CHÚA NHẬT XXXI TN C (Lc 19, 1-10)

 

         Ông Wolfgang Bucherl, giám đốc viện nghiên cứu rắn độc Butantan, đã kể lại câu chuyện như sau : Có lần ông quan sát thấy một con chim lượn qua lượn lại một bụi cây và thốt lên những tiếng kêu kinh hãi. Khi tới gần ông phát hiện ra một con rắn đang bò gần đến một ổ chim với 3 con chim non đang kêu cứu. Con chim mẹ gần như muốn đâm đầu vào miệng rắn để mà cứu con, nó kêu những tiếng thật to để làm cho con rắn sợ hãi và rút đi… Rồi ông kết luận : tình thương của lòai vật cũng cao cả lắm.

 

Nếu chúng ta có những đứa con đang gặp khó khăn đe dọa bởi một thế lực nào đó, ảnh hưởng đến tính mạng thì có lẽ chúng ta cũng sẽ hy sinh cho con chúng ta cho dù phải hiến cả mạng sống của chúng ta để xông vào nơi nguy hiểm đó mà cứu con mình được sống.

 

Bài Tin mừng hôm nay cho chúng ta thấy một người Cha, cũng liều mình vào chốn tội lỗi, cái chốn mà người thời bấy giờ xem là đáng bị miệt thị, kinh khi. Đó là tiếp xúc với những người thu thuế, gái điếm…

“Dakêu hãy xuống mau. Hôm nay tôi muốn lưu lại nhà ông” (Lc 19:5).

Vâng, lại một lần nữa, người Cha đó là Đức Giêsu sẽ bị mang tiếng xấu là giao du, thân mật, và bạn bè với những bọn tội lỗi. Vì làm gì mà đến nỗi mà phải xin đến nghỉ ở nhà một người vốn được tiếng là chẳng ra gì trong xã hội như Dakêu. Hay là Chúa cần tiền, cần một bữa ăn ngon, cần một nơi nghỉ ngơi thoải mái ?

Nhưng sự giầu có, sang trọng của một người như Dakêu thì có thấm tháp gì với nguồn phú túc và vinh quang của thế gian này, là những thứ được tạo dựng nên do bàn tay của Thiên Chúa. Đức Giêsu đã chẳng từng bị ma quỉ cám dỗ biến đá thành bánh, thì Ngài cần gì bữa ăn ngon của Dakêu. Và ngôi biệt thự sang trọng của Dakêu làm sao có thể thu hút được người như Chúa, một người đã từng tuyên bố: “Cáo có hang, chim trời có tổ, con người không có chỗ dựa đầu” (Lc 9,58 ). Tóm lại, những thứ người đời tưởng chừng hấp dẫn ấy của Dakêu, không thể hấp dẫn được Đức Giêsu. Ngài chỉ có một chủ ý là muốn chinh phục người thu thuế này, cũng như chinh phục mọi người, dù là những người tội lỗi nhất.

Trong cuộc gặp gỡ giữa Đức Giêsu và Dakêu, điều khiến chúng ta phải chú ý nhất, đó là sau khi cảm nhận được sự quan tâm và tình thương mà Thiên Chúa đã dành cho mình, Dakêu đã công khai xác nhận tội lỗi mình và thành tâm sám hối: “Nếu tôi có làm thiệt hại ai điều gì, tôi xin đền gấp bốn” (câu 8). Hành động sám hối bất ngờ ấy, cũng giống như bà Maria đã đập bể bình bạch ngọc quí giá, để xức chân Chúa sau khi được Ngài giải thoát cho khỏi quỉ, chỉ xảy ra đối với những cảm nhận sâu xa và do tình yêu mến, kính trọng dành cho Thiên Chúa.

Có lẽ khi nghe câu truyện về sự hội ngộ giữa Đức Giêsu và Dakêu, nhiều người trong chúng ta cũng lấy làm tiếc. Phải chi Chúa cũng ghé mắt nhìn đến mình một lần đến mình cũng là mãn nguyện lắm rồi. Hoặc giả, nếu Chúa lên tiếng muốn nghỉ đêm trong nhà mình dù chỉ là một lần thôi thì còn gì vinh hạnh cho bằng. Nghĩ như vậy, nên chúng ta thường có thái độ và lối sống hoàn toàn trái ngược với luân lý và đạo đức hơn cả Dakêu trước khi chưa gặp Chúa. Chúng ta cũng ngoại tình, cũng gian dâm, cũng làm chứng gian, cũng nói dối, cũng lường gạt thể xác, tinh thần và tiền của người này, người khác, và cũng mánh mung, gian lận, hoặc kiêu căng, tự phụ.

