CHÚA NHẬT LỄ LÁ (Mt 27, 11-54)

Danh họa Rembrandt người Hòa Lan, sống vào thế kỷ thứ 17, đã để lại cho hậu thế một bức tranh nổi tiếng có tên “ Ba cây thập tự”. Khi chiêm ngắm tác phẩm, ai cũng bị thu hút vào trung điểm của bức tranh : giữa hai cây thập giá của hai người bất lương là thập giá của Đức Giêsu nổi bật một cách ngạo nghễ.

Dưới chân cây thập giá là cả một đám đông, ngòai Mẹ Maria, Gioan tông đồ và một vài phụ nữ theo Chúa, còn lại là những gương mặt bậm trợn, dữ dằn, căm thù, đằng đằng sát khí, tác giả như muốn nói rằng tất cả họ đều có dính líu vào việc đóng đinh Chúa. Khi người ta nhìn kỹ vào cái đám đông dữ dội ấy người ta thấy được một gương mặt quen quen, đó chính là gương mặt của tác giả bức tranh : họa sĩ Rembrandt.

Nhà danh họa cho chúng ta một cái nhìn rất đúng đắn : không một ai trong chúng ta vô tội trước cái chết của Con Thiên Chúa !

Không chỉ hôm nay mà mỗi lần tham dự Thánh lễ Chúa nhật lễ Lá nhìn một số người chung quanh trong khi Linh mục đang đọc bài Tin Mừng , tôi có cảm tưởng họ rất khó chịu và mệt mỏi vì phải đứng nghe một đọan sách quá dài…có người ngáp vặt, có người thay đổi thế đứng liên tục, có người thì ngồi luôn xuống ghế vì không đứng nổi…Họ dường như không “ dính líu vào việc đóng đinh Chúa”, dường như họ không muốn hiểu xem bài Phúc âm đang nói gì với họ !.

Như danh họa Rembrandt, chúng ta hãy thử nhận ra chân tướng của mỗi người trong chúng ta trong vụ án Chúa Giêsu.

Chúng ta có thể là …Giuda, người môn đệ bán Thầy chỉ với 30 đồng. Có một vài nhà giải thích Kinh Thánh cho rằng : sở dĩ Giuda bán Chúa vì ông ta nghĩ rằng Chúa sẽ thóat khỏi những kẻ dữ ấy bằng quyền năng của mình như đã từng vượt qua đám đông muốn đẩy Ngài xuống vực thẳm; nếu Chúa làm như thế Giuda sẽ ẵm không 30 đồng thật ngon lành !!! Giuda là thủ quỹ nên máu me kinh doanh luôn hiện diện trong tim ông ta. Giải thích như thế xem ra tội của Giuda cũng nhẹ đi một chút và có lẽ cũng thích hợp hơn xem Giuda là một tên ác ôn, bán thầy vì oán thù, ghen ghét và vì tiền (vì 30 đồng thời ấy chẳng có lớn lao gì). Ngày hôm nay đây, chúng ta cũng thấy đây đó những gương xấu, gương mù về việc “kinh doanh” trong tôn giáo : một ngôi nhà thờ đang xây, ai đóng góp số tiền đủ để xây 1 cái cột thì được ghi tên vào danh sách đại ân nhân, được đọc tên trong ngày lễ khánh thành, được bằng khen của Đức Giáo Hòang….một chức vụ trong Hội đồng mục vụ của Giáo Xứ.  Ở một số xứ đạo khi chọn các ông chánh, ông trùm thường ngắm đến những người có khả năng về tài chánh để bầu vào hơn là xem xét về năng lực và phẩm chất đạo đức của ứng viên. Tin mừng của Chúa cho chúng ta bài học gì : việc tay phải làm đừng cho tay trái biết. Thế thì, chúng ta cũng ít nhiều giống Giuda rồi đó !

