CHÚA NHẬT XV THƯỜNG NIÊN (Lc. 10, 25-37)

Người Việt Nam thường nêu lên câu :”ách giữa đàng quàng vào cổ” nhằm khuyên chúng ta nên tránh né những việc mà cho là không liên quan, không mang lại ích lợi gì cho mình nếu dính vào sẽ mang đến những phiền phức không đâu. Thế mà, trong bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta thấy Đức Giêsu lại dạy chúng ta nên mang cái ách ấy giữa đàng !

Ngài kể lại câu chuyện về một người từ Giêrusalem xuống Giêrikhô bị bọn cướp đánh cho nhừ tử, lấy tài sản và bỏ mặc ngòai đường. Tình cờ, một thầy tư tế đi ngang qua, rồi một thầy Lêvi cũng đi qua, nhưng cả hai đều làm lơ….duy chỉ có người Sa-ma-ri là giúp đỡ cho nạn nhân.

Với câu chuyện này Đức Giêsu muốn dạy cho người thông luật một thí dụ điển hình để thực hành luật yêu thương. Ông ta thuộc lòng hơn 600 điều luật trong sách, ông ta tuân giữ thật chu đáo. Nhưng chỉ giữ trong lý thuyết, còn thực hành cụ thể thì ông lại hết sức ngớ ngẩn khi hỏi : “ai là người thân cận của tôi ? ” (câu 29 ). Đức Giêsu muốn khẳng định : người thân cận để thực hành yêu thương là tất cả mọi người, không loại trừ ai, khi những người đó có nhu cầu cần thiết đến sự giúp đỡ, lòng thương xót. Yêu thương thì không còn chọn lựa, không còn phân biệt đẳng cấp sang hèn. Đó mới là điều mà Chúa  bảo: “Ngươi hãy đi và làm như thế” (câu 37 ).

Mỗi người trong chúng ta, thuộc kinh thánh rất nhiều, thuộc giáo lý cũng rất nhiều, còn kinh đọc thì không biết bao nhiêu mà kể cho cùng. Nhưng để thực hành những gì mình biết, những gì mình gọi là đã giữ từ nhỏ thì thật là rắc rối. Chúng ta vẫn không biết ai là người thân cận để thi hành lề luật.

Chúng ta giữ đạo làm sao không thiệt hại bản thân, không mất mát những gì mình có, không đụng đến quyền lợi cá nhân, chúng ta cũng sợ ách giữa đàng mang vào cổ, nên không thể nào nhìn thấy được nhu cầu của người thân cận để thi hành luật yêu thương được. Nhiều lần chúng ta cũng hỏi như người thông luật trong bài phúc âm: “ai là người thân cận của tôi”? Chúa không chỉ cho chúng một câu chuyện, nhưng rất nhiều và Ngài cũng bảo chúng ta nhiều lần: “hãy đi và làm như thế”.

Biết bao lần, chúng ta từ chối những lời van xin thống thiết của người khác khi họ cần đến chúng ta. Rất nhiều lần chúng ta né tránh những việc mà đáng lẽ ra mình phải làm để cho người khác vơi đi phần nào khó khăn. Cũng rất nhiều lần chúng ta từ chối vì nhiều lý do: không phải việc của tôi, hay tôi không có thời gian, không có khả năng. Hay một câu nói không chút tình người “đừng dại mà vướng vào”. Có phải đó là những lúc mà chúng ta sống đạo đó sao? Vậy thì lời Chúa bảo chúng ta “hãy đi và làm như thế”, chúng ta thực hành như thế nào? Không lẽ lời đó chỉ có giá trị cách đây hơn 2000 năm còn bây giờ thì không giá trị gì cho chúng ta sao? 

Nếu chúng ta biết nói một lời dịu dàng khi cần thiết, biết nở một nụ cười an ủi, biết mở rộng vòng tay để đón nhận ai cần đến, biết để cho con tim rung động trước những cảnh thương tâm và sẵn sàng hành động, thì lúc đó, Lời của Chúa “hãy đi và làm như thế”, đã thực sự được thể hiện cách hữu hiệu nơi bản thân của chúng ta .