Chúa nhật trong tuần thứ Ba Mươi-Bốn Mùa Quanh Năm
Lễ Chúa Kitô Vua
Đn 7:13-14; Tv 93:1,1-2,5; Kh 1:5-8; Ga 18:33-37
VUA TÌNH YÊU – VUA SỰ THẬT
Năm phụng vụ mở đầu bằng mầu nhiệm Nhập thể, tiếp nối qua hành trình rao giảng Tin mừng rồi cuộc Tử nạn, Phục sinh và kết thúc bằng vương quyền viên mãn của Đức Kitô. Như vậy, năm phụng vụ tượng trưng cho chu kỳ thời gian bắt đầu từ Đức Kitô và cuối cùng trở về với Ngài. Đức Kitô chính là khởi đầu và là cùng đích của vũ trụ và lịch sử nhân loại.
Đặt lễ Chúa Kitô Vua trong Chúa nhật cuối cùng năm phụng vụ, Giáo Hội nhắc nhở rằng, Đức Kitô chính là Vua của vũ trụ, Ngài là Chủ của thời gian, Chủ của lịch sử nhân loại và là Chủ của lịch sử mỗi người chúng ta. Chúa Kitô vượt trên thời gian để mãi mãi là vị Vua vĩnh cửu.
Đây là Chúa nhật cuối cùng của năm Phụng vụ. Sau diễn từ cuối cùng quan trọng trước công chúng trong đó Đức Giêsu loan báo rằng, giữa “thời tai họa”, Người sẽ đến quy tụ toàn thể loài người để hưởng “một mùa hè tươi đẹp” Đức Giêsu đề cập đến cái chết của người và Người bước vào cuộc thương khó: Đó là phần kết và là đỉnh cao của “Tin Mừng” theo Thánh Máccô, mà chúng ta đã đọc suốt năm nay.
Chúa nhật cuối cùng này, chúng ta thay đổi thánh sử. Đây là một trang Tin Mừng của Thánh Gioan, nhưng đúng ra chúng ta vẫn ở trong cùng một mạch văn cũ, là trong cùng một kết luận. Thánh Gioan chỉ đưa ra tước hiệu là Vua trong cuộc thương khó, vừa đau khổ vừa vinh quang. Bỗng nhiên, liên tiếp ông nói về “Vua”, “Vương quyền” (Ga 18,33.36.37.39; 19,3.12.14.15.19.21) nhưng đó là một ông Vua bị đóng đinh mà vương miện của Người là những gai nhọn. Vậy thì rõ ràng là “Vương quyền” của Đức Giêsu ở trên một bình diện hoàn toàn khác với bình diện chính trị.
Chúa Giêsu là Vua vũ trụ. Ngài đã được Chúa Cha ban cho mọi quyền năng trên trời dưới đất (Mt 28,18). Nhưng Ngài đã sống như một người tôi tớ phục vụ. Trong cuộc sống trần thế, Ngài vẫn luôn ý thức về vai trò quan trọng của mình trong việc cứu độ nhân loại. Ngài biết mình là Con Thiên Chúa. Thế nhưng cả cuộc đời Ngài là một sự phục vụ không ngừng. “Vua của các dân thì lấy quyền mà thống trị họ, và những ai cầm quyền thì tự xưng là ân nhân…
Bởi lẽ, giữa người ngồi ăn với kẻ hầu bàn, ai lớn hơn ai? Hẳn là người ngồi ăn chứ gì? Thế mà Thầy đây, Thầy sống giữa anh em như một người hầu bàn” (Lc 22,25-27). Chúa Giêsu tự nhận mình là người phục vụ như một kẻ hầu bàn, chỉ mong cho thực khách được ngon miệng. Kiểu làm vua của Chúa Giêsu là phục vụ, chứ không phải là được người ta phục vụ. Ngài làm vua bằng cách cúi xuống để làm cử chỉ hầu hạ của người nô lệ: “Nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau” (Ga 13,14). Với Chúa Giêsu, cử chỉ đó là một việc làm bình thường gắn liền với quyền bính đích thực. Qua cung cách của Ngài, Chúa Giêsu đưa ra định nghĩa đúng đắn về quyền bính. Quyền bính đích thực đồng nghĩa với phục vụ và phục vụ cho đến hy sinh mạng sống.
Cử chỉ phục vụ cao cả nhất và khiêm hạ nhất của Chúa Giêsu là cái chết của Ngài trên thập giá. Cần chiêm ngưỡng vị vua bị đóng đinh thật lâu để hiểu được cách làm vua của Ngài. Trên đầu Ngài có gắn tấm bảng ghi dòng chữ: “Giêsu Nagiaret Vua dân Do Thái”, được viết bằng ba thứ tiếng: Do Thái, La Tinh, Hy Lạp, để ai cũng đọc được. Một vị vua lạ lùng! Không ngai vàng, chỉ có thập giá. Không vương miện, chỉ có vòng gai. Không cẩm bào, chỉ có trần trụi nhơ nhuốc. Không quan quân đứng hầu, chỉ có người qua kẻ lại nhiếc móc, chế nhiễu, lăng mạ. Một vị vua không có chút quyền lực, cũng chẳng áp bức ai.
