Ngày 10 tháng Ba năm 1615, tại Glasgow bên Tô Cách Lan, một vị thừa sai lừng danh là cha Ogilvie bước lên máy chém, vì tội rao giảng Phúc Âm. Trong giây phút cuối đời, đứng trên đoạn đầu đài thấy hàng ngàn người đứng coi, muốn để lại cho con chiên của mình một kỷ niệm và một đảm bảo đức tin, vị tử đạo lấy ra vật cuối cùng còn lại trong mình: đó là một cổ tràng hạt… Ngài cố sức ném tràng chuỗi vào giữa biển người. Tràng chuỗi đã rơi xuống trúng một ông hoàng xứ Hungary đang trên đường chu du học hỏi, tình cờ ghé qua Glasgow….Chuỗi tràng hạt này đã bám riết ông khắp nơi, mãi đến ngày ông quyết định từ bỏ giáo phái Calvin để quay trở lại với Công Giáo.
Hơn hai ngàn năm trước, cũng có một Con Người trong những giờ phút cuối của cuộc đời đã trao cho những người mà Người ấy yêu thương một kỷ vật. Kỷ vật đó không đơn giản là một cỗ tràng hạt nhưng là chính thân mình của Người ấy, chính máu thịt của Người ấy. Con Người ấy chính là Đức Giêsu, kỷ vật Ngài trao ban cho các môn đệ, cho loài người chúng ta chính là phép Thánh Thể mà ngày hôm nay chúng ta mừng kính.
Phụng vụ Lời Chúa ngày hôm nay xoay quanh một vấn đề rất căn bản: “Đức Kitô chính là tấm bánh mang lại sự sống đời đời cho tất cả những ai tin vào Người”. Có lẽ chúng ta cũng vẫn còn nhớ phép lạ vĩ đại mà Đức Giêsu đã thực hiện để nuôi sống hơn năm ngàn người trong nơi hoang vắng. Ngày hôm ấy, liền sau khi dân chúng được no nê thừa thãi một thứ bánh đặc biệt, thì Đức Giêsu giới thiệu cho họ một thứ bánh đặc biệt hơn, cao quý hơn. Thứ bánh đặc biệt này mới thật sự cần thiết và đem lại sự sống đời đời cho chính họ, đó chính là Mình và Máu Chúa: “Chính tôi là Bánh Trường Sinh. Ai đến với tôi không hề phải đói. Ai tin vào tôi, chẳng khát bao giờ” (Ga 6,35 ). Và hôm nay đây, qua đoạn Tin mừng với khung cảnh ấm cúng của bữa tiệc ly, bữa ăn cuối cùng với các đồ đệ của mình, Đức Giêsu đã xác nhận một lần nữa khi cầm bánh và rượu trong tay mà đọc rằng: “Đây là Mình Thầy, các con hãy cầm lấy…Đây là Máu Thầy, Máu Giao ước đổ ra vì muôn người” (Mc 14, 22- 24 ).
Như vậy đức Giêsu đã tìm ra được một phương thế để ở lại với các môn đệ, cũng như là ở với tất cả những ai tin vào Người, đó chính là Bí tích Thánh thể, Bí tích của tình thương. Và chắc chắn rằng ai trong chúng ta cũng đã tin vào Chúa Giêsu hiện diện trong Bí tích ấy. Thế nhưng, chúng ta hãy dành một chút thời giờ để nhìn lại xem: thái độ của chúng ta có ăn khớp với niềm tin của mình không ? Nói khác đi là chúng ta có kính trọng đủ và coi Bí tích Thánh thể như là một thứ lương thực cần thiết cho đời sống của mình không ?
Bởi vì thực tế đã cho thấy rằng: có khi chúng ta đến với Bí tích Thánh thể, đến với Thánh lễ ngày Chúa nhật một cách gượng ép ngại ngùng. Người ta đi lễ thì tôi cũng đi. Tôi đi lễ vì sợ người ta có một cái nhìn không tốt về tôi. Tôi đi lễ vì sợ ông cha biết mình bỏ lễ ngày Chúa nhật. Vào trong nhà thờ: người ta đứng thì tôi đứng; người ta ngồi thì tôi ngồi; người ta quỳ thì tôi cũng thế; người ta đi rước lễ thì tôi cũng vậy, mà tôi hoàn toàn không có một chút ý thức nào cả. Tệ hơn nữa là tôi đang ở trong tình trạng tội nặng mà tôi vẫn ung dung đi rước lễ như mọi người. Hoặc là ngược lại với thái độ trên, tôi quá kính trọng Mình Thánh Chúa đến độ mà giờ đây thứ lương thực siêu nhiên đó đã trở thành xa lạ với tôi. Tôi luôn cảm thấy mình bất xứng thấp hèn, nên không bao giờ tôi dám đến gần, mà cũng chẳng bao giờ tôi dám rước lấy. Chúng ta cần loại trừ ngay cả hai thái độ ấy trong đời sống niềm tin của mình, bởi vì như lời một Thánh Vịnh đã viết: “Nếu Chúa tôi nhớ hoài sự lỗi, nào có ai chịu nổi được ư”. Dĩ nhiên là khi muốn rước Chúa, chúng ta cần phải có một sự chuẩn bị chu đáo, ít ra là theo những điều kiện mà Giáo hội đã chỉ dạy. Thế nhưng việc rước lễ sốt sắng sẽ mang lại cho chúng ta nhiều ơn ích thiêng liêng, mà trong đó, chúng ta sẽ nhận được ơn tha thứ các tội nhẹ và những sức mạnh cần thiết để chúng ta sống cuộc đời này tốt hơn, đẹp lòng Chúa hơn.
Ước mong rằng, cùng với việc tìm kiếm lương thực nuôi dưỡng cuộc sống hàng ngày, mỗi người chúng ta cũng biết sắp xếp công ăn việc làm của mình để tìm đến với Bí tích Thánh thể, với Thánh lễ hàng ngày, hàng tuần bằng tất cả lòng tin tưởng và kính trọng, để lãnh nhận thứ lương thực thiêng liêng, một thứ lương thực mà Chúa đã bảo đảm là sẽ ích lợi và cần thiết cho cuộc sống đời này và đời sau