Dòng Tá Viên Mục Vụ Bệnh Nhân: Thánh lễ truyền chức Linh Mục

TGPSG — “Chính anh em là ánh sáng cho trần gian” (Mt 5,14).                 

6g sáng 06-01-2024, trong không gian rộng lớn vốn tĩnh lặng của Toà Giám Mục (TGM) Xuân Lộc, hôm nay nhộn nhịp lên hẳn. Những xe lớn mang biển số đến từ thành phố Hồ Chí Minh, xuống từ Đắk Nông, từ Đồng Nai, từ Bảo Lộc, từ tận vùng Kiên Giang Rạch Giá… từ từ tiến vào khuôn viên của TGM Xuân Lộc. Đoàn khách từ khắp nơi về TGM để chung niềm vui với Dòng Camillo.

Đây là một trong những dịp quy tụ hầu hết các ông bà cố, các tu sĩ nam nữ, ân nhân và những mái ấm thuộc Dòng Camillo về để chúc mừng nhà dòng có thêm những “ánh sáng” mới, tri ân các ông bà cố đã cống hiến “ánh sáng” của riêng gia đình mình thành “ánh sáng” chung của nhà dòng, tri ân những vị ân nhân giúp duy trì “ánh sáng”… Hoà niềm vui chung của nhà dòng là những cái bắt tay, lời chúc, cái ôm… trao tặng nhau – đã lâu không gặp.

Đúng 9g30, đoàn rước nghiêm trang tiến vào Nhà Nguyện TGM Xuân Lộc … với bài hát nhập lễ “Đường đi lên nhà Chúa, Chúa ơi! Cung Thánh Ngài ngời bao huyền diệu ngất ngây trong cõi lòng. Lạy Chúa con mơ ước ngày đêm… khởi đầu Thánh lễ truyền chức Linh Mục (Lm) do Đức Cha Giuse Đỗ Văn Ngân, Giám Mục Giáo phận Xuân Lộc chủ phong cho bốn thầy phó tế:

  • Giuse Lưu Ngọc Hưng, MI “Tôi có là gì, cũng nhờ ơn Thiên Chúa” (1Cr 15,10).
  • Vincent Nguyễn Phi Kỳ, MI “Chính Ngài đã chọn con” (Ga 15,16).
  • Antôn Nguyễn Thiên Tài, MI “Thầy là cây nho, Anh em là cành” (Ga 15,5).
  • Phaolo Phạm Văn Trường, MI “Hãy theo Thầy” (Ga 21,19).

Mở đầu thánh lễ, ĐGM Giuse chúc mừng Dòng Tá Viên Mục Vụ Bệnh Nhân, mời gọi mọi người cùng cầu nguyện cho bốn thầy được Chúa chọn, Chúa mời gọi và đáp lại tiếng Chúa để đến hôm nay lãnh nhận một hồng ân vô cùng cao trọng mà tình thương Chúa ban qua Giáo hội, cùng cầu nguyện cho tất cả những ai sống đời Thánh hiến, các linh mục của Chúa hãy sống cho trọn ân huệ cao trọng mình đã lãnh nhận, tôn vinh Thánh Danh Chúa cho Giáo hội được lớn lên và cho những người chưa tin được nhận biết Chúa.

Nghi thức Truyền Chức được cử hành, trước tiên, Lm bề trên Gioan Baotixita Phương Đình Toại, MI giới thiệu với ĐGM chủ phong và xác nhận bốn thầy phó tế được nêu tên xứng đáng lãnh nhận chức vụ Linh mục, để xin ĐGM tuyển chọn những anh em này lên hàng Linh mục.

ĐGM thẩm vấn các thầy, trước toàn thể giáo dân bốn thầy đồng thanh đáp: “Thưa con muốn”. Bốn thầy lần lượt lên quỳ trước mặt ĐGM, đặt tay trong tay ĐGM hứa sẽ kính trọng, vâng lời Giám mục giáo phận và bề trên hợp pháp của mình.