Một vị vua của vâng phục và yêu thương tha thứ tất cả. Thập Giá vừa đưa Chúa Giêsu xuống vực thẳm, vừa nâng Người lên cao. Chúa Giêsu trở thành vua vũ trụ nhờ đi vào con đường thập giá, con đường tử bỏ mình để khiêm tốn phục vụ, con đường hẹp nhưng không phải là con đường cùng, mà là con đường dẫn đến vinh quang. “Khi nào Ta được đưa lên cao khỏi đất, Ta sẽ kéo mọi người lên với Ta” (Ga 12,3). Vua Giêsu hôm nay vẫn tiếp tục thu hút cả vũ trụ nhân loại với Ngài. Nước của Ngài đã được khai mạc và nước ấy vẫn lan rộng không ngừng nhờ có những người dám “đứng về phía sự thật” và “nghe được tiếng Ngài mời gọi” (Ga 18,37).
Nước của Vua Giêsu không có trên bản đồ, bởi lẽ Nước ấy “ở trong thế gian này” nhưng “không thuộc về thế gian này”. “Ở trong thế gian”, nghĩa là không xa cách, nhưng hòa quyện với thế gian như men trong bột, như muối ướp thức ăn. Nhưng “không thuộc về thế gian này”, nghĩa là không chạy theo những thần tượng của thế gian: quyền lực, tiền của, khoái lạc… Thế gian sa đọa là thế gian chống lại Nước Chúa và cũng chống lại quyền lực của con người. Thế nên, xây dựng Nước Chúa cũng là xây dựng một xã hội công bằng, bác ái, tôn trọng con người. Chúng ta cầu nguyện: “Xin cho Nước Cha trị đến”, được mọi người nhận biết. Nhưng Nước Cha chỉ thành tựu khi Chúa Giêsu Kitô được mọi người tuyên xưng là Chúa, là Đấng Cứu Độ là Vua cả hoàn vũ. Nước Cha và Nước Chúa Kitô là một. “Vào lúc tận thế, Chúa Kitô sẽ trao lại Nước cho Chúa Cha, sau khi Ngài đã hủy diệt và khuất phục quyền lực sự dữ, để cuối cùng, Thiên Chúa làm mọi sự cho mọi người” (x.1Cr 15,24-28).
Hôm nay, Giáo hội kêu mời chúng ta tôn vinh và nhìn nhận Chúa là Vua, Vua cá nhân, gia đình và xã hội. Giáo hội chọn ngày Chúa nhật sau hết của năm Phụng vụ, để tôn vinh Chúa, như chóp đỉnh của vũ trụ. Trong cả năm, chúng ta mừng các mầu nhiệm về Chúa, mừng sự toàn thắng của các thánh. Nhưng khi chúng ta ca ngợi sự toàn thắng của các Thánh là chúng ta ca ngợi sự toàn thắng của Chúa nơi các Thánh. Nên để kết thúc năm Phụng vụ, Giáo hội mời chúng ta hướng về Chúa Giêsu là trung tâm của vũ trụ, là Đấng Thánh, Đấng qui tụ vạn vật để trao lại cho Đức Chúa Cha: “Mọi sự đã nhờ Ngài mà có và không Ngài thì không gì đã thành sự” (Ga 1,3). Ngài là Vua vũ trụ.
Trước mặt Philatô, Chúa Giêsu đã xác định: “Ta là Vua”. Ngài là Vua vì Ngài là Con Thiên Chúa, Đấng tạo thành vạn vật. Ngài là Vua vì đã chiến thắng tội lỗi và ma quỉ, nhờ sự chết và sự sống lại vinh quang. Nhưng Ngài tuyên bố rõ ràng: Nước Ngài không phải ở trần gian này. Vương quyền của Ngài không dựa trên vũ khí thế lực. Vương quyền của Ngài dựa trên tình yêu. Bao nhiêu vua chúa, bao nhiêu triều đại vang bóng một thời, rồi đi vào quên lãng và điêu tàn sụp đổ. Còn Ngài, Ngài vẫn chiến thắng, vẫn hiển trị trên các tâm hồn. Không ai đòi hỏi như Ngài dám đòi hỏi, nhưng cũng không ai được yêu mến như Ngài được yêu mến. Chúa là Vua các Thánh Đồng Trinh, là Vua các Thánh Tử Đạo, là Vua mọi tâm hồn.
Đấng là Vua vinh hiển ấy, tiên tri Danien đã nhìn thấy “như Con Người đến trong đám mây trời… quyền năng vĩnh cửu” (Dan 7,13), và Gioan, cụ già trên đảo Patmos đã được thị kiến: “Đấng là Alpha và Ômêga là nguyên thủy, là cùng tận, Đấng đang có, đã có và sẽ đến. Đấng là Thiên Chúa” (Kh 1,8). “Ngài làm cho chúng ta thành một vương quốc tư tế, để phụng sự Đức Chúa Cha, là Thiên Chúa và Cha của Ngài”.
Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi
Vậy thì vương quyền của Chúa Kitô Vua hệ tại điều gì? Đó là quy tụ lại để cùng lắng nghe “một giọng nói” tất cả những ai thuộc về sự thật”. Người “trị vì” nhờ Đức tin mà chúng ta dâng cho Người, nhờ thái độ tín thác mà chúng ta đặt vào Lời của Người, nhờ nếp sống hằng ngày của chúng ta luôn phù hợp với “Tiếng nói của Người. Không ai có thể thoát khỏi “Vương quyền” này.
Là con người, chúng ta phải chọn lựa thái độ theo hay chống lại “Sự thật”. Làm vinh danh Chúa Kitô Vua, không phải là đốt hương trầm cho Người, không phải là tổ chức những lễ long trọng mừng Người, giống như những danh vọng hư ảo của các Vua Chúa trần gian. Nhưng chính là lắng nghe tiếng nói của Người, và làm sao cho cuộc sống cá nhân, gia đình, nghề nghiệp và xã hội hoàn toàn phù hợp với “Tiếng nói đó”.
Lm Anton Tuệ Mẫn CSsR