Cuộc chiến giữa Nga và Ukraine vẫn chưa kết thúc đã có hàng trăm ngàn người thiệt mạng, nhiều thành phố, làng xóm bị tan hoang… hơn lúc nào hết con người ngày nay khao khát hoà bình – ghét chiến tranh; mong muốn hợp tác – tẩy chay chia rẽ. Đó là khát vọng chính đáng của con người trên trái đất.
Thế nhưng, hôm nay khi đọc đoạn tin mừng Chúa nhật XX thường niên, một số người trong chúng ta không khỏi bàng hoàng, khó hiểu khi “Vị Hoàng tử hoà bình” lại phán : “Anh em tưởng rằng Thầy đến để ban hoà bình cho trái đất sao? Thầy bảo cho anh em biết không phải thế đâu, nhưng là đem sự chia rẽ” (câu 51)
Giới luật của Chúa là giới luật yêu thương, yêu thương suốt cả cuộc đời, Ngài không ngừng cổ võ cho tình yêu, vậy tại sau Ngài lại bảo: Thầy đến để đem sự chia rẽ !!! Vậy sự chia rẽ ở đây phải được hiểu như thế nào?
Chúa giêsu đã thực sự chia rẽ, chia rẽ để mà phân rẽ. Phải, Ngài phân rẽ giữa sự thiện và sự ác, giữa ánh sáng và bóng tối, để rồi từ đó đòi buộc chúng ta phải có một chọn lựa căn bản, một thái độ dứt khoát, một lập trường minh bạch khi theo Chúa. Lập trường theo Chúa đó, đôi khi gây ra chia rẽ giữa cha mẹ và con cái, giữa mẹ chồng và nàng dâu, nhưng vì Chúa chúng ta phải chấp nhận sự chống đối của những người thân : “kẻ thù của mình chính là người nhà. Ai yêu cha yêu mẹ hơn Thầy, thì không xứng với Thầy. Ai yêu con trai, con gái hơn Thầy thì không xứng với Thầy” (Mt 10,36-37).
Thực vậy, chúng ta hãy nhớ lại lời Tiên tri của ông già Simêon: “ Thiên chúa đã đặt cháu bé này làm duyên cớ cho nhiều người Ít-ra-en ngã xuống hay đứng lên. cháu còn là dấu hiệu cho người đời chống đối” (Lc 2, 34). Lời tiên tri này đã, đang và sẽ còn được thực hiện. Ngài đã phân rẽ thế giới này thành hai phe rõ rệt : thiện và ác; con cái sự sáng và con cái ác thần.
Lần giở những trang Tin mừng chúng ta thấy được điều đó : đang khi các mục đồng và ba nhà đạo sĩ đã thờ lạy Chúa nơi máng cỏ Bêlem, thì Hêrôđê đã ra lệnh truy lùng và tàn sát các hài nhi. Đang khi dân chúng say mê bước theo Chúa, thì những người luật sĩ đã tìm mọi cách để ám hại Ngài. Đang khi đoàn dân mong muốn tôn vinh Chúa làm vua thì những người lãnh đạo tôn giáo Do thái lại lên án tử cho Chúa và đóng đinh Ngài vào thập giá.
Giáo hội hôm nay chính là hiện thân của Đức Kitô, chính là Đức Kitô được kéo dài qua dòng thời gian, nên cũng phải đi theo con đường của Ngài và chịu chung cùng một số phận với Ngài.
ngày 13-10-1884, sau khi dâng lễ tại nguyện đường Vatican cùng với vài Hồng y và các nhân viên Tòa thánh, ĐGH Leo XIII bất ngờ đứng như trời trồng ngay tại bàn thờ khoảng 10 phút, như thể xuất thần, Ngài đứng bất động, mặt Ngài tái nhợt.
Khi được hỏi về điều gì đã xảy ra, Ngài nói rằng khi sắp rời bàn thờ, Ngài nghe được hai giọng nói chuyện – một giọng nhẹ nhàng, một giọng gay gắt và kiêu căng. Ngài nghe được cuộc đối thoại này:
Bằng giọng kiêu ngạo, Satan đã nói với Chúa: “Tôi sẽ hủy diệt giáo hội của Ngài”. Chúa nói: “Ngươi có thể ư? vậy cứ làm đi”. Satan so đo: “Để làm vậy, tôi cần thêm thời gian và quyền lực”. Chúa nói: “thời gian bao lâu? quyền lực ở mức nào?”. Satan nói: “75 tới 100 năm, và một quyền lực mạnh hơn đối với những người chịu tùng phục tôi”. Chúa nói: “Ngươi có cả thời gian và quyền lực. hãy làm những gì ngươi muốn!”.
Qua hai thế kỷ, chúng ta đã chứng kiến lời tiên báo này – chiến tranh thế giới, chủ nghĩa lạc giáo, vô thần lan tràn, suy thoái đức tin và luân lý. Quan trọng hơn, Giáo hội công giáo bị bách hại bằng nhiều cách: các vụ bê bối của giáo sĩ, giảm sút ơn thiên triệu, bất hòa và phân rẽ, giảm sút số người tham dự thánh lễ….
Thầy đến để đem sự phân rẽ !
Ngài đã phân rẽ nhân loại này thành hai giới tuyến rõ rệt. Thế nhưng, điều quan trọng đó là mỗi người chúng ta sẽ đứng vào giới tuyến nào? Theo Thiên Chúa hay theo Satan, theo Đức Kitô hay theo thế gian?
Sống là bơi ngược dòng nước và nếu không cố gắng bơi, thì sẽ bị dòng nước cuốn trôi. Sống là chiến đấu và cuộc chiến đấu cam go nhất chính là cuộc chiến đấu giữa sự thiện và sự ác, như lời Thánh Phaolô đã diễn tả: “ Sự thiện tôi muốn thì tôi lại không làm, còn điều ác tôi ghét thì tôi lại làm.” (Rm 8,15)
Sống là chọn lựa và một khi đã chọn lựa Đức Kitô, thì chúng ta phải can đảm chiến đấu dưới bóng cờ của Ngài. Chiến đấu dưới bóng cờ của Đức Kitô có nghĩa là biết vâng phục Thánh ý Chúa, biết sống chan hòa yêu thương và biết ra sức khử trừ tội lỗi… có nghĩa là phải biết nói không với những cám dỗ của ma quỉ, phải biết nói không với những quyến rũ của trần gian; thà chết, chứ chẳng thà phản bội Chúa.
Cuộc chiến đấu chống lại tội lỗi là một cuộc chiến đấu dứt khoát và không khoan nhượng, một cuộc chiến đấu liên tục từng giây và từng phút, chẳng lúc nào được ngơi nghỉ, chẳng lúc nào được nới lỏng vì ma quỉ sẽ không bao giờ ngủ trưa và tội lỗi sẽ không bao giờ giải lao hay xả hơi. Hơn thế nữa, càng bị thử thách, chúng ta lại càng phải tin tưởng vào Chúa. càng bị vùi dập, chúng ta lại càng phải vùng dậy mạnh mẽ hơn. trong cuộc chiến đấu này, chúng ta phải luôn luôn tiến tới, bởi vì không tiến tức là lùi, không thắng tức là thua.