Thiện, ác, tà (tiếng Ý: Il buono, il brutto, il cattivo, tiếng Anh: The Good, the Bad and the Ugly, còn được dịch Người tốt, kẻ xấu và tên vô lại) là một bộ phim cao bồi của đạo diễn Sergio Leone với sự tham gia của các diễn viên Clint Eastwood, Eli Wallach, Lee Van Cleef. Nó được xem như một trong những phim cao bồi hay nhất, hiện đang xếp hạng thứ 4 trong top 250 phim hay nhất mọi thời đại của IMDB.
Phim lần đầu tiên được trình chiếu tại Ý vào ngày 23 tháng 12 năm 1966 và khoảng một năm sau được trình chiếu tại Hoa Kỳ. Phim này cũng đã được trình chiếu tại Việt Nam qua chương trình chiếu phim của đài truyền hình Việt Nam.
Cách ngậm xì ngà, lối bắn súng, quay súng bỏ vào bao của Clint Eastwood, nhất là dáng cao dong dỏng và thái độ ngang tàng lạnh lùng của tài tử này, cùng với tiếng nhạc dồn dập có tiếng huýt gió của nhà soạn nhạc Ennio Morricone đã khiến cho phim này rất ăn khách.
Lấy bối cảnh thời chiến tranh Nam-Bắc, cả ba người Thiện, Ác, Tà đều theo đuổi một mục đích là đi tìm một kho vàng của quân đội được chôn dưới một ngôi mộ. Trong quá trình tìm kiếm kho vàng, ba người Thiện Ác Tà từng đôi một cùng hợp tác và lừa gạt lẫn nhau. Đến cuối phim họ cùng đến ngôi mộ và tại đây diễn ra cuộc đấu súng tay ba. Lẽ dĩ nhiên, kết cuộc luôn có hậu và kẻ chiến thắng vẫn là người đại diện cho sự Thiện.
Hôm nay chúng ta lại nghe lại bài Tin Mừng rất quen thuộc : dụ ngôn lúa và cỏ lùng. Ai trong chúng ta cũng nhận ra điều này là : trong cuộc đời chúng ta – những con người bình thường – không thể sống một thân một mình, cô lập với thế giới bên ngoài, chúng ta sống là sống cùng, sống với những người xung quanh : cha mẹ, vợ chồng, con cái, đồng nghiệp, hàng xóm….Mà đã sống trong “tập thể” như thế thì không thể không có những người tốt, người xấu, người thiện, kẻ xấu và cả…tên vô lại. Trong lĩnh vực nhà đạo thì hình ảnh một cộng đòan Giáo Hội, một cộng đòan Giáo Xứ, một Hội Đòan vẫn còn những người thánh thiện, người chưa thánh thiện, người tội lỗi sống chung với nhau, cùng làm việc, nguyện cầu, sinh họat với nhau đã trở nên lời mời gọi để mỗi người trong chúng ta cùng giúp nhau nên thánh.
Đã nhiều lần trong cuộc đời, chúng ta nghe người ta đặt câu hỏi : tại sao người tốt lành vẫn gặp đau khổ trong khi những kẻ gian ác, gieo rắc tai ương cho thế gian vẫn bình an, vô sự thậm chí còn thăng hoa, phát tài, phát lộc ? Tuy cỏ lùng không thể biến thành cây lúa đầy bông hạt nhưng con người thì có thể biến đổi xấu thành tốt. Lịch sử con người, lịch sử giáo hội đã cho chúng ta rất nhiều gương sáng về sự trở về này. Thiên Chúa đã ban mặt trời cho cả người tốt lẫn kẻ xấu, và Ngài cũng thật bao dung, nhẫn nại chờ đợi người tội lỗi trở về. Nếu chết là hết, thì quả thật câu hỏi trên là lời thách đố cho con người. Người ta chẳng phải sống tốt làm gì, người ta cũng sẽ cắn xé nhau, đạp lên nhau để mà tồn tại…Nhưng niềm tin Kitô giáo xác tín rằng con người còn có đời sau, còn có sự chung thẩm của Thiên Chúa, còn có “ mùa gặt là ngày tận thế”. Vì thế, sự công bằng sẽ biểu lộ cho chúng ta thấy đâu là hậu quả của kẻ xấu, đâu là thành quả của người lành.
Bài hát RANH GIỚI THIỆN – ÁC trong Album RAP VIET HOT có câu : Trong cuộc sống ranh giới giữa cái thiện với cái ác thật mong manh. Phút chốc vật đổi sao dời. Nhìn lại bản thân đã biến thành người khác.
Quả vậy, đi sâu vào một ý tưởng khác của dụ ngôn chúng ta tìm gặp được Lời Chúa muốn cho chúng ta nhận thức rằng trong chính bản thân con người chúng ta cũng tồn tại giữa cái thiện và cái ác, tuy rằng “nhân chi sơ tính bổn thiện” nhưng con người luôn bị níu kéo bởi khuynh hướng của sự dữ. Con người chúng ta luôn có sự hiện diện của cao cả lẫn thấp hèn, của thanh tao lẫn nhỏ mọn, của giả dối lẫn chân thật. Nhận ra chính mình thì chúng ta đã có đủ hành trang để bước đi trên con đường sống đức tin của mình, có đủ điều kiện để chiến thắng trong cuộc chiến liên lỉ, cuộc chiến giữa thiện và ác.Thánh Phaolô là mẫu gương sáng giúp chúng ta hiểu và sống hòan hảo hơn khi Ngài viết trong thơ gửi tín hữu Roma : “Sự thiện tôi muốn làm thì tôi không làm, nhưng sự ác tôi không muốn, tôi lại cứ làm. Nếu tôi cứ làm điều tôi không muốn, thì không còn phải là chính tôi làm điều đó, nhưng là tội vẫn ở trong tôi. Bởi đó tôi khám phá ra luật này : khi tôi muốn làm sự thiện thì lại thấy sự ác xuất hiện ngay. Theo con người nội tâm, tôi thích vì luật của Thiên Chúa; nhưng trong các chi thể của tôi, tôi lại thấy một luật khác : luật này chiến đấu chống lại luật của lý trí và giam hãm tôi trong luật của tội là luật vẫn nằm sẵn trong các chi thể tôi. Tôi thật là một người khốn nạn ! Ai sẽ giải thóat tôi khỏi thân xác phải chết này ? Tạ ơn Thiên Chúa, Nhờ Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta” (Rm 7, 19-25). Khi chiến đấu chống lại sự dữ, chúng ta không chiến đấu đơn độc, nhưng có Chúa cùng chiến đấu với chúng ta. Nhưng người không can thiệp để tiêu diệt sự dữ, vì Người đã ban cho chúng ta sự tự do, và bởi vì chúng ta là những con người có trách nhiệm. Sự dữ nào cũng có phần cộng tác của con người, tội lỗi nào cũng mang dấu tay của thế gian. Để cứu lấy con người, Thiên Chúa đã phải nhẫn nại, chờ đợi sự hóan cải tuy rất chậm và rất chần chừ của chúng ta.
Lạy Chúa, xin cho con biết bắt đầu lại vì với Chúa không bao giờ là quá muộn.