Ngày Chúa nhật nọ, trời mưa lớn và gió lạnh; thi sĩ trứ danh Mauzoni (1785 – 1873) đứng lên giã từ các bạn trong bàn tiệc để đến nhà thờ tham dự Thánh lễ. Các bạn của ông nói : “Trời mưa to quá ! đường đến nhà thờ thì xa. Thôi bỏ lễ một hôm, Chúa nhật tới đi cũng được”. Thi sĩ đáp lại : “Trong các bạn, nếu ai bị mất 1000 lires (tiền Ý), chắc không chịu ngồi đợi cho đến khi trời quang mây tạnh mới đi tìm. Nhưng số tiền ấy chẳng là gì khi so sánh với Thánh lễ”. Vâng, thưa quý vị, đôi lúc chúng ta cũng bị cám dỗ bởi những cuộc vui chơi, giải trí mà quên cả việc đến nhà thờ ngày Chúa nhật; những lúc như thế chúng ta có xử sự được như Mauzoni hay không ?
Bài Tin mừng hôm nay chúng ta thấy đâu đó hình ảnh của một Thánh lễ do chính vị Thượng Tế Cao Cả nhất cử hành. Cũng có phụng vụ Lời Chúa khi Đức Giêsu Phục Sinh mở trí, giảng cho các môn đệ hiểu về Kinh Thánh (câu 45 ). Ngài đã dùng Lời của Ngài để thanh luyện các môn đệ thoát khỏi tình trạng sợ hãi, lo âu và đặt họ vào một con đường mới, con đường của rao giảng Tin mừng cho muôn dân bắt đầu từ Giêrusalem. Con đường đó chắc chắn là con đường đau khổ, chông gai, và nguy hiểm cả đến tính mạng nữa. Nhưng với sức mạnh của Thánh Thần các môn đệ can đảm dấn bước mà không chút ngập ngừng, lưỡng lự. Rồi cũng có phụng vụ Thánh Thế như thể là hình ảnh nối dài của câu chuyện trên đường Emmaus. Đức Giêsu hiện diện và bẻ bánh cho hai môn đệ ở Emmaus như vị Chủ tế làm phép Thánh Thể thế nào, thì giờ đây, Ngài ăn khúc cá (câu 43 ) như thể vị Linh mục rước mình Thánh Chúa và ban Thánh Thể cho các giáo dân tham dự. Đấng Phục Sinh ăn trước mặt môn đệ, một khoảng khắc ấn tượng, một dấu chứng đánh tan một nghi hoặc vốn còn vấn vương trong lòng các môn đệ.
Trên con đường lữ thứ trần gian, chúng ta cũng mang trong lòng đầy những lo âu : lo cho hiện tại, lo cho tương lai, và không chỉ lo cho mình mà còn cho những người thân của chúng ta nữa. Rồi khi nhìn đến thực cảnh của cuộc sống, thực chất của đồng lương, thực sự của sức khỏe…chúng ta cảm thấy sợ, sợ không thể giải quyết được những cái lo ấy, sợ vì không giải quyết được sẽ sinh ra những hệ quả khổ đau khác tiếp theo. Một người nông dân sống bên ruộng lúa, cái cày con trâu sẽ ít nỗi lo lắng, sợ hãi hơn người thương gia bên một đống hàng trong kho. Một đan sĩ sống trong cánh cửa nhà dòng chuyên cần lao động và nguyện cầu sẽ không bị stress như các doanh nhân trong thương trường. Một cách nào đó, chúng ta tự mang vào cổ mình cái ách của lo lắng và sợ hãi. Chúa đã chẳng từng bảo : “Anh em đừng lo lắng tự hỏi : ta sẽ ăn gì, uống gì hay mặc gì đây ? Tất cả những thứ đó, dân ngoại vẫn tìm kiếm. Cha anh em trên trời thừa biết anh em cần tất cả những thứ đó. Tiên vàn hãy tìm kiếm nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho.” (Mt 6,31-33 ). Xin hãy ký thác đường đời cho Chúa, hãy đến bên Thánh Thể Chúa để múc và uống nguồn sinh lực dồi dào cho linh hồn : “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11,28 ).
Một điểm đáng chú ý trong bài Tin Mừng hôm nay đó là các môn đệ tưởng Chúa là ma khi hiện ra với các ông. Đây không phải là lần đầu các ông bị hớp hồn như thế, trong chương 14 câu 22 – 32 Tin mừng theo Thánh Matthêu, chúng ta thấy thuật lại việc Chúa đi trên mặt nước khiến các môn đệ sợ hãi la lên “ma kìa”. Trong đời sống tâm linh của mỗi người, có những lúc Chúa cũng hiện diện như bóng ma làm cho chúng sợ hãi : thất bại ê chề trong công việc, bệnh tật nan y ập đến, hỏa hoạn, thiên tai…Chúng ta cử tưởng Chúa bỏ rơi chúng ta, nhưng chúng ta có biết đâu Chúa muốn chúng ta nên giống Chúa trên Thánh Giá “ Lạy Thiên Chúa, lạy Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con ?” (Mt 27,46), Chúa muốn trui rèn chúng ta trong đau khổ để linh hồn chúng ta trưởng thành hơn, lòng tin chúng ta chắc chắn hơn.
Khi lòng tin các môn đệ còn yếu kém, các ngài tưởng Chúa là ma. Nhưng khi lòng tin đã được củng cố, các ngài mới thấy Ðức Giê-su là con người có thực. Ðức tin của các Tông Ðồ đã được củng cố nhờ được gặp gỡ tiếp xúc thân mật với Ðức Giê-su và qua lời Người giải nghĩa Thánh Kinh. Cũng vậy, đức tin của mỗi người chúng ta cũng còn rất non yếu. Vì thế, chúng ta hãy biết bắt chước các môn đệ củng cố đức tin bằng cách năng gặp gỡ Ðức Giê-su. Hãy đến gặp Người trong Thánh Lễ. Hãy đến gặp Người trong giờ kinh tối trong gia đình. Nhất là hãy đến gặp Người trong những giờ cầu nguyện riêng tư, một mình đối diện tâm sự thân mật với Chúa.
Thánh Thể và Thánh Lễ luôn là phương thuốc giúp ta chữa lành các vết thương lòng, luôn là lương thực giúp hồn ta no thỏa và có sức để tiếp tục cuộc hành trình về Trời. Hãy siêng năng chạy đến Thánh Thể, tham dự Thánh Lễ quý vị bạn nhé.