Dạo trước lâu rồi, báo chí đăng tin về một cuộc phỏng vấn đặc biệt ở Nhà Trắng. Đặc biệt không phải chỉ do người trả lời phỏng vấn là Tổng thống Mỹ Barack Obama, mà chính là ở chỗ người phỏng vấn là một cậu bé 11 tuổi da màu ở tiểu bang Florida, cậu tên là Damon Weaver. Với một bộ đồ veston đậm màu đĩnh đạc, cậu tự tin tiếp xúc với vị nguyên thủ quốc gia một cách bình tĩnh, tự tin trong suốt thời gian 10 phút của cuộc phỏng vấn. Những câu hỏi xoay quanh những việc rất đỗi bình thường như việc nâng cao chất lượng bữa ăn cho các học sinh tại trường, rồi tổng thống đã từng bị bắt nạt nên phải xử lý ra sao ?… Sau cuộc phỏng vấn, Tổng thống Obama đã được công chúng khen ngợi vì “có một hành động tuyệt vời, thể hiện sự trân trọng của ông đối với một công dân Mỹ nhỏ tuổi, cũng là thể hiện tình cảm của ông đối với giới trẻ”.
Chúng ta biết rằng những người làm chính trị, những người ra tranh cử thường dùng những bài diễn văn, những hành động, những cuộc quyên góp… để được lòng cử tri hy vọng rằng mình sẽ được nhiều phiếu hay sau khi tái cử mình sẽ lại được bầu tiếp một nhiệm kỳ nữa. Thế mới hay, những lời nói con người dành cho nhau chưa chắc là thật tình, chẳng qua chỉ vì lợi ích mà thôi. Ông Obama sở dĩ tiếp chú phóng viên nhỏ kia không phải chỉ để trả lời mấy chuyện vớ vẩn mà ông nhìn xa hơn là sự ủng hộ của dân Mỹ đối với chính quyền ông đang sở hữu. Đó là cách thức, thủ thuật lấy lòng dân của những người lãnh đạo.
Thế nhưng, có một người lãnh đạo cách đây hơn 2000 năm đã không dùng cái thủ thuật ấy, nhưng Người ấy nói thật, rất thật vì Người ấy chính là chân lý, là sự thật. Bài Tin mừng hôm nay cho chúng ta hình ảnh của những người môn đệ theo Đức Giêsu đã phải thốt lên khi nghe những lời rất thật của Chúa : “Lời này chướng tai quá, ai mà nghe nổi” (câu 60 ). Người xưa có câu : “Thuốc đắng dã tật, sự thật thì hay khó nghe” rất đúng trong trường hợp này. Đức Giêsu không dùng những lời ngon ngọt, những “chiêu thức” lấy lòng của các nhà lãnh đạo, nhưng Ngài công bố sự thật, cho dù sự thật đó làm cho những môn đệ không chấp nhận Ngài , bỏ Ngài ra đi (câu 66 )
Tưởng cũng nên đề cập đến Luật Do Thái dạy về thanh sạch và ô uế. Luật ấy rất tỉ mỉ và chi tiết, trong đó qui định không được ăn thịt thú chết ngạt, không được ăn thịt con vật gì ô uế (thú không có móng chân chẻ và không nhai lại như : heo, thỏ rừng, mọi thứ cá không có vảy … ) Luật không nói về việc ăn thịt người , nhưng chắc chắn con người rất ghê tởm việc ăn thịt đồng loại mình. Ở đây, Đức Giêsu lại nói: Người sẽ ban cho nhân loại Thịt và Máu Người làm của ăn nuôi sống họ. Người Do Thái và một số môn đệ vì hiểu câu này theo nghĩa đen, nên cho là lời nói chói tai, không thể chấp nhận được. Còn Đức Giêsu lại muốn ám chỉ về Bí tích Thánh Thể. Thực ra, muốn hiểu điều này không dễ dàng gì, nếu không có ân sủng của Thánh Thần; vì lẽ đó, người Do Thái và một số môn đệ vì không hiểu lời Chúa, nên cho là lời nói chướng tai.
