Nhà bác học Edison cần tính dung tích một bóng đèn hình quả lê, ông giao nhiệm vụ đó cho trợ lý Chapton . Hơn một tiếng đồng hồ, Chapton loay hoay mãi với các công thức dày đặc mà vẫn chưa tính ra. Edison đi qua, nói: “Có gì phức tạp lắm đâu!”. Ông mang chiếc bóng đèn ra vòi, hứng đầy nước và nói với Chapton: “Anh đổ nước vào ống lường, xem dung tích là bao nhiêu. Đó là dung tích của bóng đèn”.
Từ câu chuyện trên ta thấy người thông minh là người có khả năng vượt trội về mặt trí tuệ so với nhiều người khác. Một câu hỏi được đặt ra : tôi có phải là người khôn ngoan không ? Nếu sự thông minh, khôn ngoan ở đời được đánh giá qua chỉ số IQ, thì sự khôn ngoan ở đạo được đánh giá qua chỉ số gì ? Xin thưa rằng sự khôn ngoan ở đạo được đánh giá qua câu chuyện dụ ngôn của bài Tin mừng hôm nay.
Trước hết, người tín hữu khôn ngoan là người biết chọn lựa đúng : người nông dân trong dụ ngôn tình cờ phát hiện ra kho báu trong thửa ruộng mình đang cày thuê, anh ta đã làm gì ? Anh ta đã về bán đi tất cả những gì mình có để mua thửa ruộng ấy không phải vì thửa ruộng ấy màu mỡ, cũng chẳng phải vì thửa ruộng ấy gắn liền với đời tá điền của anh. Nhưng chính bởi vì thửa ruộng ấy có kho báu, kho báu mà ông chủ ruộng không biết, chỉ có anh biết mà thôi. Một bài tính có lãi, mà lãi rất lớn, tội gì không làm ! Trong cuộc hành trình đức tin cũng thế, để có thể trung tín với Tin mừng, để có thể theo Chúa đến cùng trên con đường hẹp, chúng ta cũng phải biết khôn ngoan chọn lựa và cuộc chọn lựa này không kém phần cam go, không thiếu những hy sinh về vật chất, niềm đam mê và cả tình cảm nữa.
Thứ đến, người tín hữu khôn ngoan là người miệt mài tìm kiếm những giá trị vĩnh hằng. Dụ ngôn thứ hai cho chúng ta hình ảnh của một người đi buôn ngọc. Khác với anh nông dân ở dụ ngôn trên : anh nông dân “tình cờ” phát hiện ra kho báu, còn người buôn ngọc này ông ta đã phải dành thời gian nhiều năm, nhiều tháng để đi “tìm kiếm” viên ngọc qúy. Ông ta cũng bán hết gia tài của mình để mua viên ngọc ấy vì ông ta biết rất rõ giá trị của viên ngọc. Lại một bài tóan lời – lỗ cho một kết quả lời to, tội gì không làm ! Hành trình đức tin cũng là một cuộc lên đường tìm kiếm những giá trị siêu nhiên. Hạnh phúc cho chúng ta khi chúng ta đã tìm được giá trị siêu nhiên đó, chúng ta những người Kitô hữu, chúng ta đã có may mắn phát hiện được viên ngọc quý đó, đó là gì ? Thưa đó chính là nhận biết Thiên Chúa. Thế nhưng, chúng ta có dám làm như người thương gia kia là bán hết gia sản để mua viên ngọc, chúng ta có dám can đảm từ bỏ mọi sự sau khi khám phá ra Đức Giêsu là đường, là sự thật và là sự sống không ? Nhận biết Chúa là ơn nhưng không ta được nhận lãnh từ bố mẹ, gia đình còn dám từ bỏ mọi sự thế gian mà theo Chúa thì ….khó quá phải không các bạn. Xin Chúa giúp chúng ta, vì cậy sức chúng ta, chúng ta chẳng làm được gì cả ! Xin kể cho các bạn nghe một câu chuyện về sự từ bỏ :
Chuyện kể về hai vị tu sĩ nọ lên đường đi hành hương:
Một vị chủ trương cần phải có tiền bạc và các phương tiện vật chất đầy đủ mới có bảo đảm cho đời sống tu trì. Một vị thì luôn tin tưởng ở tinh thần từ bỏ. Hai người trao đổi và tranh luận với nhau về hai tinh thần khác nhau mà không ai có thể thuyết phục được ai. Khi họ đến bên bờ một dòng sông thì trời cũng đã tối. Người có tinh thần từ bỏ đề nghị:
– Chúng ta không có tiền thì làm sao có thể thuê người lái đò đưa chúng ta qua sông, Nhưng tại sao chúng ta lại lo lắng quá nhiều như thế này, chúng ta hãy ngủ lại bên bờ này và dâng lời chúc tụng Chúa, thế nào chúng ta cũng tìm ra người giúp chúng ta qua sông một cách an toàn.
