CHÚA NHẬT LỄ CHÚA BA NGÔI (Ga 3,16-18)

Ngày 20-6-1980, chị Brown, một người mẹ trẻ vừa từ trần vì chứng bệnh ung thư khi mới 25 tuổi. Các bác sĩ đề nghị chữa trị bằng quang tuyến, nhưng vì chị muốn cho bào thai đang mang trong bụng không bị nhiễm chất phóng xạ nên chị từ chối, thà chết còn hơn để cho bác sĩ chữa trị ung thư bằng quang tuyến.

Cuối cùng, chỉ 5 giờ trước khi chết, chị đã sinh được một cháu trai mạnh khoẻ, kháu khỉnh. Bản tin của hãng AP nói rằng: “Vào mấy ngày cuối cùng của cuộc đời, chị Brown biết mình bị tử thần đánh bại, nhưng chị vẫn tin tưởng thế nào chị cũng thành công và sinh được một đứa con không bị nhiễm phóng xạ”

Bác sĩ Ronald Lapin gọi cái chết của chị Brown là “Cái chết của tình mẫu tử, dám hy sinh mạng sống cho đứa con chưa một lần thấy mặt”.

Qua đau khổ và cái chết nhục nhã trên Thập giá, Chúa Giêsu đã sinh chúng ta lại trong máu của Ngài. Chính qua cái chết đau thương Ngài đã đem lại ơn cứu độ, ơn sự sống mới. Thập giá chính là minh chứng của hiến thân, của tình yêu vô vị lợi. Không có hy sinh, từ bỏ, thậm chí hiến dâng mạng sống thì không có yêu thương trọn vẹn . Chính vì thế với bài Tin Mừng hôm nay chúng ta  thấy Thánh Gioan đã ghi lại một câu tuyệt vời của Đức Giêsu : “ Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi ban Con Một” (câu 16 )

Thiên Chúa là tình yêu. Tình yêu thì phải có đối tượng. Thiên Chúa không đơn độc, nhưng là có Ngôi Vị. Ngôi Vị chính là trao ban. Cha hướng về Con, Con hướng về Cha, Cha và Con cùng nhìn về Thánh Thần.

Mầu nhiệm Một Chúa – Ba Ngôi là mầu nhiệm căn bản trong đời sống đạo công giáo, một tín điều mà chúng ta tuyên xưng mỗi ngày khi làm dấu thánh giá, hay đọc kinh Sáng Danh, Tin Kính. Thế nhưng, bây giờ chúng ta thử nhìn lại xem: chúng ta đã tuyên xưng tín điều này trong đời sống của mình như thế nào? Nói khác đi là chúng ta có để cho tín điều ấy hướng dẫn và làm cho cuộc sống của mình trở nên tốt hơn không ?

Quả thật, khi nhìn lại lịch sử cứu độ nhân loại và lịch sử của bản thân mình, chúng ta sẽ nhận thấy đó là một chuỗi dài của tình thương với dân Thánh Chúa, với Giáo Hội và với bản thân mỗi người chúng ta. Đành rằng trong cuộc sống, có những lúc mình phải đối diện với những đớn đau nghiệt ngã, đối diện với những tủi buồn trăn trở, nhưng khi nhìn kỹ lại, chúng ta sẽ thấy rằng đó chính là những lúc Chúa sửa dạy bảo ban, chính là những lúc Chúa gọt dũa, để đời sống của chúng ta được tốt hơn.

Khuôn mặt của Thiên Chúa Ba Ngôi là khuôn mặt của một Thiên Chúa tình thương, mà chỉ có con người mới có được sự mạc khải để vinh dự vẽ lại khuôn mặt đó trong đời sống của mình. Thế nhưng, con người hôm nay xem chừng như muốn từ khước cái vinh dự đó, thay vì làm cho sáng sủa dễ coi, thì người ta lại làm cho nó trở nên méo mó khó nhìn khi đối xử với nhau bằng một đời sống thiếu công bằng, thiếu tình thương chia sẻ. Bằng chứng là chiến tranh, nghèo đói, bệnh tật, chết chóc dường như chưa bao giờ chấm dứt.

Tình yêu muốn tồn tại thì cần phải có sự đáp trả. Chúng ta hãy đáp trả lại tình thương của Thiên Chúa bằng cách tin vào Đức Kitô là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống. Mà tin vào Đức Kitô là bước theo và tuân giữ các giới răn của Người. Tin vào Đức Kitô là thể hiện trong cuộc đời của chúng ta cung cách sống của Người. Nghĩa là chúng ta phải suy nghĩ, phải nói năng và phải hành động giống như những gì chúng ta đã học biết nơi Lời của Người.

Đây không phải là một chuyện dễ dàng, cũng chẳng phải là một chuyện mà chúng ta chỉ làm trong một sớm một chiều. Bởi vì tin vào Đức Kitô và cư xử giống như Người là chúng ta phải đi ngược lại với những quan niệm đương thời, mà lội ngược dòng nước chảy bao giờ cũng là một điều khó khăn, cũng là một điều vất vả. Chắc chắn rằng sẽ có những lúc chúng ta cảm nhận rằng : khi tôi càng tuân giữ các lề luật của Chúa, là lúc tôi càng cảm thấy mất tự do; Khi tôi càng sống theo các giới răn của Chúa, là lúc tôi càng bị thiệt thòi. Thực ra, khi tôi càng bám vào lề luật của Chúa, là tôi càng được tự do theo đúng nghĩa của nó; tôi càng sống theo các giới răn của Chúa, là cuộc sống tôi càng được hạnh phúc. Một cánh diều muốn được tung bay lên bầu trời tự do, nó bắt buộc phải được giới hạn bằng một sợi dây nhất định. Ngày nào nó tự bứt mình ra khỏi sợi dây ràng buộc đó để được tự do hơn, được bay cao hơn, thì đó là ngày nó rơi xuống vực thẳm.

Hôm nay chúng ta không mừng lễ Chúa Ba Ngôi với một quyết tâm tìm hiểu cho thấu đáo mầu nhiệm ấy, nhưng chúng ta hãy mừng lễ này với một con tim chân thành, vì đã cảm nhận được tình thương của Chúa nơi cuộc đời của mình. Tình thương này sẽ luôn luôn hiện diện trong cuộc đời chúng ta, nhưng tình thương ấy cũng sẽ luôn luôn đặt chúng ta trước một sự chọn lựa đầy ray rứt : Tôi có sẵn sàng nói lên tiếng “không” với tất cả những gì đi ngược lại với lề luật của Chúa hay không?