Winston Churchill, Thủ Tướng nước Anh, sau một lần diễn thuyết có cả chục ngàn người tham dự, một người bạn thân hồ hởi đến bên ông và nói: này Thủ Tướng, ông có sung sướng vì cả mười ngàn người hoan hô trong cuộc diễn thuyết này không? W. Churchill bình tỉnh trả lời: “không, tôi không vui sướng vì chuyện đó đâu, vì khi tôi bị treo cổ, sẽ có cả trăm ngàn người đến coi tôi mà chê bai đả đảo…”
Cùng với ý tưởng đó, có một sự kiện cách đây hơn 2000 năm đã xảy ra. Một cuộc kiệu vinh quang vào thành Giêrusalem của một Con Người. Và cuộc thương khó đầy khổ nhục cũng của chính con người đó. Đó chính là Đức Giêsu Kitô, vị Thầy Chí Thánh. Hai khung cảnh hoàn toàn trái ngược nhau… Cũng là tung hô, vạn tuế rồi sau đó là đả đảo, là đem đi đóng đanh vào thập giá ! Vậy đâu là ý nghĩa mà Hội Thánh muốn ta tìm hiểu trong ngày lễ Lá hôm nay ?
Đức Giêsu trong ngày lễ Lá được đón rước long trọng chừng nào, thì ngày thứ Sáu Thánh, lại có nhiều người đả đảo chừng ấy. Người ta thường nói: Tổng thống nước nào được đón rước long trọng, thì đến khi bị hạ bệ, ông sẽ có nhiều người đả đảo hơn nữa… Đức Giêsu hôm nay xuất hiện như một vị vua mới được phong vương trở về, một vị vua hiền hậu và khiêm tốn “ngồi trên lưng lừa”. Dân chúng thì hết lòng tung hô và tán tụng. Họ đã “trải áo xuống đường, chặt cành cây trải lối đi”, miệng thì không ngớt lời hò la “ Hoan hô con vua Đavit, chúc tụng Đấng nhân danh Chúa mà đến, hoan hô trên các tầng trời”. Còn Đức Giêsu của ngày thứ sáu Tuần Thánh. Ngài xuất hiện trong hình dạng “không còn hình tượng người ta nữa”, bị đánh đòn, xỉ vả và nhục mạ. Dân chúng thì hò hét đòi “đóng đinh nó vào thập giá”.
Điều gì đã là cho mọi sự thay đổi như thế khi cũng chính là Đức Giêsu đó và cũng chính là đám đông dân chúng đó? Tại sao lại thế? Ai đã thay đổi?
Đức Giêsu vẫn là một, hôm qua cũng như hôm nay và như vậy đến muôn đời. Ngài vẫn là vị Vua nhân ái, hiền từ và khiêm hạ. Ngài biết rõ sứ mạng của Ngài khi đến trần gian là để cứu chuộc con người. Ngài tự nguyện chịu chết để cho con người được sống và Ngài đã làm người để cho con người được làm con Chúa.
Còn dân chúng thì một dạ mà hai lòng. Họ chạy theo lợi lộc thấp hèn. Khi thấy Đức Giêsu không chiều theo sở thích của họ và không làm theo những gì họ mong muốn, hay khi thấy Đức Giêsu có vẻ yếu thế trước mặt các nhà lãnh đạo Do thái, họ liền trở mặt lại với Ngài, chối bỏ Ngài và muốn loại trừ Ngài. Hơn nữa, Đức Giêsu là người luôn nói lên sự thật, những sự thật xem ra quá “đụng chạm” đến tự ái của họ, đụng chạm đến quyền lợi của họ . . . nên họ phát điên lên trong lòng.
Dù mâu thuẫn giữa Đức Giêsu và các nhà lãnh đạo Do Thái và dân chúng đã lên đến đỉnh điểm, nhưng việc Đức Giêsu đi vào cuộc tử nạn là do sự tự nguyện của Ngài chứ không phải có ai làm gì được Ngài. Nói cách khác, dù cho các nhà lãnh đạo hay dân chúng có giận Đức Giêsu đến sôi gan tím ruột nhưng không ai có thể làm gì được Ngài, nhưng việc Ngài chịu nạn chịu chết là do tự ý Ngài muốn và vì đó là Thánh ý của Chúa Cha nên Ngài muốn chu toàn cho đến cùng mà thôi.
Như vậy, Đức Giêsu đi vào cuộc tử nạn, chịu thương tích là vì chúng ta đó. Chúng ta có suy nghĩ gì khi Ngài nói với chúng ta: “ Những thương tích này là vì con đó!” Chúng ta có thật sự hoán cải và trở thành chứng nhân cho tình yêu của Thiên Chúa khi chúng ta nhận ra điều đó không? Hay chúng ta còn giữ trong mình thái độ của dân chúng ngày xưa, chạy theo những lợi lộc thấp hèn để phản đối Chúa và đòi đóng đinh Chúa của chúng ta?
Xin đừng làm cho những vết thương nơi thân thể Chúa tiếp tục bị chảy máu nữa. Xin đừng tiếp tục đóng đinh Ngài nữa!