Chúng ta vừa trải qua những ngày Tết đầu năm mới Quý Mão, chúng ta cùng chúc cho nhau năm mới được hạnh phúc. Thế nhưng hạnh phúc là gì ? Tìm hạnh phúc ở đâu? Ai chỉ cho biết con đường dẫn đến hạnh phúc? Đó là những câu hỏi của nhiều người trong chúng ta
Trong thâm tâm, ai cũng đi tìm hạnh phúc. Người nông dân vất vả cày cấy cũng như người học sinh cặm cụi học hành, tất cả đều đang đi tìm hạnh phúc. Nhiều người vướng vào ma túy cũng vì nghĩ rằng ma túy sẽ mang lại hạnh phúc. Ngay cả người đi ăn cướp cũng đi tìm hạnh phúc: người ấy nghĩ rằng những gì cướp được sẽ mang lại cho mình hạnh phúc. Có người làm đơn xin vào tù: người ấy nghĩ rằng vào tù ít là cũng được ăn, ngủ và hạnh phúc hơn cuộc sống bụi đời lang thang. Thậm chí có người tìm đến cái chết để thoát cuộc sống bất hạnh: người ấy không tìm được hạnh phúc nên không còn thiết sống nữa.
Một triết gia đã định nghĩa : “Hạnh phúc là tình trạng con người cảm thấy sung sướng vì đạt được ý nguyện của mình”. Tuy vậy, niềm mong ước, ý nguyện của con người lại lớn nhỏ, nông sâu khác nhau nên hạnh phúc cũng thay đổi theo đó. Đó là câu trả lời thứ nhất.
Câu trả lời thứ hai, chúng ta đọc được trong Thánh vịnh 15 : “Ngoài Chúa ra, đâu là hạnh phúc ?” (Tv 15,2). Tác giả thánh vịnh 15 hẳn là sống giữa những người chưa biết Thiên Chúa. Họ thờ các ngẫu tượng, mong các vị thần đem lại cho họ hạnh phúc. Nhưng tác giả ghi nhận: bản thân từng “sùng mộ” những ngẫu tượng; “thiên hạ tới tấp chạy theo” các ngẫu tượng; trong khi ấy, các ngẫu tượng “vẫn gia tăng tàn phá”. Giờ đây, tác giả nghiệm ra chỉ một mình Thiên Chúa mới đem lại hạnh phúc thật cho con người: Chúa sẽ dạy con biết đường về cõi sống; trước thánh nhan, ôi vui sướng tràn trề; ở bên Ngài, hoan lạc chẳng hề vơi. Con người thời nay không chạy theo các tượng bằng gỗ đá, nhưng vẫn tôn thờ các thần tượng thể thao, ca nhạc, điện ảnh, tiền bạc, danh vọng, quyền lực… Nhưng càng ngày những người biết thức tỉnh càng ý thức con người không chỉ có nhu cầu vật chất, mà còn có nhu cầu văn hóa và nhu cầu tâm linh nữa. Các thứ thần tượng ấy chỉ đem lại thỏa mãn hời hợt và mau qua. Thánh Âutinh viết: “Chúa đã dựng nên con cho Chúa, nên con khắc khoải cho tới khi tìm được an nghĩ trong Chúa.” Câu hỏi đặt ra cho tôi hôm nay là tôi có tìm được hạnh phúc nơi Thiên Chúa chưa. Có thể tôi vẫn “đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt?” Sau những loanh quanh và mỏi mệt, xin cho tôi chia sẻ xác tín của tác giả thánh vịnh: Ngoài Chúa ra, đâu là hạnh phúc?
Câu trả lời thứ ba : Biết bao kẻ nói rằng: “Ai sẽ cho ta thấy hạnh phúc?” (Tv 4,7). Chúa Giêsu đã chỉ cho ta những con đường để đạt tới hạnh phúc. Điều khó là chúng ta thường muốn tìm những thứ hạnh phúc dễ dãi, trong khi Chúa chỉ cho chúng ta đâu là hạnh phúc sâu xa và bền vững. Với bài Tin Mừng hôm nay về Tám mối phúc thật, chúng ta sẽ nghiệm ra thế nào là hạnh phúc thật và ai là người chỉ cho chúng ta thấy hạnh phúc. Và qua chính cuộc sống hạnh phúc của mình, chúng ta trả lời cho thắc mắc của biết bao người về hạnh phúc.
Phúc thứ nhất : tâm hồn nghèo khó.
