CHÚA NHẬT XXII THƯỜNG NIÊN A (Mt 16,21 -27)

Chuyện kể rằng Sadhu và một người bạn trong một buổi sáng mùa Đông tuyết lạnh đang thực hiện chuyến thám hiểm trên những ngọn núi cao ở miền Bắc nước Ấn Độ. Thình lình có một cơn bão tuyết đổ tới, gió lạnh thật mạnh quất vào họ làm họ phải chống trả hết sức khó khăn. Đang khi tìm một chỗ ẩn nấp thì họ lại gặp một người đàn ông bị bão tuyết vùi dập trong cơn hấp hối. Sadhu muốn dừng lại để cứu người bị nạn, nhưng người bạn lại cho rằng hãy tự cứu mình trước đã. Vì thế, Sadhu dừng lại bên người xấu số, dùng tay xoa nóng hết thảy thân mình của người kia, rồi sau đó Sadhu xốc anh ta lên vai cõng anh ấy trên lưng để tìm nơi ẩn náu. Hơi ấm của hai thân thể đã làm cho người bất hạnh hồi sinh. Đi được khoảng hơn một cây số, họ ngạc nhiên nhìn thấy một xác chết nằm co ro, càng ngạc nhiên hơn khi nhận ra đó chính là anh bạn đi cùng với Sadhu.

Trong Tin mừng theo Thánh Matthêu , câu nói của Đức Giêsu : “ Ai giữ lấy mạng sống mình thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm thấy được” (Mt 10,39) được lập lại một lần nữa trong bài Tin mừng hôm nay : “Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm được mạng sống ấy” (Mt 17,25) . Sự lập lại như thế cho thấy tầm quan trọng của điều kiện phải có để theo Chúa. Với nghĩa cử yêu thương của Sadhu trong câu chuyện ở trên phần nào đã minh chứng cho lời Đức Giêsu phán. Người bạn của Sadhu vì đã cố giữ mạng sống mình nên đã mất, còn Sadhu dám liều mất mạng sống mình vì tha nhân nên đã giữ được mạng sống ấy. Ai không có khả năng  từ bỏ vì tha nhân thì người ấy cũng không có khả năng yêu thương. Đức Giêsu đã đồng hóa mình với tha nhân khi Ngài nói : “Ai đón tiếp anh em là đón tiếp Thầy” (Mt 10,40). Vì thế người không dám mất mạng vì anh em cũng đồng nghĩa với việc không dám mất mạng vì Chúa.

Trong cái nhìn đức tin, quy luật trên cho chúng ta xác tín rằng : khi chúng ta dám mất đi cái tạm bợ, chúng ta sẽ được cái vĩnh hằng; chúng ta dám mất đi cái mau qua, chúng ta sẽ được cái trường tồn. Thế nhưng, hiểu được không phải dễ và sống được điều đó càng khó khăn hơn.

Đâu phải dễ dàng một sớm một chiều mà từ bỏ những thú vui, khoái lạc, thỏa mãn giác quan, thân xác đã nằm sâu trong con người của mình. Móc nó ra đã là khó, chứ đừng nói đến bứng nó ra khỏi tâm hồn lại càng khó hơn. Thánh Augustinô trong thời gian đang trở về với Chúa sau khi sống trụy lạc trác táng đã thưa với Chúa rằng : “Lạy Chúa, xin cho con sống khiết tịnh, nhưng…từ từ thôi”. Con người là thế, dễ gì mà bỏ được những cái đam mê đầy quyến rũ ấy !

Khi suy nghĩ câu nói của Chúa : “Được cả thế gian mà phải thiệt mất mạng sống, thì nào có lợi ích gì ?” (Mt 17,26) chúng ta lại hình dung ra một vị giáo sư nổi tiếng sống ở thế kỷ 16. Ông là một thầy giáo trẻ dạy môn triết học được Ban Giám Đốc trường đại học nhiều đánh giá cao, nhiều thế hệ học sinh yêu mến, ngưỡng mộ. Con đường công danh rạng rỡ và lòng đam mê danh vọng, giàu sang đã làm cho ông càng cố gắng trau giồi nghề nghiệp hơn. Thế nhưng, bên cạnh ông có một người bạn thân, người ấy mỗi lần gặp ông lại nhắc đến câu Lời Chúa “Được cả thế gian mà phải thiệt mất mạng sống, thì nào có lợi ích gì ?”, lúc đầu ông để ngoài tai, sau rồi thì thấy bực bội, tranh luận cùng bạn, cuối cùng là ông bị cảm hóa và quyết định dâng hiến cả đời mình cho công cuộc truyền giáo ở lục địa châu Á. Ông thầy đó đã được Đức Giáo Hoàng Ghêgôriô XV phong làm đại Thánh, trở thành bổn mạng các xứ truyền giáo trong đó có Việt Nam. Vị giáo sư đó tên là Phanxicô Xaviê. Đọc xong những dòng chữ này chúng ta tự đặt một câu hỏi : chúng ta có dám làm theo Thánh Phanxicô Xaviê không ? Chắc hẳn chúng ta sẽ ấp úng và ….rất khó trả lời.

Lạy Chúa, từ bỏ là một động từ khó với chúng con, từ bỏ những thành quả mà chúng con đã và đang đạt được để theo Chúa càng khó hơn, từ bỏ những thói quen, lối sống hưởng thụ lại còn cực khó . Thế mà Chúa bảo muốn theo Chúa là phải bỏ ! Xin cho con thêm sức mạnh, nghị lực để từ bỏ, nhưng có lẽ…từ từ thôi nhé Chúa, kẻo con không chịu nổi. AMEN