CHÚA NHẬT I MÙA VỌNG C (Lc 21,25- 28. 34- 36.)

Tai Việt Nam, nhiều công ty bảo hiểm đưa ra nhiều loại bảo hiểm khác nhau cho người dân tham gia. Nào là bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn nghề nghiệp, bảo hiểm tai nạn giao thông, bảo hiểm an sinh…Người tham gia sẽ được nhiều ưu đãi khi có sự cố. Như vậy, có thể nói hơn bao giờ hết sản phẩm bảo hiểm ngày nay thật phong phú và đa dạng. Nhưng với sự khủng hoảng kinh tế do dịch COVID 19 hiện nay, các hãng bảo hiểm Việt Nam và các chi nhánh của các hãng bảo hiểm quốc tế tại Việt Nam bắt đầu rơi vào tình trạng đóng băng.

Dường như cuộc sống càng văn minh bao nhiêu thì mức độ an toàn lại càng mong manh bấy nhiêu. Từ đó, con người mong được chút nào đó bảo đảm nơi các loại bảo hiểm trên. Đó là trên bình diện cuộc sống tự nhiên. Còn trên bình diện cuộc sống siêu nhiên thì sao ? Có loại bảo hiểm nào cho cuộc sống vĩnh cửu mai sau không ?

Mùa vọng là mùa của hy vọng và trông chờ. Hy vọng và trông chờ ngày đại lễ Giáng sinh – ngày kỷ niệm Chúa Giêsu đến thế gian lần thứ nhất. Hy vọng và trông chờ ngày Chúa Giêsu sẽ trở lại trong vinh quang vào ngày tận thế. Cách riêng, hy vọng và trông chờ ơn cứu độ của Thiên Chúa đến với từng người. Nói cách khác, người tín hữu hy vọng và trông chờ vào một thứ bảo hiểm. Đó là Bảo hiểm Nước Trời.

Loại bảo biểm này nhằm mục đích đảm bảo cho người thụ hưởng được chắc chắn phần thưởng nước Trời sau khi giã từ trần gian. Thế nhưng, để được lợi ích bảo hiểm đó, người thụ hưởng phải “đóng bảo hiểm” không phải bằng tiền mà là bằng sự tỉnh thức và cầu nguyện. Ngoài ra, loại bảo hiểm này không phải hàng tháng hay hàng năm đóng một lần nhưng là hàng ngày phải đóng và đóng liên lỉ cho đến chết.

Lời Chúa trong Chúa nhật I mùa Vọng năm C, cho chúng ta thấy cảnh “muôn dân sẽ lo lắng hoang mang trước cảnh biển gào sóng thét”“người ta sẽ lo sợ đến hồn xiêu phách lạc, chờ những gì sắp giáng xuống địa cầu….”. Rồi “ngày ấy như chiếc lưới bất thần ập xuống…”. Những hình ảnh đó muốn nói lên thế giới này rồi sẽ qua đi. Nó sẽ nhường lại cho thế giới mới tốt đẹp hơn. Thế giới mới này có đặc tính vĩnh cửu và không hư mất. Không có quyền lực nào có thể làm gì được với thế giới mới này. Đối với những ai đã được bảo hiểm Nước Trời thì chắc chắn không có gì phải ghê sợ.

Như vậy để “đóng” bảo hiểm Nước Trời bằng tỉnh thức và cầu nguyện, chúng ta phải làm thế nào ?

Trước tiên, chúng ta suy niệm về sự tỉnh thức: tỉnh thức không phải là ngồi yên một chỗ, mà là tích cực sống với tinh thần ý thức trách nhiệm, biết chọn lựa cái nào là thật và có giá trị cho mình, đồng thời sống trong mối tương quan tốt với Chúa và với mọi người, thực thi bác ái, yêu thương, quảng đại, tha thứ, luôn trông cậy và sống theo Thánh Ý Chúa… Như thế thì khi chiếc lưới thình lình ụp xuống, chúng ta đâu cần phải lo lắng điều gì nữa? Có bảo hiểm rồi mà ! Ngược lại nếu chúng ta cứ tìm thú vui vật chất, lo lắng sự đời, lười biếng, vụ lợi…. sống như thế thì khi chiếc lưới ụp xuống, cái gì sẽ nâng đỡ, sẽ cứu giúp cho chúng ta ?

Viết đến đây tôi chợt nhớ câu chuyện của Thánh Saviô, bổn mạng của các em lễ sinh. Trong giờ ra chơi, các em thiếu nhi vui đùa từng tốp theo sở thích của từng em. Cha Thánh Don Bosco chợt xuất hiện và gọi các em lại mà nói : “Nếu giờ này Chúa gọi các con về với Chúa, các con sẽ làm gì ?”. Có em nói : “con sẽ vào nhà thờ cầu nguyện”, em khác lại nói : “Con sẽ xin cha cho con xưng tội”, em khác nữa lại thưa : “Con sẽ viết thư để lại cho bố mẹ và các bạn”. Cha Don Bosco đến bên cậu học trò thân yêu hỏi : “Còn Saviô, con làm gì ?”. Cậu trả lời : “Thưa Cha, con tiếp tục chơi !”. “Con không sợ mất linh hồn à ?” Cha Thánh hỏi lại. Không chút suy nghĩ, cậu bé đáp : “Bởi vì con luôn dọn lòng chờ Chúa đến”. Quả là một bài học cho những người lớn chúng ta phải không các bạn ?

Cầu nguyện là nâng tâm hồn lên cùng Chúa để gặp gỡ và hiệp thông với Chúa trong tình yêu; nhưng phương thế hữu hiệu nhất để ta nâng tâm hồn lên với Chúa, chính là tham dự tích cực các nghi lễ phụng vụ, các bí tích, vì chính qua các bí tích, chúng ta mới gặp gỡ Đức Kitô dễ dàng và hữu hiệu… Tuy nhiên, nếu không có thời gian, chúng ta cũng có thể dành ra năm ba phút để cầu nguyện với Chúa hàng ngày. Tôi thấy hiện nay đang phổ biến tập sách nhỏ “5 phút lời Chúa”  trên trang Web của các Giáo phận có phần “Lời Chúa hàng ngày”, rồi lại có “Suy niệm hàng ngày” đây chính là những linh dược cần thiết cho cuộc sống bận rộn của chúng ta, nó giúp chúng ta sống đẹp lòng Chúa hơn, nhân ái hơn. Bạn cứ thử mà xem. Mỗi ngày dựa vào các bài Suy niệm ấy, bạn đọc thêm một câu Lời Chúa, suy niệm theo chủ đề đã được hướng dẫn, mời bạn hành động theo ý tưởng vừa suy niệm, chia sẻ, sống lời Chúa, cầu nguyện theo ý chỉ…những điều đó thật bổ ích cho phần hồn và phần xác.

Hãy tỉnh thức và cầu nguyện : năm nào vào Mùa Vọng, chúng ta cũng nghe câu nói này. Nếu năm này, hay tháng này, Chúa gọi chúng ta về với Chúa, chúng ta sẽ phản ứng ra sao? Chúng ta có sẵn sàng như Saviô chưa ?