CHÚA NHẬT XXIII THƯỜNG NIÊN A (Mt 18,15 -20)

Một thiếu phụ bước vào quán nhậu, bình tĩnh tiến đến trước mặt chồng mình đang ngồi uống rượu với mấy người bạn. Cô nói rằng : “Tôi tưởng mình bận việc quá không thể về nhà ăn cơm tối nên đem cà mèn đến đây cho mình”. Nói xong cô ta ra về. Ông chồng ngạc nhiên vì thái độ của vợ. Ông quay sang mở nắp cà mèn, té ra trong đó chẳng có thức ăn gì chỉ có một mảnh giấy viết mấy chữ : “Tôi mong mình ăn ngon miệng. Vợ con mình ở nhà cũng ăn như thế !”. Đọc xong tờ giấy anh chồng bỗng tỉnh rượu kiếu từ các bạn ra về.

Thông thường ai trong chúng ta cũng thích thú đón nhận những lời khen ngợi, tán dương, muốn người khác nhận ra những điểm hay, cái tốt nơi mình, còn những cái xấu , cái dở thì không muốn ai đụng đến đúng như các cụ ngày xưa dạy : “tốt khoe, xấu che”. Vì thế, nhắc cho một người nhận ra lỗi lầm và mời người ấy sửa lỗi là một việc rất tế nhị, rất dễ đụng chạm đến tự ái của người ấy. Người thiếu phụ trong câu chuyện trên đã làm được sự tế nhị đó khi góp ý cho chồng mình hãy quan tâm đến gia đình hơn là xa đà vào những cuộc nhậu vui vẻ với bạn bè.

Bài Tin mừng hôm nay, Đức Giêsu cho chúng ta một bài học chi tiết về cách sử lỗi tha nhân qua 3 cách thức :

Cá nhân với cá nhân, cuộc gặp gỡ mang tính “tình thương, mến thương”, kín đáo nói lên sự tôn trọng lẫn nhau và cho người có lỗi thấy được thiện chí của ta là để giúp cho bản thân người ấy sửa chữa khuyết điểm và sống tốt hơn.

Bạn bè với cá nhân, nếu cách 1 không thành công thì phải kiếm thêm một hay hai người nữa để những góp ý đó không mang tính chủ quan, độc đoán và dễ dàng thuyết phục người có lỗi hơn.

– Nếu cả 2 cách thức đều không mang lại hiệu quả thì phải chuyển qua cách thứ 3 là nhờ đến cộng đoàn. Với cách này thì sự việc đã trở nên khá căng thẳng và người có khuyết điểm hơi “ngoan cố”. Tuy vậy, với áp lực của cả cộng đoàn với nhiều ý tưởng cùng chung một mục đích là giúp người ấy nhận ra thiếu sót thì khả năng thành công sẽ rất lớn.

Cuối cùng, Chúa dạy rằng nếu cả 3 cách thức trên mà vẫn chẳng lay chuyển được gì thì cực chẳng đã mới coi người ấy như người thu thuế, dân ngoại nghĩa là cách ly và ngăn chặn ảnh hưởng xấu đến các thành viên trong cộng đoàn.

Như đã nói ở trên, sửa lỗi là một việc làm rất tế nhị, một số nhà xã hội học gọi là nghệ thuật sửa lỗi, nghệ thuật phê bình cũng rất đúng. Nhưng để sửa lỗi cho kết quả thì ta phải lưu ý điều gì ?

Trước hết ta phải tự kiểm mình trước. Đức Giêsu dạy rằng : “Sao ngươi thấy cái rác trong mắt của người anh em, mà cái xà trong con mắt của ngươi thì lại không để ý tới ? Sao ngươi lại nói với người anh em : hãy để tôi lấy cái rác ra khỏi mắt bạn, trong khi có cả một cái xà trong con mắt ngươi !. Hỡi kẻ đạo đức giả ! Lấy cái xà ra khỏi mắt ngươi trước đã, rồi ngươi sẽ thấy rõ, đế lấy cái rác ra khỏi mắt người anh em” (Mt 7, 3-5). Tục ngữ Việt Nam có câu : “Chân mình còn lấm bê bê, mà còn lấy đuốc mà rê chân người”. Bài học đầu tiên là trước khi muốn sửa lỗi người khác, bản thân chúng ta cũng cần khiêm tốn và sáng suốt kiểm điểm tâm hồn và cách sống của chính mình để tránh rơi vào tình trạng “việc người thì sáng, việc mình thì quáng”.

Bài học thứ hai : động cơ góp ý, sửa lỗi phải xuất phát từ tình yêu. Thiên Chúa mời gọi chúng ta gia nhập vào Hội Thánh để sống trong một cộng đoàn yêu thương, nên động lực thúc đẩy ta sửa lỗi cho anh em chính là tình yêu tha nhân và lòng yêu mến Chúa. Ngoài động cơ này ra, nếu chúng ta sửa lỗi vì muốn làm vinh danh chúng ta, lấy quyền lực bề trên phán đoán kẻ dưới quyền; hay muốn làm nhục người khác cho bõ ghét, hoặc để tư lợi giành ảnh hưởng tốt trước cộng đoàn…Tất cả những động lực gian xảo ấy đều mang tính ghen ghét , tỵ hiềm và là mưu mô của sự dữ, ác thần.

         Bài học thứ ba : cách thức góp ý. Góp ý, phê bình là cốt giúp nhau sửa chữa khuyết điểm, cho nên thái độ của người phê bình phải thành khẩn, nghiêm trang, đúng mực. Phải vạch rõ vì sao có khuyết điểm ấy, nó sẽ có kết quả xấu thế nào, dùng phương pháp gì để sửa chữa. Thuốc phải nhằm đúng bệnh. Tuyệt đối không nên có ý mỉa mai, bới móc, báo thù. Không nên phê bình lấy lệ. Càng không nên “trước mặt không nói, xoi mói sau lưng”.

Lạy Chúa, xin dạy chúng con biết cách sửa lỗi cho anh em bằng thái độ tôn trọng và yêu thương. Ngược lại nếu chúng con được anh em sửa lỗi thì xin cho chúng con có đủ khiêm tốn và thành khẩn để sửa đổi chính mình. AMEN