Mỗi dịp cuối năm chúng ta lại nhận được những thiệp hồng báo tin và mời đi dự tiệc cưới. Trong tiệc cưới, ai cũng cầu mong cô dâu, chú rể được “trăm năm hạnh phúc” “sống với nhau đến đầu bạc răng long”…Thế nhưng, trên thực tế cho thấy những điều chúc ấy ngày càng trở nên “lạc lõng” khi nạn ly hôn ngày càng tăng cao trong xã hội chúng ta.
Những nhà chuyên môn đưa ra nhiều lý do cho cuộc đổ vỡ đó, tập trung vào các nguyên nhân chính : Tiền bạc – Tình dục – Con cái – Ngọai tình – Không hòa hợp về tính cách. Nếu như thời ông bà chúng ta, khi đề cập đến việc ly dị được xem là điều cấm kỵ, vì thế, cho dù sống không hạnh phúc, đau khổ thế nhưng, các cặp vợ chồng vẫn chịu đựng lẫn nhau, phần vì con cái, phần vì sợ xã hội, họ hàng lên án. Ngày nay, quan niệm đã thay đổi, người ta không cam chịu số phận khổ đau do “người ấy” gây ra. Bạn “trăm năm” sống không hợp thì trở thành bạn “trăm ngày” là đủ.
Chuyện ly hôn không chỉ là nỗi lo của những anh chị em ngòai công giáo, nhưng nó đã trở thành hiểm họa của cả những gia đình công giáo. Những gia đình trẻ công giáo cũng đưa nhau ra tòa án chính quyền để ly dị, có đôi ra cả tòa án hôn phối để xin được gỡ bỏ phép hôn phối ! Nhiều người lên tiếng đòi Giáo Hội sửa đổi luật lệ để cho phép tín hữu được phép ly dị nhau. Điều này cũng là mối quan tâm của các Đấng bản quyền vì nó ảnh hưởng sâu đậm đến sự sống phần hồn và phần xác của các con chiên. Tuy vậy, với bài Tin mừng hôm nay, chúng ta xác tín việc ly hôn là điều mà Thiên Chúa không cho phép.
Bên cạnh chuyện ly hôn. Bài Tin mừng còn cho chúng ta nhiều bài học khác :
Đức Giêsu nói rằng : “ Luật còn dạy rằng: Ai rẫy vợ, thì phải cho vợ chứng thư ly dị. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: ngoại trừ trường hợp hôn nhân bất hợp pháp, ai rẫy vợ là đẩy vợ đến chỗ ngoại tình; và ai cưới người đàn bà bị rẫy, thì cũng phạm tội ngoại tình.” (câu 31 ) . Ở chương 19 (câu 3-9 ) Phúc âm theo Thánh Matthêu thuật lại : “Có mấy người Pha-ri-sêu đến gần Đức Giê-su để thử Người. Họ nói: “Thưa Thầy, có được phép rẫy vợ mình vì bất cứ lý do nào không? ” Người đáp: “Các ông không đọc thấy điều này sao: “Thuở ban đầu, Đấng Tạo Hoá đã làm ra con người có nam có nữ”, và Người đã phán: “Vì thế, người ta sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt.” Như vậy, họ không còn là hai, nhưng chỉ là một xương một thịt. Vậy, sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly.” Họ thưa với Người: “Thế sao ông Mô-sê lại truyền dạy cấp giấy ly dị mà rẫy vợ? ” Người bảo họ: “Vì các ông lòng chai dạ đá, nên ông Mô-sê đã cho phép các ông rẫy vợ, chứ thuở ban đầu, không có thế đâu. Tôi nói cho các ông biết: Ngoại trừ trường hợp hôn nhân bất hợp pháp, ai rẫy vợ mà cưới vợ khác là phạm tội ngoại tình.” Như thế, đã rõ. Luật Chúa phán truyền thì con người không thể thay đổi.
Trong Cựu ước, giới răn “chớ giết người” (Xh 20,13; Đnl 5,17) không có tính cách tuyệt đối. Án tử hình được chấp nhận đối với vài trọng tội (Ds 35,16-21) cũng như sự chém giết được chấp nhận khi có chiến tranh (Đnl 20,13.16). Nhưng đối với Đức Giêsu, chúng ta có thể xúc phạm tới tính mạng của người anh chị em bằng nhiều cách khác nữa: sự giận dữ, chửi rủa, mạt sát họ. Không những Ngài ngăm đe những hình phạt dành cho những xúc phạm ấy, nhưng Ngài còn muốn cho các môn đệ luôn sống trong tâm tình hòa giải với tha nhân, vì điều đó đánh giá sự thờ phượng đích thực.