ĐGM lần lượt đặt tay trên bốn thầy, dấu hiệu tuyển chọn và thông ban Thánh Thần nhờ đó các thầy được nên một với Đức Kitô thi hành chính sứ mạng của Ngài. Sau đó, các Lm đồng tế cũng đặt tay trên các thầy.

ĐGM đọc Lời nguyện Truyền chức, các Thầy đã chính thức trở thành Linh mục của Chúa, được nên một với Đức Kitô, nên người rao giảng Tin Mừng cho dân Chúa, và cử hành phụng vụ với tư cách là Tư Tế đích thực của Đức Kitô.

Bốn tân Lm mang phẩm phục trên mình luôn ý thức hồng ân tác vụ Thánh mình lãnh nhận đến từ Thiên Chúa, nhờ đó dấn thân trọn vẹn nhằm chu toàn tác vụ cao cả này. Ông bà cố dâng áo lễ như sự kết nối những giọt mồ hôi, những hy sinh âm thầm, tha thiết cầu nguyện qua bao năm tháng như những sợi chỉ đan dệt nên tấm áo con mặc hôm nay.

ĐGM xức dầu Thánh lên đôi bàn tay các tân Lm, đôi bàn tay từ nay sẽ cử hành các Bí tích Thánh và hiến dâng hy lễ Thánh lên Thiên Chúa.

Tân Lm nhận Chén Thánh từ tay ĐGM là dấu chỉ của quyền cử hành Bí tích Thánh Thể, là trung tâm đời sống và sứ vụ linh mục, các ngài phải trở nên giống Chúa Kitô mỗi ngày qua tác vụ tư tế. ĐGM trao hôn bình an cho tân Lm, cử chỉ nhìn nhận cộng sự viên mới.

Thánh lễ kết thúc lúc 11g30 trong niềm hân hoan của tất cả cộng đoàn. Các tân chức cùng vui chụp  hình lưu niệm với gia đình.

Những điều đặc biệt được ghi nhận:

  • Thánh lễ truyền chức hôm nay được cử hành tại giáo phận mẹ của 2 tân Lm Vinh Sơn Nguyễn Phi Kỳ, MI và Phaolô Phạm Văn Trường, MI.
  • Lần đầu tiên cử hành lễ truyền chức tại nơi mà nhà dòng chưa có hoạt động mục vụ nào nhưng lại được chào đón vào ngôi nhà chung của Giáo hội như anh em một nhà.
  • Chương trình dẫn lễ truyền chức Lm, lễ khấn, thông thường được các thầy trong dòng phụ trách nhưng theo truyền thống của giáo phận Xuân Lộc một vị Lm của dòng đọc dẫn lễ.
  • Lm Vinh Sơn Vũ Quốc Toản, MI từng giúp lễ cho ĐGM khi ngài là Lm chánh xứ giáo xứ Ninh Phát
  • Lm Giuse Phạm Văn Đông, MI là anh trai của tân Lm Phaolô Phạm Văn Trường, MI; Lm Giuse Lưu Ngọc Khánh, MI là em sinh đôi với Tân Lm Giuse Lưu Ngọc Hưng, MI                                                         

Sơ lược về các tân chức        

1. Thầy phó tế Giuse Lưu Ngọc Hưng, MI là con thứ hai trong một gia đình công giáo sống tại Bảo Lộc. Thưở còn là cậu bé đang tuổi ăn tuổi ngủ, thầy luôn được bố mẹ lùa dậy đi lễ sáng. Mặc dù không thích, đặc biệt những hôm trời mưa lạnh nhưng thầy vẫn đi vì vâng lời. Cho đến khi thầy tham gia và sinh hoạt trong đội giúp lễ của giáo xứ, việc đi lễ với thầy xem ra có phần chủ động và ý nghĩa hơn rất nhiều. Thầy dặn bố mẹ gọi dậy sớm vào mỗi phiên giúp lễ sáng.

Vào một thứ Bảy nọ, trong khi đang họp ban giúp lễ, có hai thầy dòng Camillo đến nói chuyện với ban giúp lễ, phát cho mỗi lễ sinh một cuốn sách về tiểu sử thánh Camillo và một tờ giấy giới thiệu về ơn gọi. Thầy Giuse đã cất giấy trong ngăn tủ và ơn gọi bị lãng quên.

