Triết gia Soren Kierkegaard sống tại Đan Mạch cách đây khoảng 150 năm có kể câu chuyện sau: Có một vị vua nọ đắm say một cô thôn nữ nhưng không thể cưới nàng làm vợ, bởi vì vua chúa không bao giờ cưới nông dân. Sau khi đã lật đi lật lại nhiều giải pháp, cuối cùng vua đã đi đến quyết định từ bỏ ngôi báu để trở nên một nông dân hèn hạ và dâng hiến tình yêu mình cho người thôn nữ kia để giữa hai người có được một tình yêu đích thực.
Việc làm của vị vua trong câu chuyện trên giúp chúng ta liên tưởng tới hành vi tự hạ của Vua Kitô. Thật vậy, vì yêu thương nhân loại, Ngài đã tự hạ mình làm một con người như chúng ta ngoại trừ tội lỗi.
Hôm nay Chúa nhật 34 thường niên, Chúa nhật cuối cùng của năm phụng vụ B. Giáo Hội mời gọi chúng ta chiêm ngắm một vị Vua. Vị Vua này khác hẳn các vị vua trên trần thế, vượt xa các hoàng đế ở trần gian. Vị Vua ấy được tôn xưng với danh hiệu : VUA TÌNH YÊU.
Thế Vua Giêsu có khác gì không? Đức Giêsu không phải là một vị vua trần thế nên những gì ta tưởng nghĩ về vua trần thế thì không thích hợp với Ngài “Nước tôi không thuộc về thế gian này. Nếu Nước tôi thuộc về thế gian này, thuộc hạ của tôi đã chiến đấu không để tôi bị nộp cho người Do-thái. Nhưng thật ra Nước tôi không thuộc chốn này”( câu 36 ). Đức Giêsu là vua tình yêu, vua phục vụ. Trong quãng đời rao giảng, Ngài vẫn thường dạy các môn đệ “Anh em biết: những người được coi là thủ lãnh các dân thì dùng uy mà thống trị dân, những người làm lớn thì lấy quyền mà cai quản dân. Nhưng giữa anh em thì không được như vậy: ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh em, ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ mọi người” (Mc 10, 42-44 ). Đối với Chúa thước đo sự cao cả của một con người chính là sự quan tâm phục vụ người khác. Chính Chúa đã nêu gương khi Ngài rửa chân cho các môn đệ “Anh em gọi Thầy là “Thầy”, là “Chúa”, điều đó phải lắm, vì quả thật, Thầy là Thầy, là Chúa. Vậy, nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau” (Ga13, 13- 14 ). Đức Giêsu đã thể hiện vương quyền của Ngài trong hành động phục vụ anh em mà cụ thể là rửa chân cho các môn đệ. Thánh Phaolô diễn tả vương quyền phục vụ của Đức Giêsu trong thơ mục vụ của Ngài “ Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa, mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự. Chính vì thế Thiên Chúa đã siêu tôn Người và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu” (Pl 2,6-9 ).
Nước Vua Giêsu không thuộc thế gian này. Ngay từ những ngày đầu hạ sinh, Vua Giêsu đã bị “phát hiện” bởi các nhà đạo sĩ “Đức Vua dân Do-thái mới sinh, hiện ở đâu? Chúng tôi đã thấy vì sao của Người xuất hiện bên phương Đông, nên chúng tôi đến bái lạy Người” ( Mt 2,2 ), bởi vua Hêrôđê… và đã bị “tranh chấp” quyền lực bởi các vua trần thế. Nhưng Vương Quốc Vua Giêsu không thuộc thế gian này vì Ngài không quyền thế, không danh vọng trước mặt thế gian, Ngài tự nhận “ con chồn có hang, chim trời có tổ, Con Người không có chỗ tựa đầu” (Mt 8,20 ), và cho đến cuối đời Ngài phải chịu chết trần trụi trên thập giá. Thế thì Vương Quốc Vua Giêsu ở đâu? Đức Giêsu là Vua tình yêu, Vua hòa bình, Vua công chính… đang ngự trị ngay giữa lòng thế giới, những ai là thần dân của Nước Chúa thì nghe tiếng Vua như đoàn chiên biết tiếng chủ chiên “Tôi biết chiên tôi và chiên tôi biết tôi” ( Ga10,14 ) và làm chứng cho sự thật “ ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi” ( câu 37 ).
