Trong những ngày Tết, chúng ta thấy các đám múa lân đi khắp phố phường làm cho không khí thêm vui nhộn. Bên cạnh, con lân, ông địa, chúng ta thấy có cả ông Thần Tài.
Theo truyền thuyết, thần tài chính là Triệu Công Minh, người đời nhà Tần. Ông lánh đời đi tu tại núi Chung Nam. Về sau đắc đạo, ông được phong làm Chính Nhất Huyền Đàn Nguyên Soái, coi việc đuổi trừ ôn dịch, cứu bệnh trừ tà. Hơn nữa, ai bị oan ức đến cầu cứu ông thì được giúp đỡ. Người buôn bán thì cúng cầu ông để được phát đạt may mắn.
Người ta thường vẽ ông Thần tài là hình một người mặt đen, râu rậm, tay cầm roi, cưỡi cọp đen. Dân gian còn gọi ông là Tài Bạch Tinh Quân hay Triệu Công Nguyên Soái. Người đời vẽ ông trên một cái đĩa làm bằng kim loại trên bàn thờ để thờ cúng.
Ở các nước vùng Trung Đông thì có thần tiền gọi là Mammon được trình bày như một tên quỷ sứ với móng tay, móng chân dài, nhọn màu đen, đầu trọc lưỡi thè ra, sau gáy có sừng như sừng trâu, hai bàn tay nắm hình $.
Tiền bạc có một sức mạnh vạn năng, có thể giúp người ta giải quyết được nhiều vần đề trong cuộc sống cá nhân cũng như tập thể, cộng đòan. Chẳng thế mà người xưa có câu “ Có tiền mua tiên cũng được”. Và nhiều người xem tiền là một vị thần có khả năng giúp cho con người hóa giải mọi điều, biến không thành có, biến đau khổ thành hạnh phúc.
Thế nhưng, với câu trước của bài Tin mừng hôm nay (câu 24), Đức Giêsu lại gay gắt khi đề cập đến tiền, vì sao thế ? Thật ra, Ngài không lên án tiền bạc, nhưng Ngài chỉ cảnh tỉnh những ai “say” tiền mà thôi !
Người xưa có câu : “Tiền là một ông chủ tồi nhưng là một đầy tớ tốt”. Nếu chúng ta biết xem tiền là phương tiện Chúa ban để đảm bảo cho cuộc sống hiện tại và mua lấy nước Thiên đàng mai sau, đó là điều tốt được Chúa chúc lành.
Ngược lại, nếu chúng ta tôn thờ nó, như một ông chủ sai khiến đời ta, chúng ta cúng thờ, thắp nhang lạy nó như lạy thần tài, thần tiền, ông địa…và hòan tòan lệ thuộc vào nó trong tòan bộ đời sống : ăn cũng nghĩ đến tiền, ngủ cũng nghĩ đến tiền, giải trí cũng nghĩ đến tiền…thì quả thật chúng ta đáng bị Chúa lên án.
Chúa cũng lên án chúng ta khi chúng ta quá tham lam tiền của, thu tích cho cá nhân mà quên đi sự chia sẻ với những người khốn cùng như câu chuyện “Người giàu có và Ladarô” (Lc 16, 19 – 31 ).
Chúa cũng lên án chúng ta khi chúng ta quá bám víu vào nó, xem nó là chỗ dựa vững chắc cho cuộc đời mà lãng quên sự quan phòng của Thiên Chúa như câu chuyện “Người phú hộ tích trữ của cải mà quên tích trữ của cải đời sau” (Lc 12, 16-21 )
Cho nên, Đức Giêsu đã cấm chúng ta không được làm tôi tiền của, và hơn thế nữa, Ngài còn khuyên chúng ta đừng lo lắng về của ăn, áo mặc, nhưng hãy đặt niềm tin vào lòng Chúa quan phòng, hãy gác bỏ những lo âu thái quá bởi vì cuộc sống của mỗi người chúng ta đều ở trước mắt Chúa, Ngài biết chúng ta cần thứ gì.
Chúng ta phải phân biệt sự lo lắng thái quá với sự lo liệu. Đức Giêsu nói : “ Anh em đừng lo lắng về ngày mai : ngày mai cứ để ngày mai lo. Ngày nào có cái khốn khổ của ngày ấy” (câu 34 ). Cho nên nếu cậy sức mình mà lo lắng sự sống trần thế một cách thái quá đến độ quên cả lo cho phần hồn thì chúng ta có khác gì ông phú hộ vừa đề cập ở trên ? Việc Chúa muốn chúng ta làm đó là biết lo liệu mọi việc một cách thỏa đáng, Ngài không cổ vũ cho sự lười biếng, ỷ lại, thụ động. Nhưng muốn chúng ta góp sức của chúng ta vào công cuộc sáng tạo và xây dựng bản thân, gia đình và xã hội vừa cả phần xác, vừa cả phần hồn.
Lạy Chúa, Ngài đã từng dạy chúng con : “Trước hết hãy tìm nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho” (câu 33 ). Xin cho chúng con trong lúc bôn ba kiếm sống phần xác vẫn biết dành thời gian cho việc nuôi dưỡng phần hồn của chúng con. AMEN
Bài: Paul Long