CHÚA NHẬT XIV THƯỜNG NIÊN A (Mt 11,25-30)

Để giảm thần kinh căng thẳng, giảm stress, một số doanh nhân, những người lao động trí óc họ tìm đến những câu lạc bộ yoga, họ tập thiền. Hiện tại số câu lạc bộ này ngày càng nhiều trong thành phố và số người tập cũng ngày càng tăng. Thiền thường được hiểu là ngồi yên, tập hít thở, trầm tư mặc tưởng, phân tích hoặc suy nghĩ về một luận cứ, một bài thơ hoặc một bài kinh. Đôi khi nó cũng được hiểu là ngồi xuống , nhắm mắt lại và giữ cho trí óc không suy nghĩ gì cả, nhờ vậy giữ cho tâm trí được thanh thản bằng cách tránh thoát các vấn đề.

Thế nhưng một câu hỏi đặt ra : chẳng lẽ chỉ có những doanh nhân, trí thức mới bị stress, còn người lao động chân tay, buôn bán nhỏ thì không ? Thưa rằng không phải thế. Như đã nói ở trên ai cũng có cái đồng hồ sinh học, nên ai cũng đều có thể bị stress, không lọai trừ bất cứ ai.

Có dịp đi ngang qua vùng Hố Nai, Gia Kiệm, Phương Lâm vào các buổi chiều khỏang từ 17g – 18g, chúng ta lại thấy từng đòan người lớn nhỏ, già trẻ đi bộ về các nhà thờ. Họ là những người nông dân, ban ngày “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, họ là những người lao động nghèo, phải cực nhọc với công việc mưu sinh. Ấy thế mà họ đã hiểu đựợc và thực hành lời của Đức Giêsu nói trong bài Tin mừng hôm nay : “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng ta, ta sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. Các ngươi hãy mang lấy ách của Ta, và hãy học với Ta, vì Ta có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn các ngươi sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng. Vì ách Ta êm ái, và gánh Ta nhẹ nhàng” (Mt 11, 28-30).

Lời mời gọi trên đây của Đức Giêsu đã đem lại cho người tín hữu niềm an ủi, đỡ nâng, nhất là trong những lúc gặp đau khổ, thử thách. Đức Giêsu như muốn nói với chúng ta rằng Ngài đang có đó, Ngài có mặt trong từng giây phút của cuộc đời chúng ta, Ngài mang lấy tất cả những sầu đau, buồn tủi, cơ cực của chúng ta. Ngài đón nhận tất cả mọi khổ nhọc, ưu sầu, lo nghĩ của chúng ta. Và bởi vì Ngài mang lấy mọi khổ đau của con người, cho nên Ngài cũng tự đồng hóa với con người, nhất là những người nghèo khổ, bất hạnh.

Người ta kể lại rằng có một bức tượng Thập giá bằng cẩm thạch trong ngôi Thánh đường Dominus sub aquis (Chúa ở dưới nước) tại Roma. Bức tượng được đặt phía trên bàn thờ, điểm thánh thiêng của bức tượng là bất cứ ai đến quỳ trước tượng và cầu nguyện đều có cảm tưởng mình đang được chiêm ngắm một Chúa Giêsu bằng xương, bằng thịt. Và với lòng thành tâm họ sẽ nhận được sức mạnh và niềm an ủi thâm sâu. Một chi tiết khá ly kỳ về bức tượng đó là tác giả của tác phẩm này đã phải mất rất nhiều năm mới có thể hòan thành. Qua hai lần, mỗi khi treo bức tượng lên để ngắm nhìn, ông ta lại cho mang xuống và đập bỏ vì ông ta cho rằng tác phẩm vẫn chưa diễn đạt được điều ông mong muốn. Sau nhiều năm bỏ dở, ông lại bắt tay vào công trình lần thứ ba. Nhưng chính khi ông ta miệt mài chú tâm vào công việc thì cũng là lúc ông gặp nhiều thử thách. Vợ con ông qua đời trong một tình cảnh đau thương, những bạn bè ganh tỵ tìm cách hạ uy tín của ông. Người nghệ sĩ ấy chỉ biết kêu cầu Chúa, xin Ngài giúp ông vượt qua thử thách. Ai cũng nghĩ rằng ông sẽ bỏ cuộc. Trái lại, ông dồn tất cả niềm đau của mình lên tác phẩm. Chính nhờ đó mà khuôn mặt Đức Giêsu trên Thập giá không còn chỉ là một phiến đá lạnh lùng mà đã trở nên sống động trong từng chi tiết.

Trút lên Ngài gánh nặng khổ đau, người nghệ sĩ ấy đã tìm thấy sức mạnh và niềm an ủi để hòan thành tác phẩm để đời.Thế thì tại sao chúng ta không bắt chước người nghệ sĩ ấy để gửi cho Chúa những khó khăn, vất vả của đời ta ?

Thánh Augustinô nói : “Nơi đâu có tình yêu thì không có vất vả, mà nếu như có vất vả thì người ta cũng yêu cả nỗi vất vả ấy”. Chính vì tình yêu mà người cha, người mẹ không quản công, quản sức lao động quần quật cả ngày để kiếm miếng cơm mang áo cho con cái. Chính vì tình yêu mà người vợ bỏ công sức ra để tìm cách chế biến những món ăn thật ngon, thật hấp dẫn, hợp túi tiền cho cả nhà có được bữa cơm đầm ấm. Nếu khi ta làm  cho ai đó vì bắt buộc, ta sẽ thấy nặng nề, bất mãn. Còn nếu làm vì tình yêu, ta sẽ thấy nhẹ nhàng và vui vẻ biết bao.

Vâng, cái ách của Chúa chính là cái ách tình yêu. Cái gánh của Chúa là cái gánh cho đi. Vì thế cái ách êm ái của Chúa giúp ta tiến bước trên hành trình dương thế một cách dễ dàng. Cái gánh nhẹ nhàng của Chúa giúp ta vác thập giá bổn phận hàng ngày một cách thỏai mái. Người công giáo chúng ta cũng có một “câu lạc bộ thiền” hiệu quả mà không phải tốn chi phí, vào lúc nào cũng được, ra lúc nào cũng không sao. Còn chần chờ gì mà không đến với Thánh đường, đến với Chúa các bạn nhỉ ?