Mỗi người trong chúng ta có một quê hương, một đất nước mà chúng ta được tận hưởng của những bậc cha anh, là di sản quý báu mà mọi người có trách nhiệm gìn giữ và bảo vệ. Nhưng khi chúng ta rời xa cuộc sống trần gian này, chúng ta sẽ còn lại gì, vị vua nào đang ngự trị trong tâm hồn để gìn giữ, để bảo vệ con người yếu hèn của chúng ta ?
Cuộc sống của một đời người, chúng ta tôn thờ ai, và ai đã làm vua ngự trị chiếm hữu cuộc đời của chúng ta? Cứ nhìn lại đời sống đã qua, chúng ta sẽ nhận ra được vị vua của cuộc sống mỗi người.
Có người chọn vị vua là danh vọng, tiền tài. Mục đích của họ chỉ là cuộc sống trần gian này, họ cố gắng vun bồi chỗ đứng, địa vị xã hội để làm sao tạo được uy tín hầu kiếm nhiều lợi nhuận, cho đời sống được thoải mái, an nhàn. Đó là mục đích sống của họ, nên họ bất chấp chân lý, bất chấp tất cả, họ giẫm bừa lên tất cả, miễn sao đạt được mục đích là họ sẵn sàng hành động không ngần ngại điều gì hết. Nhưng họ đâu biết rằng, đó là một vị vua mù quáng, vì nhiều lúc họ bị đồng tiền phản bội, làm khổ họ đủ cách. Cũng nhiều lúc danh vọng, địa vị mà họ đạt được không mang lại hạnh phúc cho họ. Vì đó chỉ là một vị vua trần thế, vua phù du.
Chúng ta có chọn cho mình vị vua của chân lý ? Chúng ta có thuộc về chân lý, để nghe tiếng của vị vua công chính không? Ngài không sợ bị chiếm ngôi nên Ngài không cần phải nghe những nịnh thần. Ngài không sợ mất quyền lợi, vì Ngài luôn ban phát, nên Ngài không cần phải tranh giành. Ngài luôn yêu thương, kêu mời mọi người đến với Ngài, để cùng hưởng vinh quang mà Ngài đã chuẩn bị cho những người thuộc về chân lý. Chúng ta là thần dân của Ngài, trong những lúc chúng ta dám can đảm sống ngay chính, không sợ những lời nói bâng quơ châm chọc. Cũng trong những lúc phải chọn lựa, chúng ta dám chọn lựa sự thật, chọn lựa những điều đúng mà không sợ phải mất đi những gì mình đang có.
Cũng có những lúc, chúng ta sẵn sàng hy sinh một chút sung sướng riêng tư, một chút thỏa mãn những dục vọng ích kỷ, để lắng nghe tiếng Ngài, hành động theo những gì Ngài chỉ dạy, cho dù phải vất vả khổ cực đôi chút. Đó là những lúc chúng ta sống xứng đáng là thần dân của Ngài. Nhưng xét trong đời sống đã qua , với những chuỗi ngày dài, được bao nhiêu ngày chúng ta là thần dân trung thành của Ngài, được bao nhiêu ngày, chúng ta biết chọn vị Vua của Chân Lý? Còn những ngày kế tiếp đây, chúng ta muốn chọn cho mình vị vua như thế nào? Mỗi người chúng ta hãy tự trả lời những câu hỏi ấy, nhưng xin lưu ý rằng : “Không ai có thể làm tôi hai chủ…” (Mt 6,24 ), thần dân không thể có hai vua !