Ngày Thứ Năm Tuần Thánh có nghi thức rửa chân. Đức Kitô dùng nghi thức này để nói lên rất nhiều điều. Có người nghĩ rằng Đức Kitô dùng nghi thức này chỉ là hành động tượng trưng.Thế nhưng, nhìn lại cuộc đời của Chúa, từ khi sinh ra, Chúa đã chọn con đường sống nghèo khổ. Rồi lớn lên đi loan báo Tin Mừng, Người đã tỏ lòng yêu thương phục vụ, đặc biệt với những người bệnh tật, đau khổ, bị bỏ rơi, rồi những người thu thuế , bị khinh khi là hạng tội lỗi, với trẻ em bị xem là hạng không có giá trị…. Đức Kitô chỉ biết một lòng yêu thương phục vụ họ, Người đã xem nhẹ tất cả, để sống nghèo hèn, để phục vụ mọi người. Cuộc đời Người như thế, đã đủ để minh chứng cho con đường Người đi là con đường đau khổ, con đường thập giá !
Các môn đệ sống kề cận bên Thầy mình, đi theo Thầy, nghe những lời Thầy giảng dạy. Nhưng họ mãi theo đuổi mục đích riêng của mình. Thầy vừa loan báo Thập Giá, các ông lại tranh giành quyền lợi cá nhân. Thầy bảo khiêm nhường phục vụ, các ông tranh giành quyền lực và tìm cách núp bóng Thầy để tìm những lợi ích cho riêng mình. Khi trở về nhà trong yên tĩnh vắng lặng, ngồi đối diện với Thầy, các ông đã được Thầy cho nhìn thấy con người thật của mỗi người.
“Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người.” (câu 35 )
Bài học thật quý giá, các môn đệ đã cảm nhận được và đã thực hiện trong suốt quãng đời còn lại của mình. Các ông đã nhìn thấy những sai phạm, nên sau này các ông đã thay đổi. Thực sự giờ đây, trên Thiên Đàng, các ông đã trở thành những người lớn nhất theo như lời Thầy đã dạy.
Lời dạy năm xưa không phải chỉ còn phản phất lại dư âm, nhưng trái lại, lời đó còn vang mạnh bên tai mỗi người qua mọi thời đại. Suốt những năm tháng dài, có biết bao người đã thay đổi đời sống, để có được sự đồng cảm với Vị Thầy Chí Thánh . Những con người đó đã học được cách làm lớn của Thầy, với cách yêu thương phục vụ xứng đáng. . Nhưng bên cạnh đó, cũng có những con người của thời đại mới này không biết lặng thinh theo Thầy vào nhà, chỉ có Thầy với mình, để lắng nghe, để nhìn lại chính mình và có một thay đổi cuộc sống. Và rồi cũng có những người không thể yên lặng bước theo Thầy. Họ tìm cách trốn tránh, để khỏi phải ngồi đối diện với Thầy, khỏi phải nghe những Lời Thầy dạy bảo, vì họ sợ nhìn thấy chính mình, sợ phải thay đổi. Điều quan trọng hơn là họ sợ phải đồng cảm với Thầy thì họ sẽ mất đi những gì mình đang có trong hiện tại.
Mỗi người trong chúng ta đã lãnh bí tích rửa tội, đã là môn đệ của Chúa Kitô. Nhưng trong đời sống hằng ngày, trong cuộc sống đời người, biết bao lần chúng ta tranh luận để tìm vị thế, danh vọng, chức quyền trong xóm đạo, trong hội đoàn. Đôi khi chúng ta cũng giúp đỡ chút ít cho những người không may, rồi dựa vào đó, chúng ta tự hào rằng mình đã sống đạo, chúng ta sống đức tin !!!. Thế nhưng, phần lớn đời sống, chúng ta mặc tình sống theo ý muốn riêng tư, tìm lợi lộc bản thân, bất chấp những điều công bằng, yêu thương mà chúng ta đã học được. Đó là những lúc chúng ta đang tranh tụng trên đường cùng nội dung như các Tông Đồ khi xưa. Đức Giêsu cũng đem chúng ta vào yên lặng với Ngài, để cho chúng ta bài học: Ai muốn làm lớn, hãy tự làm người nhỏ nhất và phục vụ. Nếu chúng ta biết lắng nghe, biết thay đổi cuộc sống của mình, thì chúng ta thật sự là một môn đệ tốt trong thời đại mới. Đó là chúng ta đã đồng cảm với Ngài khi nghe thông báo Thập Giá của cuộc đời mà không trốn chạy. Còn nếu chúng ta không có được sự đồng cảm đích thực với Ngài bằng những hành động thiết thực trong cuộc sống, thì chúng ta đã chọn cho mình một hướng đi, một con đường không phải là con đường mà Chúa Kitô đã đi.
Trong tất cả cộng đoàn, tư tưởng “thích làm lớn” nó vẫn tồn tại trong não trạng của mọi người. Làm lớn để được sai bảo người khác, để được tôn trọng, để được vinh danh trong các dịp lễ….những điều đó đôi lúc làm mờ mắt chúng ta và biến chúng ta thành những người lãnh đạo độc tài, biếng nhác, thích nói. Xin hãy nhớ làm lớn trong cộng đoàn công giáo hoàn toàn khác hẳn với làm lớn ở ngoài đời. Xin hãy nhìn thấy gương Thầy Chí Thánh mà suy đoán và hành động trên cương vị của mình.