Chúa Nhật XIV TN B (Mc 6, 1- 6)

Năm 2006 tôi có dịp ra Huế tham dự Festival Huế lần thứ tư với chủ đề 700 năm Thuận Hoá – Phú Xuân – Thừa Thiên Huế – Di sản văn hoá với hội nhập và phát triển. Ngoài những chương trình văn nghệ, múa cồng chiêng, Ban tổ chức còn dẫn người xem nhìn lại những hình ảnh văn hóa thuở xưa như lễ tế đàn Nam Giao, nhã nhạc cung đình…đặc biệt là sự tái hiện lễ hội vinh quy bái tổ : bao gồm lễ xướng danh, rước bảng vàng đề danh tiến sĩ. Tiến sĩ tân khoa sẽ được đưa về Hoàng cung dự yến, rồi cưỡi ngựa thưởng hoa, và cuối cùng là rước về làng vinh quy bái tổ  theo đúng lệ bộ, thể thức xưa. Đây là một hình ảnh nhằm cổ vũ cho các học sinh, sinh viên cố gắng học tập, trau giồi kiến thức để ngày nào đó cũng sẽ được vinh quang như thế.

Trong chúng ta cũng có một số người được tham dự lễ mở tay, lễ tạ ơn nhân dịp thụ phong Linh mục của cha này, cha kia. Chúng ta cảm nhận được sự hỉ hoan, “mát mày, mát mặt” của gia đình tân chức; sự vui mừng pha chút hãnh diện của cha mới. Vinh quy bái tổ mà ! Một ngôn sứ mới, một thợ gặt mới của Chúa được tung vào cánh đồng truyền giáo. Thế nhưng…. đọc bài Tin mừng hôm nay, chúng ta lại thấy sửng sốt khi Thầy Giêsu – Người đã làm nhiều phép lạ, đã giảng những bài rất hay được nhiều người khen ngợi – nay trở về quê hương chẳng được vinh quang, chẳng được hãnh diện mà còn bị rẻ rúng nơi quê nhà. Thật là khác thường !

Hôm nay, Thầy Giêsu về làng, trở về vùng quê bé nhỏ, nghèo nàn với một tình cảm rất đỗi tự nhiên, như người con về thăm mẹ sau những ngày bôn ba. Đến ngày Sabát, Thầy đến Hội đường để cầu nguyện và nghe đọc Thánh Kinh. Sau đó, Thầy giảng một bài cho công chúng nghe, một bài giảng thật hay khiến mọi người ngạc nhiên về sự thông thái, khôn ngoan của Thầy. Thế nhưng, một sự thật phũ phàng ! thay vì hãnh diện vì quê nghèo có một người con ưu tú, trái lại, những người đồng hương của Thầy lại xem thường rẻ rúng Thầy. Họ nghĩ rằng một người thợ mộc tầm thường thì không thể được như thế ! Con của bà Maria nghèo khó thì không thể xuất chúng như thế ! Có một cái màn che mắt họ, cái màn đó ngăn cản lòng tin của họ vào Thiên Chúa.

Hóa ra đức tin là một con đường giúp người ta gặp được Thiên Chúa. Với cái nhìn trần thế chỉ có thể thấy đối tượng vật chất : chỉ có bác thợ mộc con bà Maria. Nhưng với cái nhìn đức tin chúng ta có thể thấy đối tượng là chân lý cao cả vượt trên những gì là vật chất bình thường : bác thợ mộc ấy chính là Đấng Cứu Thế.

Xem người mà ngẫm đến ta. Lòng chúng ta cũng đôi lúc tỏ ra cứng cỏi. Quanh chúng ta, có biết bao điều lạ lùng xảy ra, biết bao bệnh tật được chữa lành, bao thiên tai được tránh khỏi, những chuyện tưởng là không thể mà lại xảy ra trong đời mình….thế mà, chúng ta lại không nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa bên ta.

Nói đến đây, tôi chợt nhớ lại một câu chuyện mà tôi được chứng kiến. Số là để làm phong phú hóa việc học hỏi và chia sẻ Lời Chúa cho mục vụ giáo lý gia đình công giáo, một Linh mục Dòng Đa Minh nọ có sáng kiến là mời một người giáo dân lên chia sẻ sau bài Phúc âm, Ngài mở đầu giới thiệu và sau cùng Ngài cũng là người đúc kết. Việc làm ấy cũng thật tốt vì về vấn đề hôn nhân gia đình, không ai cảm nhận sâu sắc cho bằng những người đã có gia đình. Thế mà sau lễ, Cha dòng nọ đã được các quý chức trong Hội Đồng Giáo Xứ góp ý : vì sao lại để giáo dân lên giảng trong thánh lễ. Thật là oan cho Cha quá ! Cha là người mở bài và đúc kết, chẳng qua phần thực tế minh chứng Cha dành cho một giáo dân (theo tôi được biết đó là một thầy giáo dạy cấp III). Cha vẫn giảng đấy thôi !  Não trạng của một số người tín hữu vẫn thấy khó chịu khi phải nghe những lời chia sẻ của những người không phải là Linh mục, họ không công nhận người khác hơn mình cho dù thực tế là hơn thật. Những người này có giống đồng hương của Chúa hơn 2000 năm trước không ?

Kết thúc bài Tin Mừng thật buồn : “Người lấy làm lạ vì họ không tin. Rồi Người đi các làng chung quanh mà giảng dạy” . Những người cùng quê đã đối xử với Thầy Giêsu như vậy đó, khiến Thầy chỉ còn cách là đi các làng lân cận để mà giảng vì ở đó họ tin và chấp nhận lời của Thầy.