Lời Thiên Chúa chính là đèn soi, là sức sống, là nguồn hạnh phúc, vậy mà người Do Thái và một số môn đồ cho là lời chướng tai, đây là một ý tưởng đầy xúc phạm. Dù vậy, chúng ta hiểu được rằng lời này thốt ra từ cửa miệng của những kẻ nông cạn, kém lòng tin. Có khi họ theo Chúa cả năm rồi, đã thấy bao nhiêu phép lạ, vậy mà họ vẫn không tin, không hiểu được. Vì thế, Chúa giải thích: “Điều đó anh em lấy làm chướng, không chấp nhận được ư ? vậy nếu anh em thấy Con Người lên nơi đã ở trước kia thì sao?” (câu 61 và 62 ). Và Chúa cũng xác nhận : “Không ai đến được với Thầy, nếu Chúa Cha không ban cho ơn ấy” .(Câu 65 )
Ngày hôm nay, dù không được sống chung, không nhìn thấy phép lạ Chúa làm, không nghe lời Chúa nói, dù vậy chúng ta có tin vững vàng những điều Chúa dạy không? Qua Hội Thánh, chúng ta có tin Chúa Giêsu có Lời Ban Sự Sống không? Chúng ta có khiêm tốn nhìn nhận rằng : việc nhận biết Thiên Chúa và tin vào Người, đó không phải là do khả năng, sức lực của chúng ta, mà là do ơn ban của Thiên Chúa không ?
Những người Do Thái, đi theo Chúa Giêsu vì Ngài đã đáp ứng nhu cầu của họ. Ngài cho họ ăn, giảng dạy, nói những lời mới lạ họ thích nghe. Nhưng khi Ngài nói những lời không hợp ý họ, họ liền chống đối và rời xa Ngài. Kể cả những người thân tín, những kẻ được gọi là môn đệ cũng bỏ Ngài. Còn lại nhóm 12, Chúa Giêsu đưa mắt nhìn và hỏi :” Còn các con, các con có muốn bỏ đi không ?” (câu 67 ).Ông Phêrô đại diện cho nhóm 12 mạnh dạn nói : “Lạy Thầy, bỏ Thầy chúng con biết đi theo ai, Thầy mới có những lời ban sự sống đời đời” ( câu 68 ). Ông Phêrô nhìn thấy được sự sống thật trong vị Thầy mà ông đang theo, ông nhìn thấy được sự cần thiết khi có Thầy bên cạnh. Chính vì thế, các ông đã theo Thầy cho đến giây phút cuối cùng của cuộc đời, và các ông đã đạt được sự sống đời đời.
“Còn các con, các con có muốn bỏ đi không ?” Đức Giêsu cũng hỏi từng người trong chúng ta như thế. Không phải chỉ một lần, nhưng rất nhiều lần trong cuộc sống. Nhưng nào chúng ta có nghe thấy gì đâu để mà trả lời ! Vì chúng ta đã bỏ đi trước khi nghe Ngài hỏi như thế. Nhiều lần trong cuộc sống, chúng ta chán nản thất vọng, không kiên nhẫn đủ để chờ đợi Thiên Chúa ban ơn cho mình. Chúng ta quay ra phiền trách Thiên Chúa, vì Ngài không phục vụ cho nhu cầu riêng tư, phục vụ cho lợi ích cá nhân của mình. Chúng ta cầu xin, đòi hỏi, nhưng ít khi nào suy nghĩ rằng : điều mình cầu xin có thật sự cần thiết và hợp thánh ý Thiên Chúa không ? Nếu đó là điều tốt đẹp, thì Thiên Chúa có bị bắt buộc phải vâng lời và thi hành ngay những điều chúng ta đòi hỏi hay không ? Thiên Chúa nhìn thấy và Ngài cũng biết trước chúng ta đang nghĩ gì và làm gì. Thế mà chúng ta rời bỏ Thiên Chúa của mình vì không đủ kiên nhẫn chờ đợi, hay đúng hơn là không có một con tim chân thành để theo Ngài.
Có khi nào trong cuộc sống, chúng ta lắng nghe và trả lời như Phêrô: ” Lạy Thầy, bỏ Thầy chúng con biết đi theo ai, Thầy mới có những lời ban sự sống đời đời”. Nói được như thế là khi chúng ta biết để cho Thiên Chúa làm chủ cuộc sống của mình. Còn phần chúng ta biết lắng nghe và vâng theo những gì Ngài đặt để cho chúng ta trong cuộc sống. Chúng ta biết chấp nhận và chu toàn cách tốt đẹp hoàn cảnh sống của mình. Đó là sống kề cận bên Chúa và đó cũng là sự sống đích thực mà Thiên Chúa ban cho những kẻ thành tâm theo Ngài.
Chúng ta cùng nhau cầu xin Chúa cho chúng ta biết lắng nghe và luôn sống kề cận bên Chúa, để xứng đáng là môn đệ trung thành của Ngài.