Sau khi thi rớt đại học lần đầu, thầy có ý định xuống Sài Gòn học tiếp. Để bố mẹ yên lòng trong lúc chân ướt chân ráo nơi Sài Gòn, thầy liên lạc với anh Hùng (người cùng giáo xứ, hiện nay là Lm Giuse Nguyễn Quốc Hùng, MI) xin tá túc trong dòng Camillo để đi học. Nơi đây ơn gọi bắt đầu nảy sinh.

Nhiệm vụ đầu tiên thầy được giao là “Chăm sóc một bệnh nhân nữ mang bệnh HIV, đang ở bệnh viện 115”. Trong đầu thầy có biết bao nỗi suy tư và lo âu về căn bệnh thế kỷ này, tất cả xoáy vào một ý “có lây cho mình không?” Sau cùng, thầy quyết định chọn vâng lời chăm sóc bệnh nhân.

Đạp xe đến bệnh viện, vào khoa nội tim mạch, nhận bệnh nhân từ cô y tá, thầy tiến lại gần để hỏi thăm về tình trạng bệnh nhân. Một phụ nữ chừng 40 tuổi, đang mắc bệnh HIV. Những bối rối đầu đời khi chăm sóc bệnh nhân nữ và việc vệ sinh cá nhân cho cô đã dần giúp thầy vượt qua sự ngại ngùng non trẻ dù chỉ chăm sóc cô một thời gian ngắn. Một tuần sau, cô được chuyển về trung tâm dành cho bệnh nhân HIV và một tháng sau đó, thầy nghe tin cô mất ở mái ấm Mai Hoà.

Từ sự hiểu biết ít ỏi về ngành y, thầy ước ao được học một chuyên ngành về y tế để biết cách chăm sóc người bệnh. Đây chắc là điều Chúa muốn. Thế là thầy đã được cha phụ trách cho đi học ngành điều dưỡng tại đại học y khoa Phạm Ngọc Thạch. Trong quãng thời gian học y, những ngày rảnh rỗi, thầy thường đạp xe đến Bình Hưng Hoà và một số nơi để rửa vết thương cho bệnh nhân. Lúc này đây, thầy ý thức rằng Chúa đang dẫn thầy từng bước tiến vào con đường thánh hiến và linh đạo chăm sóc bệnh nhân qua ngôi trường Camillo.

Thời gian đầu, thầy những tưởng việc tu chỉ cần có ngoan ngoãn, đạo đức cũng đã ổn rồi nhưng càng sống trong môi trường này thầy nhận thấy việc tu ngày càng khó khăn hơn, nhất là việc học hành của thầy không được như ý muốn. Thầy rớt đại học thêm lần nữa. Chán nản, thất vọng, thầy muốn về nhà và từ bỏ con đường tu trì. Thế rồi những khó khăn đó cũng dần qua khi Cha phụ trách khuyên nhủ và giúp thầy tìm lại niềm hứng khởi qua những giờ kinh nguyện cũng như khi chăm sóc từng lớp bệnh nhân.

Thấm thoát, 18 năm theo đuổi ơn gọi đã trôi qua, tính từ ngày Nhập dòng năm 2005. Thầy luôn khao khát được cống hiến, được phục vụ mọi người, nhất là bệnh nhân. Lúc thì phục vụ tại nhà dòng, lúc thì đi thực tập ở nhiều cộng đoàn bên Thái Lan và Việt Nam nhưng dù ở đâu, thầy luôn cảm nghiệm rằng tất cả đều là nhà của thầy.

Thầy luôn căn dặn bản thân: đối diện với người bệnh giàu về tài sản hay nghèo khó về điều kiện kinh tế thì đều phải ứng xử như nhau, chỉ để tâm đến một ý nghĩ duy nhất là tìm cách giúp họ khỏi bệnh, khỏi những đau đớn về thể xác lẫn tinh thần. Thầy luôn ao ước được nhìn thấy người bệnh hồi phục sức khỏe với nụ cười tươi tắn trên môi.

