Chúa Nhật thứ XXV – TN : KHIÊM NHƯỜNG PHỤC VỤ

Chúa Nhật thứ Hai Mươi-Năm Mùa Quanh Năm

Kn 2:12,17-20; Tv 54:3-4,5,6-8; Gc 3:164; Mc 9:30-37

KHIÊM NHƯỜNG PHỤC VỤ

 

Ở đời này, ai ai cũng có cao vọng làm lớn, muốn có uy quyền, có tiền… điều đó không sai trái, nhưng chúng ta có được những thứ đó không phải bằng những hành vi giang hồ mà bằng nỗ lực chân chính của mình. Và khi ta có chúng, chúng ta sử dụng chúng đúng với mục tiêu xứng hợp với nhân phẩm của mình, đúng với luật tự nhiên và luật Chúa. Đừng vì chúng mà tranh cãi nhau, xâu xé nhau, đối xử với nhau một cách bất công và tàn nhẫn.

Chúa Giêsu không hủy bỏ cao vọng của con người nhưng khẳng định rằng cao vọng không phải là thống trị, đàn áp người khác nhưng là hạ mình phục vụ Chúa và tha nhân. Cho nên, trong bài đọc 2, Thánh Giacôbê dạy: “Đức khôn ngoan Chúa ban làm cho con người trở nên trước là thanh khiết, sau là hiếu hoà, khoan dung, mềm dẻo, đầy từ bi và sinh nhiều hoa thơm trái tốt, không thiên vị, cũng chẳng giả hình” (Gc 3,16-17).

Tin Mừng thuật lại các môn đệ của Chúa Giêsu cãi nhau chí chóe vì tranh dành địa vị, quyền lợi và muốn làm lớn đến nỗi chẳng màn chi đến lời mời gọi của Chúa Giêsu: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo. Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi và vì Tin Mừng, thì sẽ cứu được mạng sống ấy. Vì được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống, thì người ta nào có lợi gì?” (Mc 8,34-36).

Con đường thập giá đó chính là khiêm nhường phục vụ trong yêu thương, quên mình, coi mình không là gì hết. Chân Phước Mẹ Têrêxa Calculta làm nhiều điều đến nỗi cả thế giới nghiên mình kính phục ấy thế mà Mẹ chỉ coi mình là cây bút chì nhỏ bé, tức là loại cây bút các em, hay các ông thợ mộc dùng hết còn có chút chun, bỏ đi cũng chẳng tiếc!

Chính Chúa Giêsu là Ngôi Hai Thiên Chúa, là Chúa đã khiêm tốn tự hạ mình trước. Là Thiên Chúa, nhưng Người đã tự nguyện trở nên người phàm. Là Đấng cầm quyền, nhưng Người đã tự nguyện vâng lời. Là thầy nhưng Người đã tự nguyện phục vụ môn đệ. Là người lãnh đạo, nhưng Đức Giêsu không đòi hỏi đặc quyền đặc lợi, trái lại Người sẵn sàng hiến mạng sống để cứu chuộc nhân loại. Vì vậy, “Người để lại mẫu gương cho chúng ta dõi bước theo, vì Người không hề phạm tội, chẳng ai thấy miệng Người nói một lời gian dối. Bị nguyền rủa Người không nguyền rủa lại, chịu đau khổ mà không hề ngăm đe, nhưng một bề phó thác cho Đấng xét xử công minh” (1Pr 2,21-23).

Chúa Giêsu hôm nay dạy người lớn nhất, người đứng đầu không phải là người dùng quyền để lãnh đạo chỉ huy từ trên cao, nhưng là người đến trước mọi người và về sau mọi người, để phục vụ. Vì thế, khi phục vụ vô vị lợi, tôi được thực sự lớn lên trước mặt Thiên Chúa, trước mặt anh em. Thế giới hôm nay rất cần những người muốn đứng đầu theo kiểu Đức Giêsu, nghĩa là trong phục vụ khiêm hạ. Cho nên, trong Thư Mục Vụ gửi cộng đồng dân Chúa năm Tân Phúc Âm Hóa Đời Sống Các Giáo Xứ và Các Cộng Đoàn Sống Đời Thánh Hiến, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam mời gọi mọi thành phần trong giáo xứ hay cộng đoàn “Hãy luôn luôn hiệp thông với nhau. Sự hiệp thông trong cộng đoàn được thể hiện qua sự tôn trọng, cộng tác và chia sẻ.

