Truyện Tây Du ký là một tiểu thuyết rất hấp dẫn, không những cho các trẻ em mà còn cho mọi người không phân biệt trình độ văn hóa, nhận thức, tôn giáo. Người ta nói rằng: nhiều người mê chuyện Tây Du ký không phải vì chuyện đánh đấm, vì quyền phép của Tề Thiên mà thôi; cái chính là ở chỗ chuyện Tây Du ký đem lại sự kích thích tính tò mò hiếu kỳ của con người. Đó là chuyện trên ở trời. Nhân loại vì tò mò, vì không ai biết trên trời ra sao, có gì trên đó, và cõi trời ở đâu, vì chưa có ai lên đó kể lại, cho nên khi đọc hoặc xem Tây Du Ký người ta hình dung ít nhiều cái cõi mà người ta không thấy, không biết. Hôm nay, Giáo Hội mừng lễ Chúa lên trời, Hội thánh mừng lễ này không phải để thỏa mãn tính tò mò của con người; cái chính Hội thánh muốn nói ở đây là một sự thật về cõi trời, sự thật ấy do chính Người từ trên trời xuống nói cho con người, và nhất là hôm nay, Người về trời trước dọn chỗ cho con người, để mai sau con người chúng ta cùng được lên đó với Người.
Thiên đàng là gì, ở đâu và ra sao? Có phải thiên đàng là giấc mơ của tuổi thơ? Hay thiên đàng là thế giới đại đồng của Max ? Hay thiên đàng là cõi trời của Tây Du Ký?
Cõi trời hay thiên đàng của Tây Du Ký, thực ra không khác gì ở trần gian, vì nơi đó còn đầy gian tham, hối lộ, còn đầy cái ác trên đó…Thực ra cõi trời của Tây Du Ký, theo Ngô Thừa Ân, đó chỉ là hiện thân của cõi lòng con người còn đầy nhục dục, tham lam, và cõi lòng đó luôn khao khát muốn thóat ra cái không tốt đó để hướng đến cái thiện. Tóm lại cõi trời đó chính là cái tâm của con người. Một cái tâm luôn hướng thiện : “nhân chi sơ tính bản thiện”.
Bây giờ ta lại nói đến cõi trời hay thiên đàng của trẻ thơ: thiên đàng của trẻ thơ thực ra chỉ là giấc mơ, nghĩa là không có thật; vì khi lớn lên chúng ta mới hiểu, giấc mơ đó đẹp lắm, nhưng vì là giấc mơ, nên nó không phải là thực tại, không phải là sự thật. Nào là bà tiên, ông bụt, công chúa, hoàng tử, phù thủy…Thiên đàng của trẻ thơ nhằm giúp cho các bé có cái nhìn đúng về tốt và xấu, thiện và ác.
Theo triết lý của Max, ông ta mơ ước thiết lập cho người một thiên đàng thật lý tưởng, một thế giới đại đồng ở đó không có cảnh người bóc lột người, ở đó mọi của cải là của chung, và người ta làm theo năng suất, nhưng lại hưởng theo nhu cầu. Thế giới đại đồng này đẹp quá, lý tưởng quá, nhưng chẳng bao giờ nhân loại đi tới đó !
Sau cùng, chúng ta nói đến thiên đàng của Đức Giêsu đã mặc khải. Dĩ nhiên đây là sự thật chính Chúa nói cho chúng ta biết, cũng vì chính Chúa đã từ trời mà xuống, nói lại cho nhân loại hiểu. “Nếu tôi nói với các ông về những chuyện dưới đất mà các ông còn không tin, thì giả như tôi nói với các ông về những chuyện trên trời, làm sao các ông tin được ? Không ai đã lên trời, ngoại trừ Con Người, Đấng từ trời xuống”. (Ga 3, 12-13) Cũng chính Đức Giêsu đã sẵn sàng chết để minh chứng cho lời nói của Người là sự thật. Sau này, qua lịch sử của Hội thánh, các thánh hàng hàng lớp lớp đã đứng lên làm chứng cho Người về sự thật này… Thiên Đàng ở chốn nào ? Có lẽ chúng ta chưa được mặc khải chính xác vị trí của Thiên Đàng, nhưng chúng ta biết rằng qua trình thuật về cuộc phán xét chung thì Thiên Đàng là nơi chúng ta có được sự sống đời đời (Mt 25, 31-46). Sự sống muôn đời đó con người đã được Thiên Chúa thông ban cho nguyên tổ, thế nhưng hai ông bà đã phạm tội và Thiên Chúa đã cất mất đặc ân đó. Nay, Đức Giêsu đã dùng máu đào của Ngài để cứu chuộc và ban trở lại cho con người sự sống vĩnh cửu ấy. Thiên Chúa là nguồn hạnh phúc, được sống đời đời bên nguồn hạnh phúc ấy chẳng phải là điều quá tốt sao ?
Hôm nay, mừng lễ Chúa lên trời xin quý vị cùng lần hạt chục thứ hai mùa mừng : Đức Giêsu lên trời, ta hãy xin được ái mộ những sự trên trời.