Người ta kể rằng : có một cha xứ nọ ở bên trời tây hay đi thăm các bổn đạo bằng một con ngựa già. Ngày nọ, cha đến thăm một anh nông dân bị xem là khô khan trong làng.
– Chào anh, anh khoẻ không ? Cha xứ mở lời
– Dạ con chào cha, con vẫn khoẻ, con đang sửa chữa mấy dụng cụ làm cỏ
– Nghe người nhà nói anh là người không còn giữa đạo, bỏ cả kinh hạt, lễ lạy có phải không ?
– Dạ thì con cũng bận việc quá nên quên việc đọc kinh, đi lễ. Nhưng mà khi con cầu nguyện với Chúa thì sốt sắng lắm cha ạ !
– Vậy sao ? Nếu thế thì anh thử đọc cho tôi 1 kinh lạy Cha thật sốt sắng xem sao. Nếu quả là sốt sắng thật thì tôi sẽ tặng cho anh con ngựa này.
– Ồ ! thế thì con đọc nhé. Cha thế nào cũng mất con ngựa.
Rồi anh nông dân nhắm mắt, chắp tay và bắt đầu đọc : “Lạy Cha chúng con ở trên trời…”
Bỗng anh mở mắt ra : – Thế cha cho ngựa mà có cho yên và cương không cha ? Rồi đọc tiếp : … Xin Cha cho chúng con….Amen
Cha xứ cười và bảo : kinh lạy Cha làm gì có câu nào là yên với cương !
Với bài Tin Mừng hôm nay, các môn đệ xin Đức Giêsu dạy cho cầu nguyện. Ngài đã chỉ cho một công thức cầu nguyện. Cầu nguyện để con người được sung mãn tốt lành hơn, cầu nguyện để con người trở nên hoàn thiện hơn. Cầu nguyện để tất cả qui về một Cha trên trời. Cầu nguyện để trở nên những người con tốt của Chúa. Lời kinh Lạy Cha đã trở thành lời cầu nguyện đắt giá nhất cho mọi tín hữu trên thế giới.
Bên cạnh đó, Đức Giêsu còn nhấn mạnh hơn về cách cầu nguyện: đó là sự bền chí, kiên trì. Cầu nguyện luôn không được nản lòng. Ngài đưa ra một dụ ngôn về một người bạn vào ban đêm đến gõ cửa một người bạn khác để xin vay 3 cái bánh. Cho dù người chủ nhà có từ chối không trỗi dậy để lấy bánh “vì tình, vì nghĩa” thì cũng phải dậy để lấy bánh vì “anh ta cứ lì ra đó”.
Khi chúng ta xin Chúa điều gì, thường chúng ta mong Chúa làm cho chúng ta ngay, nếu không chúng ta cảm thấy sốt ruột. Hẳn các bạn cũng đã ít nhiều lần bị sốt ruột : chờ xe đến rước mà không thấy đến…sốt ruột, chờ đến ngày tốt nghiệp mà lâu quá…sốt ruột, chờ bạn đến nhà mà quá giờ rồi không thấy tới…sốt ruột, cầu nguyện Chúa xin cho được chuyện này chuyện kia mà Chúa chẳng ban cho…cũng sốt ruột
Sốt ruột như thế xem ra chẳng có lợi gì cả mà đôi khi còn có hại nữa. Khi sốt ruột thường cáu gắt, khó chịu với những người xung quanh, những người chẳng liên quan gì đến chuyện sốt ruột của mình. Rồi nóng nẩy, mất bình tĩnh, la lối mất hòa khí trong gia đình, trong hội đòan. Khi chúng ta sốt ruột vì xe chưa tới, chúng ta có thể làm cho nó đến sớm hơn được chặng ? Kẹt xe, tắc đường là những nguyên nhân mà cho dù chúng ta sốt ruột cũng chẳng thể giải quyết được. Chờ đến ngày tốt nghiệp để ra trường đi làm có đồng ra đồng vào thì cũng phải trải qua thi cử, có kết quả, in bằng…thì mới ra được chứ, sốt ruột có làm cho những việc ấy mau lên được tí nào đâu ?….
Mang thân phận con người, tất cả chúng ta đều đã từng cầu nguyện van xin và cũng đã từng đạt được rất nhiều ước nguyện. Ngày nào còn mang kiếp người, đó là những chuỗi ngày van xin cầu khẩn không ngơi: cầu cho sự bình an bản thân, cầu cho công việc làm ăn được thuận lợi, cầu cho người thân. . . biết bao nhiêu điều để cầu xin. Mỗi người trong chúng ta cũng đã từng cầu xin và cầu xin rất nhiều. Có những lúc chúng ta vui mừng vì đạt được điều mình nguyện xin. Nhưng cũng có lúc chúng ta buồn phiền trách móc, vì cứ xin mãi mà không đạt được, rồi sốt ruột kêu trách Chúa, bỏ cuộc và thất vọng vì dường như Chúa không còn lắng nghe lời nguyện xin của mình nữa.
Chúng ta thử suy nghĩ xem Chúa có nhẫn nại không, Ngài có sốt ruột không ? Sau khi tổ tông lòai người phạm tội, Chúa cũng đã nhẫn nại chờ đợi hàng ngàn năm mới xuống thế làm người, trong thời gian đó, dân Ít-ra-en đã làm phiền lòng Chúa biết bao nhiêu điều. Chúa vẫn kiên nhẫn !. Khi xuống trần gian, Ngài có thể hiện thân như một người trưởng thành để mà bắt tay ngay vào việc truyền giảng, nhưng không, Chúa vẫn ngự trong lòng Mẹ Maria chín tháng, rồi sinh ra và lớn lên suốt 30 năm dài. Chúa vẫn kiên nhẫn ! Chúa cũng có thể thành lập một Giáo Hội hùng mạnh, với uy quyền điều khiển tất cả lòai người, thế mà Ngài đã không làm thế, Ngài kiên nhẫn chờ đợi từng con chiên lạc quay về, Ngài nhẫn nại đứng nhìn kẻ thù quấy rối Giáo Hội của Ngài. Chúa vẫn luôn kiên nhẫn ! Vì thế, lấy cớ gì mà chúng ta không biết kiên nhẫn cầu nguyện ?
Chúng ta cùng nhau cầu xin Chúa cho chúng ta biết cầu nguyện, cầu nguyện trong kiên trì, cầu nguyện theo Thánh Ý Chúa, cầu nguyện để con người chúng ta mỗi ngày được tốt hơn. Xin Chúa cho mỗi người chúng ta ý thức hơn khi đọc kinh Lạy Cha, để chúng ta biết sống lời nguyện mà chính Đức Giêsu đã dạy.