Đồi Thánh giá nằm cách phía bắc thành phố Siauliai ở miền bắc Lithuania, khoảng 12km. Truyền thuyết kể rằng mỗi người đi qua ngọn đồi Domantai (tên của Đồi Thánh giá trước kia) sẽ gặp nhiều may mắn nếu cắm cây thánh giá của mình lại. Qua suốt nhiều thế kỷ, không chỉ có cây thánh giá mà còn có cả những bức tượng lớn Chúa Giêsu bị đóng đinh, những nhà yêu nước của Lithuania, tượng Đức Mẹ đồng trinh và hàng ngàn hình tượng, tranh ảnh, chuỗi tràng hạt được người hành hương mang đến. Được biết vào những ngày nhiều gió, “rừng” Thánh giá cùng những chuỗi tràng hạt nơi đây tạo ra “bản nhạc” rất đặc biệt. Tính đến nay có khoảng hơn 200.000 cây Thánh giá đã được cắm trên ngọn đồi này.
Đồi Thánh giá trên cho chúng ta liên tưởng đến việc loan báo lần thứ nhất cuộc thương khó của Đức Giêsu cho các môn đệ trong bài Tin mừng hôm nay.
Sau một thời gian bôn ba giảng đạo. Đức Giêsu muốn có được một thông tin phản hồi từ thính giả nên Ngài hỏi các môn đệ : “Người ta nói Thầy là ai ?” Tất cả mọi câu trả lời của dư luận đều không được Đức Giêsu chấp nhận. Ngài lại hỏi “Còn các con, các con bảo Thầy là ai ?” Phêrô trả lời : “Thầy là Đức Kitô”. Một câu trả lời được Đức Giêsu chấp nhận. Nhưng rồi khi nghe Ngài nói về cuộc khổ nạn, thì cũng chính môi miệng đó, cũng chính con người đó, lại bị khiển trách nặng nề. Ngài gọi là satan có nghĩa là ma quỷ, vì đã ngăn cản việc làm của Thiên Chúa.
Phêrô đã theo Đức Giêsu, nhìn thấy và biết những việc làm của Ngài. Ông cũng mới vừa được khen, ông ngỡ rằng những gì ông suy tính đều tốt đẹp, nên ông muốn hướng dẫn Đấng ông vừa tuyên xưng là Đức Kitô đi theo con đường của ông. Ông theo Chúa nhưng sợ con đường mà Ngài dẫn đi, sợ những hành trang mà Ngài trao cho. Theo Chúa nhưng ông muốn mang những hành trang của chính mình, đi trên con đường của riêng mình và ông đòi Chúa phải cất nhắc ông. May thay, lời quở trách đã làm ông thức tỉnh, bài học tiếp theo đã hướng dẫn và giúp ông đi đến nơi đến nơi cuối cùng là cây thập giá kết liễu đời ông .
Tâm trạng của Phêrô, cũng là tâm trạng cuả mỗi ngưới chúng ta. Trong cuộc sống hằng ngày, ai cũng muốn tìm cho mình sự thoải mái, sung sướng cho thân xác. Chúng ta vẫn tự hào là người Công giáo. Chúng ta vẫn biết vác thập giá hàng ngày theo Chúa. Chúng ta vẫn râm ran bài hát “Con đường Chúa đã đi qua”. Chúng ta biết những gì Thiên Chúa muốn nơi con người chúng ta. Đôi khi chúng ta còn tự hào vì mình luôn vác Thánh giá hằng ngày theo Chúa. Chính những lúc tự hào như thế, là những lúc chúng ta vác Thánh giá nhưng lại …đi thụt lùi.
Cũng nhiều lần trong cuộc sống, Đức Giêsu khiển trách chúng ta như đã khiển trách Phêrô ngày xưa. Phêrô biết lắng nghe, còn ngày nay, chúng ta vẫn phớt lờ, vẫn sống với niềm tự hào của chính mình và bước đi trong niềm tự hào kiêu căng đó.
Chúng ta vẫn sống, vẫn giữ đạo, hay nói cách khác là đang vác Thánh Giá hằng ngày theo Chúa. Nhưng coi chừng cây Thánh đã bị mất đi một phần. Bao nhiêu lần nó đã bị cắt mất đi vì những luồn lách của cuộc sống. Những lần thân xác được dung dưỡng để nó được thoải mái trong những cuộc vui không chính đáng. Những lần thân xác cảm thấy thỏa mản khi đạt được mục đích lợi nhuận mà bất cần đến sự chính đáng hay không chính đáng. Những lần chúng ta không chu toàn trách nhiệm của một người công dân trong xã hội, trách nhiệm của một người công giáo trong giáo xứ, trách nhiệm của mình trong gia đình, và với bao nhiêu người chung quanh. Đó là những lần chúng ta đã cắt bớt đi Thánh giá cuộc đời của mình, để nó được nhẹ nhàng hơn. Nhưng chính những lúc thất bại, bị người đời chỉ trích, những lúc đó nếu biết lắng nghe, thì đó là lúc Chúa khiển trách và bảo chúng ta. Những lúc đó Chúa cũng nói với chúng ta: “ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất ” Nếu chúng ta không biết lặng thinh khiêm nhường cúi đầu nhận tội như Thánh Phêrô, thì chúng ta cũng sẽ không có được phần thưởng như Thánh Phêrô.
Xin Chúa cho chúng ta biết lắng nghe tiếng Chúa, xin cho chúng ta biết chấp nhận cuộc sống để biết vác Thánh Giá hằng ngày theo Chúa cho đến cùng.