Chúng ta có thể là …các môn đệ bỏ Thầy mà trốn đi hết, khi gặp cơn gian nan khốn khó, vội vàng buông xuôi bỏ cuộc, đánh mất niềm tin. Trong những ngày tháng sau khi hòa bình thống nhất, có khá nhiều người vì cớ này cớ nọ không dám tuyên xưng mình và người Kitô hữu, vì kế sinh nhai họ bỏ luôn cả nhà thờ không đi lễ ngày Chúa nhật. Ngày hôm nay, các bạn trẻ sinh viên học sinh trong những ngày Chúa nhật cũng thường bỏ lễ Chúa nhật để tham gia vào các cuộc vui chơi, tham quan, picnic mà không một chút áy náy trong lòng. Chúng ta trách cứ các môn đệ hèn nhát, bỏ Chúa khi Ngài bị bắt bớ, giam cầm, tra tấn còn chúng ta…, chúng ta cũng đã biết bao lần bỏ Chúa mà đi theo lợi lộc, địa vị , tiền bạc, thú vui trần gian !!!

Chúng ta có thể là … Philatô, làm ngơ cho công lý bị chà đạp, phớt lờ trước nỗi oan ức của người dân. Chủ nghĩa “MACKENO” (mặc kệ nó) đâu đó đã len vào trong cõi lòng của chúng ta. Một người đói rách ăn xin ngòai đường, người qua lại cho người ấy vài đồng bạc cắc, lại nữa một người tàn phế lê chiếc xe lăn suốt ngang cùng ngỏ hẻm bên cạnh là cái cassette mở thật to những bài giảng kinh của nhà chùa…vào cuối buổi chiều, cũng chính những con người đó đang trốn vào một góc khuất để đếm số tiền thu hoạch được trong ngày, họ mỉm cười bên ly bia hơi và một dĩa mồi vì mình đã đóng kích lừa được thiên hạ. Ăn xin đã trở thành một cái nghề, mà theo một tờ báo thì có hẳn một làng ở miền trung rủ nhau vào thành phố để đi ăn xin rồi gửi tiền về cho gia đình ở quê sinh sống ! Chứng kiến những cảnh tượng đó, một số người trong chúng ta không còn thấy mình xao động trước nỗi khổ của những kẻ bất hạnh, bởi vì không biết sự khó nghèo đó thực hay giả ? Và cứ như thế trái tim mỗi người chúng ta dần dần dà bị phủ bên ngòai một lớp băng trước nỗi bất hạnh của anh em mà lỗi đôi khi… không phải ở chính chúng ta ! Còn nếu chúng ta biết rõ mười mươi sự đau khổ của anh em, đang khi mình có khả năng giúp đỡ mà không giúp thì chúng ta chính là bản sao của Philatô !

Chúng ta có thể là … đám đông gào thét đòi lên án Chúa. Mỗi dịp thứ sáu tuần Thánh, tôi được nghe lại bài Passio, đến đoạn ca đòan hát câu chung : “Đem đi, đem đi đóng đanh nó vào thập giá” mà lòng tôi xuyến xao, tự trách mình đã bao lần lên án tử cho Chúa khi lên án anh em, chỉ trích, phê bình anh em một cách quá khắt khe. Sống trong cộng đòan Giáo xứ, trong tập thể của một hội đòan, dễ mấy ai thóat được lỗi lầm trong sinh họat, trong công việc chung bởi vì “nhân vô thập tòan” mà !Vì thế, xây dựng, sửa lỗi cho nhau là điều cần có để cộng đòan, tập thể ngày càng tốt hơn. Nhưng nên nhớ người ta đã xem việc sửa lỗi cho nhau là một… nghệ thuật ! Sửa lỗi như thế nào để người bị lỗi nhận ra lỗi của mình, không óan giận, không bực tức, không ê mặt. Vì là một nghệ thuật nên phải học hỏi thì mới có thể thấu hiểu và áp dụng được.

Những khuôn mặt của Giuda, của các môn đệ, của Philatô, của đám đông chống đối cách đây gần 2000 năm giờ vẫn còn loáng thóang ẩn hiện đâu đó trong chúng ta khi chúng ta đối xử tệ bạc với anh em, khi chúng ta lên án anh em, khi chúng ta thông qua việc nhà Chúa để làm vinh danh ta hơn là vinh danh Chúa.

Lạy Chúa xin tha thứ cho chúng con.