Nhớ lại thời gian phục vụ trong cộng đoàn Phòng khám nhân đạo kinh 7 khi là phó tế, thầy nhận thấy cuộc sống thật ý nghĩa. Tuy làm việc tại khoa phục hồi chức năng chỉ trong một năm nhưng thời gian này thầy có dịp được chia sẻ với đồng nghiệp và bệnh nhân mọi vấn đề trong cuộc sống. Nơi đây, thầy cảm nghiệm sâu sắc hơn về linh đạo của dòng.

“Tôi có là gì, cũng là nhờ ơn Thiên Chúa” (1Cr 15, 10) là câu kinh thánh thầy phó tế Giuse Lưu Ngọc Hưng, MI đã nhận và chọn để nhắc nhớ bản thân rằng trong đời sống thánh hiến bây giờ và sau này luôn cần phải có ơn Chúa và tất cả những gì thầy có được đều đến từ ơn lành mà Thiên Chúa trao ban. Lạy Chúa, con chẳng là gì nếu không có ơn của Chúa!

2. Thầy Phó tế Vinhsơn Nguyễn Phi Kỳ, MI sinh ra tại một vùng quê nghèo khó thuộc tỉnh Đồng Nai. Cha mẹ thầy buôn bán và chăn nuôi quanh năm để nuôi dạy 5 người con.

Thầy Vinhsơn đam mê mỹ thuật và ước muốn trở thành hoạ sĩ nhưng giấc mơ đã không thành khi thầy trượt kì thi vào trường Đại học Mỹ thuật Sài Gòn.

Để theo đuổi đam mê nghệ thuật, thầy chọn học ngành thiết kế thời trang và dành thời gian ôn luyện thi lại vào trường Đại học Mỹ thuật. Thế nhưng, bươn chải mưu sinh nơi đất khách nên thầy lại để lỡ giấc mơ thành họa sĩ lần nữa.

Khi được hỏi tại sao chọn đi tu, thầy cho biết: “Mới đầu, chả bao giờ em nghĩ đến đi tu, thích sống ung dung muốn gì, thích gì cứ làm. Nhưng thẳm sâu trong tâm hồn, em cảm thấy có điều gì thôi thúc, mách bảo cần làm gì đó có ý nghĩa hơn với cuộc sống. Thế rồi em tìm một vị linh mục để bày tỏ nỗi lòng. Vị linh mục ấy nhắc đến việc được Chúa kêu gọi và ngài hướng dẫn em vào nhóm các anh em có chung cảm thức. Sinh hoạt và chia sẻ những kinh nghiệm khác lạ này với các anh em, dưới sự hướng dẫn của linh mục, em nhận ra được tiếng Chúa mời gọi bước vào đời sống thánh hiến này”. Vì thế thầy đã chọn câu Lời Chúa “Chính Ngài đã chọn con” (Ga 15,16) để luôn nhắc nhở ngài về đời sống hiến dâng.

Thầy Vinhsơn trải lòng: “Thật lòng, em cảm thấy mình không hợp với đời sống thánh hiến và cảm thấy đời tu không có điểm gì nổi bật, thu hút, đánh động để tìm hiểu sâu hơn. Mặt khác, em lại muốn làm gì đó để giúp người nghèo, người bệnh, những người bị bỏ rơi… Những mong muốn luôn xuất hiện trong tâm trí em”.

Sau một thời gian suy tư về Ơn gọi, thầy nghĩ chắc chỉ là cảm thức nhất thời. Mọi việc vẫn chỉ ở ngay vạch xuất phát. Thế rồi, khi linh mục Linh hướng hỏi: “Con có muốn đi tu không?”, câu hỏi ấy khiến những cảm thức từ trong tâm hồn lại trỗi dậy và thầy thưa với ngài rằng: “Nếu có đi tu, con chỉ đi nơi nào có phục vụ bệnh nhân hay những người cần được chăm sóc thôi”. Vị linh mục cười và nói: “Vậy để Chúa chỉ đường cho!”