Thật vậy, trên nền tảng bí tích Rửa Tội, mọi tín hữu đều bình đẳng với nhau về phẩm giá, cho nên phải tôn trọng lẫn nhau, tránh mọi hình thức phân biệt đối xử. Đồng thời phải cộng tác và chia sẻ với nhau để cùng xây dựng ngôi nhà chung là giáo xứ và thi hành sứ mạng chung là loan báo Tin Mừng cho muôn dân. Các thành viên Hội đồng Giáo xứ là những cộng sự viên gần gũi của các linh mục trong việc điều hành giáo xứ, vì thế các vị cần hiểu biết về trách nhiệm và quyền hạn của mình, và cộng tác với các linh mục trong tinh thần phục vụ để mang lại kết quả tốt đẹp nhất cho giáo xứ. Tình hiệp thông đó còn được mở rộng ra bên ngoài qua việc cộng tác với mọi người thiện chí để thực hiện những việc đem lại phúc lợi chung”.

Khuynh hướng con người luôn muốn vinh thân phì gia, quyền cao chức trọng. Các Tông đồ khi ấy cũng chưa thoát khỏi cái bả vinh hoa phù phiếm. Chỉ muốn lo cho thân phận, phục vụ bản thân, mới tranh giành nhau cái ghế lãnh đạo.”Khi về tới nhà, Đức Giêsu hỏi các ông: “Dọc đường, anh em đã bàn tán điều gì vậy?” Các ông làm thinh, vì khi đi đường, các ông đã cãi nhau xem ai là người lớn hơn cả. (Mc 9, 33-34)

Trong gia đình và xã hội, đều có những địa vị cụ thể do Thiên Chúa an bài, sắp đặt. Ngài đã chuyển giao cho mỗi người một hay nhiều địa vị tùy nơi, tùy lúc và tùy hoàn cảnh. Khi bà vợ ông Giêbêđê, thân mẫu hai ông Giacôbê và Gioan đến cầu cạnh cho hai con mình, được đứng bên tả và đứng bên hữu, Đức Giêsu thẳng tay lắc đầu từ chối, vì đó là quyền năng Thiên Chúa ấn định, ban cho mỗi người.(Mt 20, 20-23)Nếu cứlàm tròn bổn phận và trách nhiệm, thì địa vị nào cũng đều xứng đáng, quý hóa và trân trọng.

Chu toàn bổn phận, chính là sống theo Thánh Ý Chúa trong phút giây hiện tại. (Đường Hy Vọng, số 17) Bởi vì địa vị do chính Thiên Chúa trao ban, nên chấp nhận và chu đáo bổn phận, cũng chính là phục tùng, làm theo ý muốn của Ngài. “Chỉ những ai thi hành ý muốn của Cha Thầy, là Đấng ngự trên trời, mới được vào (Nước Trời) mà thôi.” (Mt 7, 21).

Như thế, đối với Thiên Chúa, chẳng có địa vị nào cao hay thấp, sang hèn, mà chỉ có bổn phận chu đáo hay bất toàn mà thôi. Chỉ có hai thái độ hoàn toàn đối nghịch, một là khả ái “Xin Vâng” như Mẹ Maria, hai là bất hiếu, kiêu ngạo theo Satan. Người có địa vị cao mà ngạo nghễ thì sẽ bị Chúa hạ xuống. Người có địa vị thấp mà chấp nhận, khiêm hạ thì lại được nâng lên. “Chúa giơ tay biểu dương sức mạnh, đập tan phường lòng trí kiêu căng. Chúa hạ bệ những ai quyền thế, Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường.” 

Ước gì, Lời Chúa dạy cung cách sống làm người và làm con Chúa hôm nay, xin cho chúng ta biết quyết tâm sống phục vụ Chúa và tha nhân hết tình, hết mình trong khiêm tốn. Đồng thời biết nhìn ra và dứt bỏ tội ganh ghét, tự cao tự đại để luôn thanh thản, bình an và chan hòa sống với mọi người. 

Lm Anton Tuệ Mẫn CSsR