CHÚA NHẬT 22 THƯỜNG NIÊN (Mc 7, 1-8, 14-15, 21-23)

Sáng 29/8, Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cho biết, đơn vị nhận được thông tin về vụ nghi ngờ ngộ độc thực phẩm xảy ra tại Công ty TNHH Sunrise Apparel Việt Nam (địa chỉ tại cụm công nghiệp Hoàng Xá, xã Hoàng Xá, huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ), trong đó có hơn 150 người phải nhập viện để điều trị. Trước đó, ngày 6/8 Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) tỉnh Đồng Tháp đã có báo cáo về các trường hợp nghi ngộ độc thực phẩm sau khi ăn bánh mì thịt của cơ sở bánh mì Hồng Ngọc 12, TP Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp.

Trên thực tế, số vụ ngộ độc thực phẩm có thể lớn hơn hàng chục lần, và thực phẩm sạch, thực ra chỉ là một khái niệm rất xa xỉ đối với chúng ta. Vừa rồi báo chí rùm beng lên về việc các nhà cung cấp thực phẩm uy tín như Metro, Vinafood vẫn có những loại thực phẩm quá đát đầy vi khuẩn E.coli và những mầm bệnh cho người. Nếu chỉ tin vào nhãn mác, tin vào hàng bán ở siêu thị là thịt sạch thì chúng ta đã bị lừa !!
 
Không chỉ mất vệ sinh ở phần “ngọn” là khâu giết mổ, mà ngay từ “gốc”, tức là khâu nuôi gia cầm, gia súc, đã có nhiều vấn đề đáng báo động. Trong chăn nuôi hiện nay, người dân sử dụng rất tuỳ tiện các loại thức ăn tăng trọng và thuốc kháng sinh nhằm ngừa bệnh và giúp vật nuôi mau lớn. Hậu quả là, lượng chất kích thích và thuốc kháng sinh tồn dư trong thịt gia súc, gia cầm thường vượt quá ngưỡng cho phép, tuy không gây ngộ độc cấp tính, nhưng gây hại về lâu dài cho sức khỏe người tiêu dùng. Như thế quan niệm về sạch và dơ vẫn chỉ là những cái mà chúng ta thấy trước mắt với vẻ bề ngoài, với nhãn mác, với cách thức bày bán mà thôi.

Quan niệm sạch và dơ đó cũng được đưa ra bàn thảo trong bài Tin Mừng hôm nay. Nhân câu chuyện người Do Thái trách môn đệ Đức Giêsu , vì họ dùng bữa mà không rửa tay trước, một tập tục của tiền nhân. Thực ra, theo Luật Môisen, người Do Thái rất chú trọng đến việc giữ tập tục tiền nhân, đến mức họ chú trọng quá đáng hình thức bên ngoài. Thí dụ như họ không ăn gì khi chưa rửa tay cẩn thận ; thứ gì mua ngoài chợ về, cũng phải rảy nước lên, rồi mới ăn; còn nhiều tập tục khác nữa như rửa chén bát, bình lọ, đồ đồng .. . Luật Môisen qui định về sạch và dơ không hẳn vì vệ sinh mà là hình thức chứng tỏ mình muốn trong sạch. Sau này, lần hồi, người Do Thái thêm thắt vẽ vời ra nhiều tập tục nữa, làm cho nó ra nặng nề, rườm rà .

Đức Giêsu phê phán người Pharisêu và nhóm kinh sư, vì họ quá chú trọng hình thức bề ngoài, khi họ kêu trách môn đệ Chúa lên bàn ăn mà không rửa tay. Chúa khẳng định sự cần thiết phải chú trọng đến việc tuân giữ các giới răn Chúa hơn là chú trọng đến tập tục bề ngoài. Từ đó, Chúa minh định rằng : không có cái gì bên ngoài vào trong con người mà làm cho con người ra ô uế ; chỉ có cái từ bên trong con người phát ra mới làm cho nó ô uế: những ý định xấu: tà dâm, trộm cắp, giết người, tham lam, độc ác, xảo trá, ganh tị , phỉ báng, kiêu căng, ngông cuồng . .. chỉ có những cái xấu đó mới làm cho người ta ra ô uế mà thôi (câu 20 – 22).