Nhờ Linh mục Linh hướng, các anh em trong nhóm luôn dành thời gian gặp gỡ, chia sẻ và lên chương trình thăm viếng người đau ốm ở các cơ sở hoặc những gia đình cần giúp đỡ. Một lần đến thăm mái ấm dành cho các cụ già và những người neo đơn, nhóm được một chị trong mái ấm cho biết cha Thánh Camillo là đấng bảo trợ bệnh nhân. Từ thông tin đó, nhóm đã tìm hiểu thêm về vị thánh và biết đến dòng Tá Viên Mục Vụ Bệnh Nhân. Từ đó, nhóm bén duyên với Camillo.

Sau thời gian tìm hiểu, nhóm tìm đến mái ấm Naza để tận mắt chứng kiến công việc nhà dòng đang làm cho bệnh nhân. Hình ảnh bệnh nhân và môi trường phục vụ nơi đây đã thôi thúc thầy theo ơn gọi đặc biệt này. Không lâu sau, cha phụ trách nhận thầy vào dòng để tìm hiểu.

Nơi thầy, luôn có sự giằng co giữa cuộc sống thoải mái không ràng buộc, không tổ chức với sự gương mẫu, nề nếp của đời tu; giữa những ý nghĩ tội lỗi và sự thánh thiện; sự tính toán cầu lợi với sự chân thành, ân cần chăm sóc người khác vô điều kiện;… Tất cả điều đó khiến thầy luôn tự hỏi liệu mình có xứng với đời tu không?, mình có đủ kiên trì đi đến cùng trong đời tu không?. Chính vì luôn do dự nên thầy đã tìm hiểu ơn gọi trong âm thầm, không dám nói với gia đình, bạn bè. Thầy chỉ biết chia sẻ điều đó với linh mục Linh hướng và nhắn nhủ với các anh em trong nhóm luôn cầu nguyện giúp mình.

“Cứ đi đi, mọi chuyện Chúa sẽ liệu” – Cha Linh hướng khuyên bảo thầy như thế.

Thầy chính thức nhập dòng năm 2008. Thuở ban đầu, kiến thức về y tế rất hạn chế và việc học ngoại ngữ cũng yếu kém đã khiến thầy luôn trong tình trạng căng thẳng, bất an. Đang lúc chơi vơi thì lại nhận nhiệm vụ chăm sóc bệnh nhân ung thư thời kỳ cuối không ai chăm sóc. Bệnh nhân do không đi lại được, ngồi một chỗ lâu ngày nên nhiều bộ phận trên cơ thể bị hoại tử, có những vết thương rất lớn bốc mùi hôi. Vì ngại ngùng, xấu hổ nên bệnh nhân nhất định không cho thầy xử lý, điều trị vết thương. Sau ba ngày kiên trì đến hỏi thăm, động viên, bệnh nhân đã đồng ý cho thầy xem các vết thương và giúp dọn dẹp căn nhà. Từ ngày đó, thầy thường xuyên ghé thăm và chăm sóc cho bệnh nhân, cho đến ngày họ ly trần. Thời gian này, ngang qua người bệnh, thầy hiểu rằng chính Chúa đang dẫn thầy đi trên con đường Ngài đã mời gọi và chính Chúa đang dần củng cố đức tin nơi thầy để thầy vượt qua những trở ngại, yếu kém của bản thân.

Nhớ lại cơn đại dịch Covid-19 đã qua, khi mọi nơi bị phong toả, nhiều người sống trong sợ hãi, lo âu… nhà dòng đã chung tay với Giáo hội và quốc gia hỗ trợ lương thực thực phẩm cho các khu cách ly, cử thành viên đến các bệnh viện chăm sóc cách đặt biệt cho các bệnh nhân nhiễm Covid. Trải qua trận đại dịch đó, nhờ ơn Chúa giúp, không một anh em nào trong dòng nhiễm bệnh mà trở nặng. Điều này là niềm khích lệ lớn lao để các anh em củng cố đức tin vào Chúa nhiều hơn. Với thầy, niềm xác tín rằng chính Chúa đã chọn thầy đã thêm phần rõ nét và chắc chắn hơn. 

