CHÚA NHẬT LỄ CHÚA HIỂN DUNG (Mt 17, 1-9)

Qua bài Tin Mừng hôm nay với cuộc biến hình trên núi Tabor, Đức Giêsu đã xếp đặt để chuẩn bị cho cuộc khổ nạn trên đồi Calvê. Ngài muốn tạo cho các môn đệ một tâm lý sẵn sàng để đón nhận chén đắng mà sau này thầy trò cùng phải uống. Như người ta bao bọc viên thuốc đắng bằng một lớp bọc đường để cho bệnh nhân nhất là trẻ em dễ uống thế nào, thì Đức Giêsu một cách nào đó cũng hóa giải tin khổ nạn bằng cuộc biến hình rực rỡ.

Thế nhưng, Thầy Giêsu hơi thất vọng vì những phản ứng của các môn đệ : “Lạy Thầy chúng con ở đây thì tốt lắm, chúng con xin dựng ba lều, một cho thầy, một cho Môsê và một cho Elia”. Các môn đệ đang muốn đăng ký thường trú trên núi Tabor để được chiêm ngắm hào quang rực rỡ của thầy, để được “ăn theo” vinh quang của thầy. Họ sẵn lòng bỏ mặc các bạn đồng môn dưới chân núi, bỏ lại sứ mạng rao truyền mà thầy đã sai đi. Các ông ấy đâu biết rằng thầy mình chỉ lên đỉnh Tabor trong chốc lát, rồi sau đó sẽ xuống núi vác thập giá lên đồi Calvê.Theo thầy không phải là lên cao hưởng thụ, nhưng là xuống thấp để cùng vác thập tự với thầy.

Hôm nay, Giáo Hội mời gọi chúng ta sống kinh nghiệm của ba môn đệ về một thị kiến thầy Giêsu trên núi cao với khuôn mặt và y phục chói lọi, với hai bậc thánh nhân ở hai bên tả hữu. Tất cả đầy ánh sáng. Bên cạnh đó, Giáo Hội cũng mời gọi các tín hữu nhìn về núi Sọ với thầy Giêsu không có y phục, bị treo trên thập giá đẫm máu, với hai tên trộm cướp hai bên. Tất cả đầy u ám trong buổi trưa ngày thứ sáu tuần thánh. Hai hình ảnh đối lập nhưng cùng một thầy Giêsu. Và thầy Giêsu đã dạy chúng ta một bài học là phải vượt qua đau khổ để đến vinh quang, vượt qua bóng tối để tìm thấy ánh sáng. “Con đường Chúa đã đi qua” luôn là con đường hẹp, con đường của thập giá, của hy sinh và hãm mình, là con đường mà mỗi tín hữu phải cố gắng bước theo cả cuộc đời mình.

Chắc hẳn trong chúng ta ít nhiều cũng biết đến câu chuyện thú vị về bức tranh Bữa Tiệc Ly (Last Supper) của danh họa Leonard De Vinci. Bức họa được vẽ lên trần nhà phòng ăn của một dòng tu ở Milan (Ý) trong ba năm từ 1495 – 1498. Chuyện thuật lại rằng, khi Vinci đã nhận vẽ bức tranh Tiệc Ly với nhà dòng, ông ta mới đi rong ruổi ngoài đường phố hòng kiếm cho ra một người mẫu để họa chân dung Đức Giêsu. Yêu cầu đặt ra là phải toát lên được nét thanh cao, thánh thiện, nhân từ và hiền hoà nhưng ẩn chứa một sự cương nghị, nghiêm trang; với những yêu cầu như thế thì thật là khó cho hoạ sĩ kiếm tìm, sau một thời gian rong ruổi khắp nơi, cuối cùng ông ta cũng tìm đựơc một anh thanh niên con nhà quý tộc, có học thức để làm người mẫu vẽ Đức Giêsu. Sau khi vẽ Chúa xong, ông ta đi tìm một số người khác để họa hình các môn đệ. Ròng rã hơn hai năm trời, bức họa đã gần hoàn chỉnh, chỉ còn thiếu một gương mặt mà Vinci kiếm chưa ra, đó là gương mặt Giuda, kẻ phản bội. Lại một lần nữa, người họa sĩ tài ba phải rong ruổi khắp nơi để kiếm tìm, nhưng lần này nơi ông đến không phải là những chốn sang trọng, những dòng tu mà là những chỗ tụ tập của những kẻ xấu : gầm cầu, xó chợ, thậm chí cả nhà lao…Sau một thời gian kiếm tìm nhưng vô vọng, ông chán nản lê gót chân qua một xóm lao động nghèo, chợt bắt gặp một tên anh chị có gương mặt mà theo ông phản ánh được nét xấu của Giuda. Cái nét mặt mà ông cần tìm phải là một gương mặt gian ác, xảo quyệt nhưng vẫn ẩn hiện một nét đạo đức ngầm dấu bên trong. Thế là không bỏ qua cơ hội, hoạ sĩ đã tiếp xúc với anh ta và đưa ra lời đề nghị; anh thanh niên nghe xong thì bật khóc, hai hàng nước mắt ướt đẫm “gương mặt của Giuda”. Vinci hỏi vì sao anh khóc. Người ấy trả lời vì tôi chính là người cách đây ba năm ông đã chọn để vẽ chân dung Chúa Giêsu !!!

Trên thực tế người Kitô hữu đã biến đổi hình dạng như thế nào ? Vâng, đôi khi mỗi người trong chúng ta cũng biến hình, biến đổi nhưng chúng ta không biến mình thành tốt hơn, thánh thiện hơn mà trái lại chúng ta biến mình trở thành xấu hơn, gian ác hơn như câu chuyện kể trên. Câu hỏi đặt ra cho mỗi người là : cùng với sự biến đổi không ngừng của vạn vật, tôi cũng đang biến đổi, nhưng tôi đang biến đổi nên tốt hơn hay xấu hơn ? Chúng ta hãy thành thật trả lời và tự có quyết định về hành động mình sẽ phải thực hiện để ngày một trở nên tốt hơn.