Chữ “TÂM” viết theo tiếng Hán có hình một trái tim (một vầng trăng khuyết, ba sao trên trời). Chữ này có nghĩa khá rộng vừa chỉ tinh thần, ý thức, lại vừa chỉ tình cảm, lý trí; vừa là trái tim lại vừa là tên chung để chỉ những phẩm chất của trí óc. Chữ Tâm là một phạm trù cơ bản trong đạo lý truyền thống của dân tộc. Nếu như não được coi là xuất phát điểm của trí tuệ (Trí) thì trái tim (Tâm) được coi là trung khu của tình cảm..
Thực thi bác ái là một việc làm hết sức tốt đẹp của con người. Tùy vào mục đích mà nó mang những tên gọi khác nhau. Ví dụ: Tiền bạc dâng dùng trong tôn giáo thì gọi là dâng cúng, giúp đỡ những người nghèo khó hơn mình gọi là chia sẻ, làm việc bác ái…Việc làm này luôn mang một ý nghĩa tốt, tích cực. Ở thời đại nào, bất cứ nơi nào cũng điều có những việc làm này. Tuy vậy, việc làm này không phải bao giờ cũng luôn mang nghĩa tích cực, mà nó còn tuỳ thuộc vào mục đích của người thực thi việc đó. Nói một cách khác nó tuỳ thuộc vào cái TÂM của mỗi người.
Với Lời Chúa trong Chúa nhật tuần này, chúng ta cùng chiêm ngắm hình ảnh bà goá nghèo dâng cúng tiền vào đền thờ, một hình ảnh đẹp được Đức Giêsu khen ngợi. Cùng một việc làm, kẻ dâng nhiều, người dâng ít ; thế mà Chúa lại khen ngợi kẻ dâng ít là bà goá nghèo. Phải chăng Ngài muốn làm một việc khác người ? Thông thường, người ta thường cảm tạ tri ân những người giúp nhiều và đôi khi có cả tấm bằng chứng nhận cho tấm lòng thiện hảo ấy nữa. Nhưng ở đây Đức Giêsu không hề quan tâm, suy nghĩ theo lối người phàm ấy. Ngài chỉ xét đến tấm lòng hơn là của cải, số lượng.
Hai đồng tiền bà goá nghèo bỏ vào thùng là những đồng tiền có giá trị nhỏ nhất trong các đồng tiền. Nó có tên là Lépton nghĩa là đồng mỏng. Vậy tại sao Chúa lại khen bà dâng nhiều nhất ? Thưa vì bà chỉ có hai đồng tiền là toàn bộ số tài sản, gia tài của bà, mà bà sẳn sàng hy sinh, dâng tất cả, thay vì bà có thể chừa lại cho mình một ít là phân nửa; nhưng không, bà đã chọn hành động dâng trọn vẹn tài sản mình có được. Những người khác dâng dù có nhiều hơn gấp trăm thậm chí gấp ngàn lần bà, thì Chúa vẫn cho là không bằng bà. Lý do như Chúa nói: “Họ chỉ dâng những của dư thừa”. Là phần của cải họ dễ dàng dành dụm được. Nói cách khác, của cải họ dâng chẳng ảnh hưởng gì đến cá nhân hay đời sống gia đình của họ. Còn ở nơi bà goá nghèo là tất cả gia tài, là toàn bộ của nuôi thân, của mang lại sự sống cho bà. Có thể nói bà đã dâng trọn cả con tim, cả mạng sống bà cho Thiên Chúa. Bà thật khôn ngoan khi hành động như thế. Bà chọn ký thác hoàn toàn sự sống bà trong tay Thiên Chúa, chấp nhận để cho Chúa quan phòng yêu thương nâng đỡ thay vì cậy dựa vào sức lực phàm trần. Hành động của bà goá nghèo này mang đầy đủ ý nghĩa cho một tinh thần dâng hiến trọn vẹn, một sự hy sinh quên mình tròn đầy. Có lẽ chẳng còn tâm tình nào đẹp hơn tâm tình này.
Từ tâm tình của bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta cùng suy gẫm một đôi điều về việc dâng cúng của thời nay. Quan sát nơi một số họ đạo, bạn sẽ thấy người dâng rất phong phú và đa dạng, và do đó, ý nghĩa của của dâng cũng vì thế mà mang nhiều ý nghĩa khác nhau. Có người dâng vì buộc lòng phải dâng : “Ai sao mình vậy”. Có người dâng vì muốn giúp đỡ cho họ đạo nghèo tội nghiệp : “Thương !”. Có người dâng vì lý do danh dự gia tộc : nhà có cha cụ hay từng mang tiếng là “mạnh thường quân” nên phải giữ tiếng. Có người dâng vì muốn mọi người biết đến danh giá của mình, thích làm nổi trước cộng đoàn : “Xin ghi tên con, gia đình con vào sổ vàng, khắc vào ghế …. nếu Cha đồng ý con mới dâng”. Có người dâng vì lòng yêu mến Chúa cách chân thật, không màng đến những vấn đề khác : những người có cái TÂM.
Một vài nét nhìn lại, thoáng qua để thấy được ý nghĩa đích thực của việc dâng cúng. Vậy đâu là yếu tố chính làm cho của dâng đẹp lòng Chúa và thật sự có giá trị trước mặt Chúa? Theo William Barclay: “Sự dâng hiến chỉ có ý nghĩa khi nó làm cho chúng ta ít nhiều mất mát, đau khổ. Một của dâng chỉ biểu lộ tình yêu khi chúng ta phải chịu mất mát, thiếu thốn một sự gì, hoặc phải làm việc vất vả hơn để có thể dâng”. Nói cách khác, của dâng sẽ đẹp, sẽ ý nghĩa, sẽ giá trị khi dâng cái mà chúng ta đang rất cần cho đời sống của chúng ta. Bởi của dâng này đòi hỏi chúng ta phải hy sinh thật nhiều : hy sinh vì Tình Yêu.
Tóm lại, Tin Mừng hôm nay đích thực là một bài học quý giá về việc dâng cúng tiền bạc của cải…, với cái TÂM như thế nào ? Đặc biệt là khi chúng ta thực thi sự dâng hiến đối với Thiên Chúa. Lời Chúa mời gọi chúng ta hãy biết tự xét mình lại và hãy biết chất vấn lương tâm hầu rút ra cho mình bài học đáng giá khi thực thi việc dâng cúng ….