3. Thầy phó tế Antôn Nguyễn Thiên Tài, MI

Thời niên thiếu, hầu hết các bạn trẻ chọn cho mình các trường đại học để theo đuổi giấc mơ tương lai thì Thầy phó tế Antôn Nguyễn Thiên Tài, MI lại chọn cho mình các dòng tu để tìm hiểu về Chúa. Mầm ơn gọi được gieo từ nhỏ và phát triển ngay chính trong gia đình và giáo xứ nơi thầy được sinh ra. Những thánh lễ sáng, chiều cùng cộng đoàn; những giờ nguyện kinh tối cùng gia đình và lối xóm;… như là những viên đá cuội được Chúa gửi đến để xây nền tảng ngôi nhà đức tin.

Thế nhưng khi đăng ký tìm hiểu dòng tu đầu tiên, thầy đã bị từ chối vì mắc phải căn bệnh Viêm Gan Siêu Vi B. Đến dòng Tá Viên Mục Vụ Bệnh Nhân – Camillo, phụ trách nhà dòng tại Việt Nam đã đón nhận thầy với lời động viên: “Nhà dòng được Chúa trao ban sứ mạng chăm sóc bệnh nhân, chẳng lẽ lại không dám nhận và chăm sóc anh em có cùng chí hướng đang trong cơn nguy bệnh hay sao?”. Câu nói ấy đã khắc ghi mãi trong tâm trí thầy.

Chính thức gia nhập dòng năm 2009. Năm 2012, thầy vào nhà tập tại Thái Lan để học tập, chăm sóc bệnh nhân nơi đây. Đến năm 2018, thầy trở về Việt Nam tiếp tục chương trình học và tham gia chăm sóc bệnh nhân cuối đời tại mái ấm Naza.

Năm 2019 trận đại dịch Covid xảy đến trên toàn thế giới và bùng phát mạnh mẽ tại Việt Nam vào năm 2021, việc trao dồi kiến thức của thầy tạm gác lại, nhường chỗ cho công việc chăm sóc bệnh nhân tăng vượt ngưỡng. Thời gian này, tất cả thành viên trong nhà dòng đều tất bật mỗi ngày với việc bốc xếp, vận chuyển lương thực, thuốc men đến cho mọi người, mọi nhà, từ các con đường lớn đến tận cùng các ngõ hẻm nhỏ khắp mọi nơi; cũng như công tác vận chuyển bệnh nhân đến các bệnh viện, thăm khám, động viên bệnh nhân và gia đình khi họ hoảng loạn.

Đối diện với trận đại dịch này, thầy nhận thấy toàn bộ kiến thức về y học được trao dồi trước đây chưa đủ đầy để có thể giúp tư vấn, điều trị cho bệnh nhân cách tốt nhất. Cũng chính thời điểm này, thầy cảm nhận được sự mỏng dòn, mong manh và giới hạn của con người. Tất cả thời gian trong ngày thầy đều dành để tham dự thánh lễ, cầu nguyện, chăm sóc bệnh nhân và quy chiếu mọi sự về Chúa, mong chờ bàn tay quan phòng của Chúa chữa lành cho nhân loại.

Hồi tưởng lại chuyện đã qua, thầy vẫn cảm thấy rất sợ. Sợ sức mình quá nhỏ bé nhưng công việc lại lớn lao. Nếu như không có Chúa giúp thì chắc chắn con người không thể vượt qua. Nhớ lại những ngày tham gia chống dịch ngoài cộng đồng , những bệnh nhân khó thở cần oxy để giúp họ duy  trì sự sống, những nhà cao tầng, chật hẹp là một trong những khó khăn khi vận chuyển bình ôxy tới đặc biệt bình ôxy 12 lít nặng 28 kg, nếu muốn di chuyển lên lầu 4 với sức người đã khó lại càng khó khi phải mang khẩu trang, mặc bộ phòng hộ. Nhưng vì mạng sống của anh chị em thầy chỉ biết cầu xin thêm sức mạnh của Thiên Chúa và cố gắng hết khả năng, nhiều lúc mồ hôi chảy ướt đẫm khẩu trang khiến thầy không tài nào thở được, có khi phải cởi bỏ khẩu trang. Nhưng tạ ơn Chúa thầy đã qua khỏi mọi biến cố và quay về nhà dòng bình an sau 2 tháng sống cùng bà con tại quận 11.