Nhưng có thật là trong đời, chúng ta chưa một lần được nghe tiếng Chúa, hay chưa một lần được Ngài ghé thăm?

Thánh Kinh mà chúng ta đọc hằng ngày, hàng tuần chẳng phải là tiếng Chúa nói với chúng ta sao? Những biến cố xẩy ra trong cuộc sống và xẩy ra ngoài cuộc sống chẳng phải là những tiếng nói của Thiên Chúa muốn nhắn nhủ đó sao? Trong cuộc đời chúng ta, chẳng lẽ không một lần chúng ta được cứu thoát qua cơn hiểm nghèo trong đường tơ, kẽ tóc? Hoặc chúng ta chưa một lần được hưởng một niềm vui thật bất ngờ ? Những trường hợp ấy là gì, nếu không phải là những tiếng Chúa muốn nói với mỗi người chúng ta?

Chúng ta nghĩ gì mỗi lần mình được rước Thánh Thể. Những lúc ấy, Chúa không những đến với chúng ta, và còn hơn Dakêu, Chúa đã tan và trở thành của nuôi linh hồn và thân xác chúng ta. Như vậy, đừng nghĩ rằng chúng ta không một lần được Chúa ghé thăm như trường hợp của Dakêu.

Nhưng cái khó là Chúa đã không tìm được nhiều người như Dakêu để tâm sự và nghỉ ngơi trong nhà họ. Thích được Chúa đến thăm, nhưng không phải ai cũng sẵn sàng chia sẻ một nửa gia tài của mình cho kẻ nghèo. Không phải ai cũng sẵn sàng đền trả gấp bốn những lỗi lầm mình đã xúc phạm đến người này, người khác nhân danh Chúa và vì mến yêu Chúa như Dakêu. Vì chỉ cần một hành động như Dakêu thì thế giới này đã bớt đi rất nhiều người nghèo khổ. Và những tiếng than van, ai oán của những kẻ thấp cổ, bé miệng bị bóc lột và đối xử bất công sẽ vắng dần trên mặt đất.

Ðiều gây ngạc nhiên trong cuộc hội ngộ giữa Đức Giêsu và Dakêu : một bên Dakêu chỉ vì tò mò, đón đường muốn thử nhìn xem con người mang tên Giêsu mà thiên hạ vẫn thường đồn đại như thế nào, còn bên kia Chúa thì đã không tò mò, mà thực sự muốn gặp mặt Dakêu, vì thế, trong khi Dakêu còn chưa nhìn xem rõ mặt Ngài như thế nào, và chưa kịp phản ứng gì, thì Chúa đã lên tiếng gọi ông: “Dakêu xuống mau, vì hôm nay tôi muốn lưu lại nhà ông” (câu 5). Và vì được Chúa mời gọi, nên Dakêu đã đổi thái độ từ tò mò qua kính trọng, và từ kính trọng qua yêu mến. Ðây là cốt lõi của những lần gặp gỡ giữa Thiên Chúa và con người.

Dakêu đã xuống khỏi cây vả để gặp gỡ Chúa. Chúng ta cũng phải xuống khỏi cây tự ái, kiêu căng, tham lam, dục vọng, và quyền lực để gặp Ngài.

Dakêu đã dám xác nhận tội mình khi gặp Chúa. Chúng ta cũng phải xét mình và tự vấn lương tâm mỗi khi nghe Chúa nói trong tâm hồn, cũng như qua những biến cố đến từ bên trong và bên ngoài cuộc sống.

Dakêu đã sám hối, và thực hành sám hối bằng cách chia sẻ tài sản và đền trả những người ông đã làm thiệt hại. Chúng ta cũng phải có những quyết tâm thực hành, rõ ràng, và bằng hành động thực tế đối với những tài năng, của cải, và thời giờ mà Thiên Chúa đã ban cho chúng ta.

 

Jos Long