Trong các lớp giáo lý hôn nhân, các học viên thường được nghe về câu chuyện vui của những người đàn ông trước và sau khi cưới vợ một thời gian. Đại lọai có những câu hỏi và trả lời như thế này :
*Trước khi cưới : Em yêu, anh đợi em cả cuộc đời còn được mà.
* Sau khi cưới : Muốn tôi chở đi thì lẹ lên, tôi không có chờ đâu.
* Trước khi cưới : Anh ơi ! ghê quá, con chuột chết. – Để đó cho anh.
* Sau khi cưới : Anh ơi ! có con mèo chết trên nóc nhà mình
– Thì lấy cây hất nó xuống, có con mèo chết mà cũng kêu chồng.
* Trước khi cưới : Xe em dơ quá, để anh rửa cho
* Sau khi cưới : Một là đưa ba mươi ngàn tôi mang ra tiệm, hai là tự rửa lấy.
* Trước khi cưới : Em bệnh hả em yêu ? có mệt không em ?
* Sau khi cưới : Khoẻ chưa ? Dậy nấu cơm ăn đi. Cả ngày nay cha con ăn mì gói, oải quá.
Từ “sau” đó có thể là vài tháng, vài năm hay vài chục năm. Thế đấy, vẫn là 2 con người đó, có khác chăng chỉ khác có hình thức nhan sắc và một chút tất bật của người phụ nữ. Nếu chỉ dựa vào nhan sắc bên ngòai để yêu, để hy sinh thì kết cuộc sẽ là như thế đó.
Cuộc biến hình trên núi Tabor được xếp đặt để chuẩn bị cho cuộc khổ nạn trên đồi Calvê. Đức Giêsu muốn tạo cho các môn đệ một tâm lý sẵn sàng để đón nhận chén đắng mà sau này thầy trò cùng phải uống. Như người ta bao bọc viên thuốc đắng bằng một lớp bọc đường để cho bệnh nhân nhất là trẻ em dễ uống thế nào thì Đức Giêsu một cách nào đó cũng hóa giải tin khổ nạn bằng cuộc biến hình rực rỡ.
Thế nhưng, Thầy Giêsu hơi thất vọng vì những phản ứng của các môn đệ : “Lạy Thầy chúng con ở đây thì tốt lắm, chúng con xin dựng ba lều, một cho thầy, một cho Môsê và một cho Elia”. Các môn đệ đang muốn đăng ký thường trú trên núi Tabor để được chiêm ngắm hào quang rực rỡ của thầy, để được “ăn theo” vinh quang của thầy. Họ sẵn lòng bỏ mặc các bạn đồng môn dưới chân núi, bỏ lại sứ mạng rao truyền mà thầy đã sai đi. Các ông ấy đâu biết rằng thầy mình chỉ lên đỉnh Tabor trong chốc lát, rồi sau đó sẽ xuống núi vác thập giá lên đồi Calvê.Theo thầy không phải là lên cao hưởng thụ, nhưng là xuống thấp để cùng vác thập tự với thầy.
Cũng như ba môn đệ, các đôi vợ chồng trong câu chuyện vui kể trên chỉ muốn dừng lại ở vẻ đẹp. Nhưng vẻ đẹp đâu thể tồn tại mãi, thầy Giêsu chỉ mặc tấm áo trắng tinh như ánh sáng trong chốc lát để giới thiệu cho các môn đệ biết sự vinh quang của phục sinh. Cuộc đời cần hạnh phúc chứ không phải vẻ đẹp. Vẻ đẹp là ân huệ của đất trời nhưng cũng có thể là cạm bẫy cướp đi hạnh phúc của chúng ta.
Giá trị đích thực chính là tình yêu, chính do tình yêu mà vợ chồng mới giữ được lòng chung thủy, chính trong tình yêu mà các tín hữu mới trở nên bóng hình xinh đẹp của Chúa và cũng chính vì tình yêu mà chúng ta phải biến đổi hình dạng mỗi ngày để phản ánh vinh quang ngời sáng của Thiên Chúa.
Chúng ta đang bước vào Chúa nhật thứ II của mùa Chay, Giáo Hội mời gọi chúng ta sống kinh nghiệm của ba môn đệ về một sự tôn vinh thầy Giêsu trên núi cao với khuôn mặt và y phục chói lọi, với hai bậc thánh nhân ở hai bên tả hữu. Tất cả đầy ánh sáng. Bên cạnh đó, Giáo Hội cũng mời gọi các tín hữu nhìn về núi Sọ với thầy Giêsu không có y phục, bị treo trên thập giá đẫm máu, với hai tên trộm cướp hai bên. Tất cả đầy u ám trong buổi trưa ngày thứ sáu tuần thánh. Hai hình ảnh đối lập nhưng cùng một thầy Giêsu. Và thầy Giêsu đã dạy chúng ta một bài học là phải vượt qua đau khổ để đến vinh quang, vượt qua bóng tối để tìm thấy ánh sáng. “Con đường Chúa đã đi qua” luôn là con đường hẹp, con đường của thập giá, của hy sinh và hãm mình, là con đường mà mỗi tín hữu phải cố gắng bước theo ít là trong mùa chay Thánh hàng năm, nhiều thì phải cả cuộc đời mình
Hai đỉnh Tabor và Calvê cách nhau không xa về khỏang cách nhưng lại là con đường đau khổ mà người Kitô hữu phải đi suốt cuộc hành trình về Trời. Để kết thúc bài viết, mời các bạn cùng suy niệm lời của Thánh nữ Têrêsa thành Lisieux : “Sống tình yêu không phải là căng lều trên đỉnh Tabor mà là cùng với thầy Giêsu trèo lên đồi Calvê” và lời Thánh Bernadette cầu nguyện : “Con không xin cho mình khỏi phải đau khổ, nhưng chỉ xin Chúa đừng bỏ con trong lúc khổ đau”.
Nguoi toi to