CHÚA NHẬT KÍNH TRỌNG THỂ LỄ MÂN CÔI

Hôm nay, chúng ta mừng trọng thể lễ Đức Mẹ Mân Côi. Lịch sử Hội Thánh đã ghi lại những sự kiện mà nhờ kinh Mân Côi mà Đức Mẹ đã cứu giúp Giáo Hội vượt qua thử thách cam go.

Vào thế  kỷ 13, có nhiều bè rối nổi lên tuyền truyền những sai lạc về đức tin, đe dọa sự hiệp nhất trong Hội Thánh. Nguy hiểm nhất là bè rối Albigcois ở nước Pháp. Đức mẹ đã chỉ cho Thánh Đa Minh một phương thế cầu nguyện đặc biệt bằng chuỗi 150 kinh Kính mừng và suy gẫm những biến cố trong các mầu nhiệm. Nhờ vậy mà bè rối đã tan rã, các tín hữu sai lạc đã tìm được nẻo chính đường ngay.

Vào thế kỷ 16, vua nước Thổ là Sêlim đã tiến hành một cuộc thánh chiến giữa Hồi giáo và Thiên Chúa giáo. Nhà vua tham vọng sẽ bình địa Giáo đô La Mã để san bằng Hội Thánh Công Giáo. Trước tình hình ấy, Đức Giáo Hòang Piô V đã kêu mời các tín hữu hãy lần chuỗi Mân Côi để xin Đức Mẹ chở che, hộ phù Hội Thánh Chúa. Đồng thời Ngài cũng thành lập một đội chiến thuyền mà mỗi chiến sĩ ngòai các vũ khí chiến đấu còn được trang bị thêm một vũ khí thiêng liêng, đó là cỗ tràng hạt Mân Côi. Chính nhờ sự tin tưởng vào thiên Chúa, qua lời cầu bầu của Đức Trinh Nữ Maria mà đòan quân của Hội Thánh đã chiến thắng quân Thổ vẻ vang tại vịnh Lepente vào ngày 7.10.1571. Đây cũng chính là nguồn gốc của lễ Mân Côi mà chúng ta mừng kính hôm nay.

Theo cấu trúc chuyên biệt của mình, Kinh Mân Côi là một kinh nguyện có hai phần rõ rệt, phần khẩu nguyện và phần tâm nguyện. Phần khẩu nguyện là phần đọc các kinh nguyện, đặc biệt Kinh Kính Mừng là kinh chính yếu, kinh được lập đi lập lại 10 lần ở mỗi Mầu Nhiệm Mân Côi. Phần tâm nguyện là phần suy niệm các Mầu Nhiệm Mân Côi cũng là Mầu Nhiệm Chúa Kitô. Hai phần này làm nên Kinh Mân Côi như xác với hồn làm nên bản tính con người, đến nỗi, thiếu một trong hai sẽ không còn phải là và được gọi là Kinh Mân Côi nữa. Trong Tông Thư Kinh Mân Côi Trinh Nữ Maria của mình, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, ở đoạn 12, đã lập lại ý tưởng của Đức Giáo Hoàng Phaolô VI về việc đọc Kinh Mân Côi mà không suy ngắm Mầu Nhiệm Mân Côi thì như xác không hồn.

 Thế nhưng, vấn đề độc nhất vô nhị của Kinh Mân Côi, một đặc tính nổi bật và là một đặc tính hoàn toàn không giống với bất cứ một kinh nguyện nào khác ở đây đó là tính cách có vẻ mâu thuẫn và đối ngược giữa khẩu nguyện và tâm nguyện của Kinh Mân Côi. Bởi vì, trong khi khẩu nguyện đọc “Kính Mừng Maria đầy ơn phúc” thì tâm nguyện lại suy về nhiều mầu nhiệm khác nhau. Khẩu nguyện về Mẹ Maria mà lại tâm nguyện về Chúa Kitô. Đó là lý do, việc lập đi lập lại 10 lần Kinh Mân Côi có vẻ đơn điệu và nhàm chán, cộng thêm việc đọc một đàng suy một nẻo như thế, tự bản chất đã có tính cách ‘chia trí’ rồi, lại càng làm cho việc lần hạt Mân Côi hay đọc Kinh Mân Côi, nếu không hết sức ý tứ, như kinh nghiệm cho thấy, trở thành máy móc. Bởi vậy, một khi giải quyết được vấn đề “chia trí” của chính Kinh Mân Côi (đọc một đàng suy một nẻo) thì hiện tượng “chia trí” nơi con người lần hạt Mân Côi cũng sẽ được chữa trị, và cốt lõi của vấn đề “Cách Thức Suy Niệm Kinh Mân Côi” sẽ được sáng tỏ.

 

Trước hết, vấn đề này được giải quyết với ý thức Chúa Kitô thực sự là tâm điểm của Kinh Mân Côi. Mà nếu Chúa Kitô là tâm điểm của Kinh Mân Côi thì quả thực cầu Kinh Mân Côi nói chung và đọc Kinh Kính Mừng nói riêng là tác động “cùng với Mẹ Maria chiêm ngưỡng dung nhan Chúa Kitô”, đúng như Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã định nghĩa trong Tông Thư Kinh Mân Côi Trinh Nữ Maria của Ngài ở đầu đoạn 3. Vậy phương pháp hay cách thức cầu Kinh Mân Côi tuyệt vời nhất và xứng hợp nhất đó là cùng Mẹ Maria chiêm ngưỡng Chúa Kitô nơi các Mầu Nhiệm Mân Côi.

Bởi thế, mỗi lần cầm tràng hạt Mân Côi lên để sửa soạn cầu Kinh Mân Côi, chúng ta hãy nhớ rằng chúng ta sắp sửa cùng với Mẹ Maria chiêm ngưỡng dung nhan Chúa Kitô. Để rồi, mỗi lần đọc lời “Kính Mừng Maria đầy ơn phúc” là chúng ta cùng Mẹ bày tỏ đức tin của chúng ta vào “Giêsu con lòng bà gồm phúc lạ” ở mỗi một Mầu Nhiệm Chúa Kitô được chúng ta chiêm ngắm bằng con mắt của Mẹ và tưởng niệm bằng con tim của Mẹ. Chỉ khi nào chúng ta biết chiêm ngưỡng dung nhan Chúa Kitô bằng con mắt của Mẹ Maria, và tưởng niệm Mầu Nhiệm Chúa Kitô bằng con tim của Mẹ Maria, chúng ta mới có thể thực sự và hoàn toàn cảm nhận được thực tại Thần Linh của các mầu nhiệm ấy, tức mới có thể cảm nhận được chính Chúa Kitô, Lời Nhập Thể của chúng ta, Emmanuel của chúng ta, Vị Thiên Chúa ở giữa nhân loại chúng ta. AMEN