Đức Giêsu cho chúng ta bài học về chuyện đừng bám víu vào của cải trần gian, nhưng hãy tích trữ của cải thiêng liêng là thứ không hư nát. Vì của cải, tiền bạc trần gian không có giá trị gì khi bước vào cuộc sống bên kia thế giới.
Phúc thứ hai : sự hiền lành.
Sự hiền lành được đề cập ở đây không phải là sự nhu nhược, yếu đuối nhưng là sự hiền lành của Đức Kitô khi Người dạy : “anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học cùng tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường” (Mt 11,29). Sự hiền hậu ấy mang nét của lòng nhân hậu và tốt lành.
Phúc thứ ba : người sầu khổ
Đau khổ là án phạt của con người khi tổ tông chúng ta xúc phạm đến Thiên Chúa, cho nên không ai trong chúng ta thóat khỏi sự khổ đau. Đức Kitô đến và chỉ cho chúng ta một con đường về Trời đó chính là vác thập giá. Phúc cho những con người bị biến nỗi đau khổ thành hoa hồng dâng cho Chúa thay vì ta thán, kêu ca, buồn rầu, tự vẫn…
Phúc thứ bốn : nên người công chính
Người công chính trong Kinh Thánh là một người chăm chú thi hành Thánh ý của Thiên Chúa, là một người đạo đức chỉ có một ước muốn là nên hòan thiện, nên trọn lành. Chúng ta ngưỡng mộ ngắm nhìn và bắt chước một mẫu gương rất quen thuộc với chúng ta : Thánh Giuse.
Phúc thứ năm : xót thương người
Kinh thánh Cựu ước cho chúng ta lời ca tụng Đức Giavê là “Đấng giàu lòng thương xót” (Xh 34,6 – Đnl 4,31 – Tv 77,38 ). Chính vì thế, để nên trọn lành giống Thiên Chúa, chúng ta cũng phải mặc lấy tâm tình thương xót những người chung quanh chúng ta như Chúa đã xót thương chúng ta. Trong thơ thứ nhất của mình, thánh Gioan viết : “Nếu ai có của cải thế gian và thấy anh em mình lâm cảnh túng thiếu, mà chẳng động lòng thương, thì làm sao tình yêu Thiên Chúa ở lại trong người ấy được ?” (1Ga 3,17 ). Vâng, chính đây là điều kiện để vào nước Trời trong ngày cánh chung, khi Đức Kitô ngự đến tách biệt dê và chiên (Mt 25, 31-46 ).
Phúc thứ sáu : tâm hồn trong sạch
Các sách thánh vịnh cho chúng ta nhiều ý tưởng về sự trong sạch : thánh vịnh 23,4 nói đến con người có tay sạch lòng thanh; thánh vịnh 72,1 thì cho biết Thiên Chúa tỏ lòng nhân hậu với những kẻ có lòng trong sạch; thánh vịnh 50,12 thì người tín hữu xin Chúa tạo cho mình tấm lòng trong sạch. Thiên Đàng là nơi đến của những người có tâm hồn trong sạch, không tỳ ố, chính vì thế, khi nhắm mắt lìa đời những tín hữu chưa được trong sạch tinh tuyền đều phải được thanh luyện trong lửa luyện ngục để qua đó linh hồn được trong sạch, đẹp đẽ xứng đáng bước vào Nước Trời.
Phúc thứ bảy : xây dựng hòa bình
“Vậy, nếu khi anh sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh, thì hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hòa với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình” (Mt 5, 23-24 ). Lời Chúa dạy này chúng ta đã thực hiện được chưa ? Gia đình này, xã hội này, thế giới này sẽ có hòa bình nếu chúng ta biết thực hiện được Lời dạy này của Chúa.
Phúc thứ tám : bị bách hại vì sống công chính
Lý ra, người sống công chính phải là người được yêu mến, kính chuộng; thế nhưng, trần thế lại bách hại, phạt vạ, bắt bớ những con người này. Ngày nay, không còn cấm đạo, bắt đạo như thời cha ông chúng ta, nhưng cách bách hại người công chính ngày nay nó thâm hiểm và sâu độc hơn nhiều. Chúng ta có những chứng nhân cụ thể như Đức Hồng Y Thuận, Đức Cha Kiệt….là tấm gương cho chúng ta sống công chính trong xã hội hôm nay.
Ước mong mỗi người chúng ta thấm nhuần và đem hiến chương Nước Trời này vào đời sống chung ta, mỗi ngày một ít, mỗi ngày một chút vừa đủ khả năng của mỗi người chúng ta. AMEN
Nguoitoito