Đức Giêsu không chối bỏ giá trị bên ngoài của tập tục, nhưng Ngài muốn chúng ta đi xa hơn là đừng chú trọng quá mức hình thức bên ngoài, vì giá trị tinh thần mới là điều chính yếu.

Con người chúng ta thường chọn cái bên ngoài, trau chuốt cho cái vỏ ngoài hơn là bên trong tâm hồn. Thật vậy, có ai trong chúng ta, hàng ngày ra đường lại không ngắm gương, chải đầu, làm dáng, chỉnh lại y phục cho tươm tất, đó là điều thường tình; thế nhưng, lại rất hiếm người trong chúng ta hàng ngày kiểm điểm lại tâm hồn mình có tì vết, dơ bẩn gì không, có cần chỉnh tu lại không ? chắc là hiếm người làm được như thế lắm.

Nhưng nếu chủ trương giá trị tinh thần là chính yếu, để rồi đi tới cực đoan: “đạo tại tâm ”  nên chẳng cần đi lễ lạc, cũng không đến với Bí tích nữa, thì đây là điều càng sai lầm hơn. Vì linh hồn không thể sống mà không có lương thực Thánh, không thể tồn tại mà không cần có các Bí tích trợ lực, không thể vươn lên nếu không có Lời Chúa dẫn đường chỉ lối.

Đi xa hơn nữa, chúng ta đang sống trong một xã hội gọi là văn minh khoa học, con người luôn chạy đua, tìm kiếm những tiện nghi vật chất cho cuộc sống. Con người luôn tìm những hào nhoáng bên ngoài, để rồi khi nhìn lại, họ không còn thấy được mình đang ở đâu và phải làm gì cho tương lai vĩnh cửu ?

Thử nhìn lại xem, biết bao lần chúng ta khó chịu với những người có hành động và ý tưởng không giống như mình, thế là, chúng ta tìm đủ mọi thứ lý do để kết tội họ : nào là vô lễ, không lịch sự, không có giáo dục, kém văn minh, vô đạo đức. Nếu khi đó, có Đức Giêsu đang nhìn thấy, Ngài sẽ bảo chúng ta như thế nào? Thiết nghĩ, chắc Ngài sẽ nói chúng ta nên rộng lượng. Còn những việc chúng ta làm, gọi là những việc đạo đức tốt lành, chúng ta bắt mọi người phải công nhận, noi theo. Nếu có người nào có ý kiến phê bình, chỉ trích, hay có hành động trái ngược lại, chắc là chúng ta không vui, hay tệ hơn nữa, chúng ta tìm mọi cách loại trừ kẻ ấy. Nếu khi đó có Đức Giêsu đang nhìn thấy, Ngài sẽ bảo chúng ta rằng : “con muốn làm vinh quang con hay làm vinh quang Cha ?”

Nếu giờ này đây, chúng để ra một ít phút suy tư, nhìn lại những việc làm đã qua của mình, chúng ta sẽ dể dàng nhận thấy : đâu là những việc làm phát xuất từ con tim biết yêu thương, còn đâu là những việc làm hào nhoáng chỉ để thỏa mãn những tham vọng của mình như Chúa nói :” Từ bên trong con người mới phát ra những ý tưởng xấu.” (câu 21 )

Biết bao nhiêu điều vô lý chúng ta đã làm trong cuộc sống, nhưng không thấy. Trái lại, chúng ta nhìn thấy những điều người khác làm, có những lúc chúng ta cho là vô lý, là không đúng chỉ theo ý muốn riêng tư của mình, không theo một nguyên tắc chung nào cả.

Chúng ta cùng nhau cầu xin Chúa cho mỗi người trong chúng ta biết hành động bằng con tim chân thật, để chúng ta biết tôn thờ Chúa không chỉ bằng môi miệng, nhưng bằng cả con tim biết yêu thương mà Thiên Chúa đã ban tặng cho chúng ta.