Trải qua 14 năm sống trong nhà dòng, điều thuận lợi nhất để theo đuổi ơn gọi này này chính là nhờ ơn Chúa cùng với sự chia sẻ của anh em trong dòng đặc biệt phải kể đến sự đồng hành của 6 anh em chung lớp khấn.

Mái ấm Naza là nơi thầy từng phục vụ trong thời gian dài, nơi đây dành riêng cho bệnh nhân cuối đời. Đứng trước bệnh nhân vừa nghèo vừa mắc bệnh nan y, thầy tự nghĩ “họ cũng là người có ông bà tổ tiên, có cha mẹ anh chị em tại sao họ không được người thân yêu thương và chăm sóc lúc đau yếu”, ngay lúc đó trong thâm tâm thầy việc đầu tiên là cầu xin Thiên Chúa giúp cho bệnh nhân đang hiện diện trước con và ngay cả con cảm nhận được Tình Yêu Thiên Chúa ngay cả lúc đau đớn, thất vọng nhất. Thầy nguyện cố gắng chăm sóc bệnh và phục vụ họ như chính người cha, người mẹ, người anh em của thầy. Điều này chính Đấng Sáng Lập dòng Tá Viên Mục Vụ Bệnh Nhân, cha Thánh Camillo nhấn mạnh “chăm sóc người bệnh với tình yêu của người mẹ chăm sóc đứa con duy nhất của mình khi bị đau yếu”. Tình yêu của người mẹ là tuyệt vời và cao quý nhất có thể giúp người đau yếu đối diện và vượt qua cơn bạo bệnh.

Trong muôn vàn ơn gọi Chúa mời có một ơn đặc biệt là dấn thân và mục vụ bệnh nhân. Chắc chắn trong mỗi cuộc đời của chúng ta sẽ có lúc đau yếu. Đau yếu về thể xác hay đau yếu về tinh thần khiến con người cảm thấy khó chịu, bất an về những thay đổi của cơ thể mình. Đứng trước hoàn cảnh này mình sẽ rất hạnh phúc khi được ai đó đến thăm và chăm sóc đặc biệt là những người yêu thương mình. Đi đến với bệnh nhân nhiều nên thầy thường bị trêu rằng ở bên bệnh nhân nhiều hơn là ở nhà với anh em. “Thầy là cây nho, anh em là cành” (Ga 15,5) là châm ngôn đời sống Linh mục của Thầy.

3. Thầy Phó tế Phaolô Phạm Văn Trường, MI:

Ngày bé tuổi thơ của thầy đầy tiếng cười, một cậu bé loắt choắt nhưng dễ mến dễ gần, các dì các cô họ hàng đi chơi thường hay dẫn đi để khoe. Có gia đình hàng xóm nọ hiếm muộn cũng muốn nhận thầy làm con nuôi. Khi học cấp một, thầy chăm học và điểm số luôn làm cha mẹ hài lòng. Bước vào cấp hai thầy thay đổi trạng thái khi bắt đầu giao du với bạn bè lêu lổng, quậy phá, việc học bắt đầu dần bỏ bê và bị tụt dốc không phanh để rồi bị thầy cô liệt vào danh sách học sinh cá biệt. Tình trạng này kéo dài rất lâu cho đến hết năm lớp 10. Vào đầu năm lớp 11 thầy dường như được ơn biến đổi, chán đi chơi, chán tụ tập, chán luôn cả điểm số thấp kém. Thầy tập trung hơn vào việc học để thay đổi cách nhìn của mọi người về mình.

