CHÚA NHẬT III MÙA VỌNG A

CHÚA NHẬT III MÙA VỌNG A (Mt 11, 2-11)

 

 

Giêsu là ai? (Who was Jesus?). Đây là tên của 2 cuốn sách nghiên cứu về nhân vật Giêsu trong lịch sử KiTô Giáo, một của Colin Cross và một của N. T. Wright. Và còn nhiều tác phẩm khác về con người Giêsu. Thế nhưng, đa số các tác giả ngòai công giáo này đều chỉ nhận định một cách khá phiến diện về “con người” của Đức Giêsu chứ chưa nghiệm ra phần “thiên tính” nơi Đức Giêsu. Chính vì thế mà họ xem Ngài như một nhà tư tưởng, một nhà cách mạng, một triết gia…tệ hơn một chút có người còn thóa mạ Ngài xem Ngài như một người phàm tục….Giêsu là ai ? mãi mãi là câu hỏi cho tòan thể nhân loại khi nhìn thấy cây Thánh Giá ở khắp mọi nước trên trái đất, khi nhìn thấy một Giáo Hội Công Giáo không ngừng hòan thiện và phát triển cho dù bị bắt bớ, khi nhìn thấy những người dám hy sinh cả đời sống mình cho bệnh nhân HIV, phong hủi, tàn tật…

Câu hỏi ấy cũng nảy sinh ra trong đầu Gioan Tẩy Giả khi đang ngồi trong tù : Đức Giêsu là ai ? Ngài có phải là Đấng Thiên Sai mà cả ông và dân chúng đang mong đợi không ? (câu 3 ). Bài Tin mừng hôm nay dễ dàng cho chúng ta thấy thái độ của Gioan khi ông tỏ ra nghi ngờ và đang gặp phải sự dằn xé nội tâm. Hình ảnh một vị Thiên Sai đến để xét xử công minh, lấy lại lẽ phải và công bằng, phân biệt thóc với trấu và ném trấu vào lửa cháy sao lại có thể dửng dưng trước việc ông làm chứng cho chân lý và bị Hêrôđê bắt ngồi tù thế này ? Có phải Đấng Thiên Sai không hay còn phải đợi ai khác ? nếu là Đấng Cứu Thế chắc hẳn sẽ phải lấy lại công bằng cho ông chứ ?. Thật tình trong suy nghĩ của Gioan Tẩy Giả, ông không bao giờ muốn nghĩ sai về hình ảnh của vị Thiên Sai mà ông tôn thờ, mà ông xác tín trước đám đông, thế nhưng, ông vẫn muốn khẳng định một lần nữa cho tan đi nỗi ngờ vực trong lòng ông.

Để làm sáng tỏ điều ngờ vực đó, ông phải được chính Đấng Thiên Sai xác nhận. Trong suốt cuộc đời Gioan, ông chỉ có một thắc mắc duy nhất, đó cũng chính là thắc mắc của những người thời đại chúng ta ngày nay, mà đến nay họ vẫn còn đang đi trong đêm đen, vẫn đang tìm kiếm lần mò, họ không chấp nhận Ngài là Thiên Chúa, họ cố chấp không chịu tìm đến Giáo Hội của Ngài. Không phải họ không biết, không nghe Đức Giêsu, mà là do họ cứng lòng, không chịu tin mà chỉ biết dùng cách suy nghĩ vật chất để đánh giá và tìm hiểu về Ngài.

Cũng còn một số người khác cũng biết suy nghĩ, cũng biết đặt câu hỏi, biết tìm kiếm nhưng lại hơi có phần bất mãn vì khó hiểu qúa. Đấng Thiên Sai đã đến sao còn có bất công, người lành vẫn cứ bị chèn ép , áp bức, kẻ dữ thì vẫn sống phây phây ? Chính vì những sai lầm từ trong thâm tâm, suy nghĩ sai về một Đấng Thiên Sai, mà con người dễ bị sụp vào bẫy của thế gian, tự chui vào lửa như một con thiêu thân để tìm một thứ thiên sai chủ nghĩa mới, thích dựa vào những lạc giáo và mê tín dị đoan…

Điểm hay ở Gioan là ông đã biết chạy đến cùng Đức Giêsu để hỏi, ông biết chạy đến ánh sáng để cầu cứu chiếu soi khỏang mờ trong tâm hồn ông. Đức Giêsu không trả lời trực tiếp câu hỏi của Gioan, mà Ngài đã nêu ra một số công việc mà Ngài đã làm cho môn đệ Gioan nghe để về thuật lại cho ông: “Cho kẻ mù xem thấy, kẻ què đi được, người cùi lành lặn, kẻ điếc được nghe, người chết sống lại, kẻ nghèo được nghe Tin Mừng” (câu 5 ). Nghe được công việc Đức Giêsu đã làm chắc chắn Gioan không còn suy nghĩ sai lệch về Đấng Cứu Thế nữa. Đấng Cứu Thế không phải đến trong vinh quang, không phải đến để làm chính trị, hay làm cuộc cách mạng giải phóng đô hộ bằng chiến tranh bạo lực. Nhưng, Đấng Cứu Thế đến ngược hẳn với suy nghĩ của con người, Ngài đến trần gian để mang ơn cứu độ cho tất cả mọi người. Ngài cũng làm cuộc cách mạng, nhưng đó là cuộc cách mạng tình yêu, cũng giải phóng con người nhưng không phải giải phóng khỏi nô lệ đế quốc, mà giải phóng con người khỏi nô lệ tội lỗi.

Câu trả lời của Đức Giêsu cho Gioan hôm nay cũng khiến cho nhiều người nhận ra từ trước đến nay mình cũng có những quan niệm lệch lạc về Đấng Cứu Thế trong cuộc sống như vậy. Đấng Cứu Thế không đến trong uy hùng cao sang, mà Ngài đã đến qua những người ăn xin nghèo khổ đang cần sự giúp đỡ của chúng ta, Ngài đã đến qua những vòng tay nhân ái biết yêu thương giúp đỡ mọi người. Ngài đến cách âm thầm qua lời cầu nguyện, lời kinh trong Thánh Lễ. Đặc biệt là Ngài đang ở bên cạnh chúng ta, đang cùng đồng hành với chúng ta, ở bên chúng ta cả khi vui lẫn khi buồn, nhưng chúng ta có nhận ra Ngài, biết mở rộng lòng để đón Ngài chưa ?

Trong Mùa Vọng Giáo Hội luôn kêu gọi chúng ta tin tưởng và nhận ra Đấng Cứu Thế đã và đang đến trong lịch sử của đời mình. Ngài không chỉ đến trong thành công, trong niềm vui mà Ngài còn đến trong cả thất bại và buồn phiền của con người. Vì thế, chúng ta hãy mạnh dạn lên biết chạy đến đón nhận niềm tin từ Thiên Chúa để không những đem hy vọng đến cho mình mà còn đem hy vọng đến cho người khác, vì còn rất nhiều người đang sống trong bóng tối u mê tội lỗi.

 

Jos Long