Vị tu sĩ tin ở sự phòng xa và sức mạnh của các phương tiện vật chất thì lại quả quyết như sau:
– Bên này không có làng mạc và nhà cửa, thú dữ có thể về cắn xé chúng ta, rắn rít cũng có thể bò ra để làm hại chúng ta, và nhất là chúng ta không thể chịu đựng nổi cái giá lạnh của đêm nay. Bên kia sông, chúng ta có thể ngủ đêm một cách an toàn, tôi có mang theo tiền đây, chúng ta hãy thuê một người lái đò.
Sau khi hai người đã qua sông, Vị tu sĩ trả tiền cho người lái đò và nói với người bạn của mình như sau:
– Anh đã thấy được ích lợi của việc có tiền trong túi chưa? Chính nhờ có chút ít tiền bạc mà tôi có thể cứu mạng anh và chính tôi nữa, điều gì có thể xảy ra cho chúng ta, nếu tôi cũng sống tinh thần từ bỏ như anh mà không mang theo đồng xu nào trong túi.
Nghe thế, vị tu sĩ luôn sống tinh thần từ bỏ mỉm cười nói như sau:
– Chính sự từ bỏ của anh đã giúp chúng ta. Anh đã từ bỏ tiền của mình để thuê người lái đò là gì? Hơn nữa, tôi đã không có đồng xu dính túi, vậy mà tôi vẫn cứ sống và qua được sông, vì tôi tin rằng Chúa đã phái anh giúp tôi qua sông. Chính tinh thần từ bỏ của tôi đã cho tôi được mọi sự cần thiết.
Nghe xong điều đó người tu sĩ kia ngỡ ngàng. À ! ra sự phó thác là thế đấy !
Cuối cùng, người tín hữu khôn ngoan là người biết chuẩn bị cho giờ của Chúa đến. Dụ ngôn về chiếc lưới cá vét hết mọi lọai cá ngòai biển cho chúng ta nhận thức rằng tất cả mọi người chúng ta trong ngày tận thế đều phải ra trình diện trước mặt Chúa để chịu sự phán xét cuối cùng. Ngày ấy sẽ là cuộc thanh lọc người tốt và kẻ xấu; sự lành và sự dữ sẽ được tách riêng ra để có thưởng, có phạt công minh. Như vậy người khôn ngoan là người sống hôm nay mà luôn chuẩn bị cho tương lai ngày mai. Họ sống giữa trần gian nhưng không bị lệ thuộc vào gian trần, vì quê hương họ là quê hương vĩnh cửu.
Ngày nào chúng ta cũng có sự lựa chọn cho hành động của mình. Đi làm hay ngủ nướng. Mặc áo hoa hay áo sọc. Ăn sáng với phở hay hủ tiếu.Yêu hay không yêu. Đi tập hát hay đi chơi… Mỗi ngày sống là mỗi ngày chọn lựa. Xin Chúa giúp chúng con biết khôn ngoan chọn lựa những cái gì thuộc về Chúa, biết chọn lựa những phương tiện có thể đưa con đến trời, nơi chúng con hy vọng sẽ tới để hưởng vinh quang Chúa muôn đời. AMEN