chúa.

Và rồi trang  Tin Mừng hôm nay mời gọi chúng ta hãy biết yêu thương anh chị em chúng ta, nhất là những người tội lỗi, như Chúa đã từng yêu thương và hiến mình vì chúng ta. Đồng thời nhận ra rằng: nếu Chúa không để cho mình có thời gian sám hối hầu quay trở về với Thiên Chúa và làm hòa với anh chị em thì mình cũng đâu khác gì người anh em kia…

 

Lm Anton Tuệ Mẫn CSsR