Để thầy chuyên tâm hơn trong việc luyện thi đại học, thầy được anh trai giới thiệu lên ở nhà xứ. Vị cha xứ lúc đó, cha cố Giuse Vũ Văn Nhuần, là tấm gương sáng chói về lòng đạo đức thánh thiện, cũng chính là người khơi lên lòng muốn đi tu nơi thầy. Cha xứ hướng thầy đi thi chủng viện và lập kế hoạch từ việc chọn ngành thi đại học đều chuẩn bị cho việc thi chủng viện. Nhưng Chúa không chọn thầy theo hướng này, thầy đã thi không đậu năm đó. Sự xấu hổ và thất vọng qua kết quả thi đó thầy bắt đầu cuộc sống mưu sinh ngoài đời từ việc là một công nhân, việc học thầy cũng chẳng màng nữa. Nhưng người anh trai không đành bỏ mặc đứa em nông nổi nên vẫn đồng hành và vực dậy tinh thần cho em, năm sau thầy bắt đầu đi ôn và thi đại học lần nữa.

Thời gian ôn thi anh trai thầy giới thiệu đến với nhà ứng sinh dòng Camillo, nhà 35. Khi ấy trong lòng thầy chưa có bất kì ý tưởng nào về việc đi tu dòng này. Trong thời gian ở nhà 35 thầy cùng các anh em đến phục vụ tại mái ấm Mai Tâm. Lâu dần lòng yêu mến việc phục vụ và niềm vui khi thầy đến phục vụ những em bé lớn dần trong thầy. Niềm vui và hạnh phúc có được khi đến đây được thầy mô tả là duy nhất, không nơi nào có được.

Trong thời gian phó tế thầy lại được về Mai Tâm, những bé ngày xưa được thầy bế ngửa nay đã lớn nhồng, có trường hợp một em gái đã trở thành bà mẹ nhí, giờ đây thầy đang bế con của đứa bé năm xưa.

Phong cách hoạt động của dòng Camillo và đời sống cộng đoàn rất phù hợp với tính cách của thầy, khi tuổi trẻ bồng bột thầy đã chơi với rất nhiều loại bạn khác nhau, đây cũng chính là lợi thế khi sống đời sống cộng đoàn, khả năng tương tác và hợp tác với hầu hết anh em rất tốt. Tuy được Chúa chọn mở cho đời sống tu trì tốt thế nhưng cũng có lúc thầy khủng hoảng, nhất là quãng thời gian sống tại môi trường ngoài Việt. Đôi lần thầy bị “say nắng” trước sự trong trẻo dễ thân thiện của những em gái, thầy tưởng không thể vượt qua nổi, nhưng Chúa đã dẫn dắt thầy cách khéo léo vượt qua sự rung động nhất thời bằng những lời chia sẻ của cha linh hướng để dấn thân trên con đường tu trì. “Hãy theo Thầy” (Ga 21,19), câu châm ngôn đời sống linh mục mà thầy chọn chính là tiếng mời gọi của Chúa với thầy trước những dòng chảy cuộc đời.

Thầy đã được đi qua tất cả những mái ấm thuộc dòng Camillo tại Thái Lan và Việt Nam, cộng đoàn nào cũng có bệnh nhân với những mảnh đời bất hạnh. Nhưng khi đứng trước bệnh nhân cuối đời tại Mái ấm Naza thầy cảm thấy xót xa và thật sự bất lực. Thầy tự hỏi đi hỏi lại rằng có lời nào mà có thể an ủi họ, nâng đỡ tinh thần họ cách hữu hiệu nhất nhưng trong rất nhiều lần thầy vẫn chỉ đứng trong im lặng, bên cạnh họ, cảm thông sâu sắc…

Thầy muốn nhắn nhủ: với tình yêu đủ lớn chúng ta sẽ chăm sóc cơ thể của Thiên Chúa cách tốt nhất qua hình thể của những bệnh nhân. Rồi khi tình yêu lớn hơn nữa chúng ta lại muốn hiến dâng đời mình cho sứ mạng chăm sóc những người ốm đau, bệnh tật, đặc biệt là những người bị gạt qua bên lề của xã hội.

Người anh trai trong câu chuyện của thầy chính là Lm Giuse Phạm Văn Đông, MI.

Bài:Maria Quỳnh Linh (TGPSG) Ảnh: Đắc Quyền, Minh Hy & Dòng Camillo