Cũng trong Cựu ước, ngoài giới luật cấm ngoại tình (Xh 20,14; Đnl 5,18), đã có điều cấm ước ao lấy vợ của người hàng xóm (Xh 20,17b) cũng như cấm để mắt nhìn thiếu nữ (Hc 9,5-9). Xem ra điều mà đức Giêsu muốn nhấn mạnh ở đây là cái “lòng” (con tim). Trong phản đề trước, sự lổi phạm đến tha nhân được bộc lộ ra bên ngoài (nét mặt giận dữ, lời nguyền rủa), nhưng trong phản đề này, tội xảy ra trong thâm cung, không ai thấy được ngoại trừ mình với Chúa. Giáo huấn về con tim sẽ còn được tiếp tục trong suốt Bài giảng trên núi ; nó là chân phúc dành cho kẻ có tâm hồn trong sạch.
Cựu ước cũng cấm làm chứng gian (Xh 20,16) và nhất là cấm kêu danh Chúa để mà thề điều gian dối (Lv 19,12). Đức Giêsu đã tuyệt đối cấm thề. Xem ra có hai lý do của điều cấm: a/ phải kính trọng Thiên Chúa; b/ tôn trọng giá trị của lời nói, làm sao có sự thuần nhất giữa nội tâm và sự phát biểu ra ngoài: “có nói có, không nói không” ( 2Cr 1,17; Gc 5,12).
Lề luật, đối với dân Israel, là 10 điều răn, Ngũ Thư (5 cuốn sách đứng đầu trong danh sách Cựu ước) giải thích những huấn lệnh và lề luật của Thiên Chúa cho dân, hoặc là toàn bộ giáo huấn và cách sống Chúa trao ban cho dân Người. Vào thời Đức Giêsu, người Do Thái còn xem lề luật là những khoản luật do các luật sĩ thêm vào khi họ giải thích, ứng dụng luật đã có thời Cựu Ước. Vì thế, Đức Giêsu thường phê phán những luật lệ truyền miệng do các luật sĩ đặt ra.
Đức Giêsu đến trần gian để kiện toàn lề luật. Người tuyên bố là giữ từng chữ, từng chi tiết và không hủy bỏ một chấm phẩy nào của Lề luật. Trong thực tế, Đức Giêsu nhấn mạnh việc chu toàn theo tinh thần, chứ không phải mặt chữ của lề luật. Tinh thần của lề luật không phải là điều trái nghịch với chữ viết nhưng là cái mang lại sức sống cho chữ viết. Có thể nói rằng tinh thần và chữ viết của lề luật luôn đấu tranh với nhau để mang lại sự sống cho những ai thực sự nghiêm túc và chân chính tìm kiếm Thiên Chúa. Người tuân giữ lề luật đích thực là người luôn cố gắng, phấn đấu với sáng tạo để vượt qua cái giới hạn của lề luật nơi chữ viết hầu có thể chu toàn cũng như kiện toàn lề luật một cách tốt đẹp, một cách hữu hiệu hơn trong nhiều hoàn cảnh khác nhau.
Nếu là người kitô hữu muốn kiện toàn lề luật và sống tinh thần lề luật theo gương Đức Giêsu, chúng ta không chỉ hạn hẹp vào một số công việc hy sinh, bác ái, hoặc thoả mãn với một thực hành đã nêu trên, nhưng phải nỗ lực nhiều hơn nữa để có thể làm nhiều công việc khác nhau của hy sinh, bác ái một cách tốt đẹp hơn, một cách quảng đại và hoàn thiện hơn những gì đã làm trong năm qua. Nói một cách khác là luôn phấn đấu mỗi ngày để tiến xa hơn, để dấn thân hơn trong tương quan với Chúa và anh chị em. Quả thật, sống theo tinh thần của luật và kiện toàn lề luật không có điểm dừng, trái lại luôn phải tiến lên phía trước để càng ngày càng hoàn thiện hơn.
Ước mong chúng ta biết thốt lên như tác giả Thánh vịnh “Hạnh phúc thay ai sống đời hoàn thiện, biết noi theo luật pháp Chúa Trời…Luật pháp Ngài, lạy Chúa, con yêu chuộng dường bao, suốt ngày cứ suy đi gẫm lại!” (Tv 119, 1.97).